Cải cách thể chế: 'Chìa khóa' hiện thực hóa mục tiêu thu nhập cao

Theo các chuyên gia, cải cách thể chế chính là 'chìa khóa' để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045.

Hóa giải thách thức bằng cải cách thể chế

Thảo luận xoay quanh Báo cáo “Việt Nam 2045: Đột phá thể chế cho một tương lai thu nhập cao” do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức vào sáng 22/5, ông James Anderson - Chuyên gia trưởng Khu vực công, WB - cho rằng: Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu phát triển trong những thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao trong nhiều năm liền và tỷ lệ giảm nghèo được cải thiện đáng kể.

"Trong bối cảnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Mặc dù còn 20 năm nữa để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này, nhưng chỉ có ít quốc gia đã chuyển đổi thành công từ quốc gia thu nhập trung bình trở thành quốc gia thu nhập cao nhanh như vậy" - báo cáo của WB nêu rõ.

Báo cáo “Việt Nam 2045: Đột phá thể chế cho một tương lai thu nhập cao” được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 22/5. Ảnh: NH

Báo cáo “Việt Nam 2045: Đột phá thể chế cho một tương lai thu nhập cao” được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 22/5. Ảnh: NH

Từ nhận định trên, ông James Anderson cho rằng, mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam là mục tiêu vô cùng thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trên nếu như tập trung cải cách thể chế hiệu quả.

Cũng theo ông James Anderson, thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam đạt được trong suốt những năm qua có sự đóng góp quan trọng của cải cách thể chế. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Việt Nam đã vô cùng nỗ lực hoàn thiện thể chế, tạo không gian cho phát triển kinh tế, tuy nhiên nỗ lực này chưa mang lại nhiều kết quả.

Theo đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam còn nhiều không gian, dư địa để cải cách thể chế trong thời gian tới. Và nếu cải cách hiệu quả, đây sẽ là “chìa khóa” giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045.

Phân tích sâu hơn về nhận định trên, ông James Anderson cho rằng, chất lượng thể chế của Việt Nam thời gian qua theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đã có sự cải thiện, nhưng sự cải thiện này vẫn thấp hơn mức bình quân của các quốc gia trên thế giới. Theo đó, cải cách thể chế vẫn là một thách thức cần hóa giải trong giai đoạn tới để Việt Nam đạt được mục tiêu bứt phá vào năm 2045.

Cũng đánh giá vai trò quan trọng của cải cách thể chế đối với mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045, ông Nguyễn Quốc Trường - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) - cho rằng: Vấn đề cải thiện thể chế tại Việt Nam đã được nêu ra từ hơn 10 năm trước, tuy nhiên việc thực thi vẫn chưa hiệu quả.

"Theo đó, Việt Nam còn nhiều dư địa để cải cách thể chế trong thời gian tới và cải cách thể chế sẽ đem lại tương lai cho nền kinh tế Việt Nam" - ông Nguyễn Quốc Trường khẳng định.

Chuyên gia WB đánh giá cao cơ hội Việt Nam trong mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Ảnh: NH

Chuyên gia WB đánh giá cao cơ hội Việt Nam trong mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Ảnh: NH

Tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào đầu tư công

Một trong những nội dung quan trọng về cải cách thể chế được các chuyên gia kinh tế đề cập tại phiên thảo luận đó là tạo không gian phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân, bởi đây là khu vực “xương sống” của nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam có đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045 hay không phụ thuộc vào sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân.

"Theo đó, nếu khu vực kinh tế tư nhân không có cải thiện, thì mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam sẽ trở nên xa vời" - ông Trần Đình Thiên khẳng định.

Đó cũng là lý do, đầu tháng 5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân với nhiều mục tiêu và giải pháp mang tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Tuy nhiên, để khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất, Việt Nam cần tạo thêm không gian cho tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công. Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo ra sự bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp vào phát triển kinh tế.

Đồng tình với quan điểm tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công, ông James Anderson cho rằng: Nhìn vào những quốc gia đã trải qua giai đoạn chuyển đổi từ thu nhập trung bình đến thu nhập cao có thể nhận thấy, những quốc gia thành công là những quốc gia đã cải thiện được số lượng và chất lượng đầu tư công. Còn những quốc gia bị "mắc" lại ở ngưỡng thu nhập trung bình là các quốc gia không phát huy được hiệu quả đầu tư công.

Cũng theo ông James Anderson, hệ thống pháp lý liên quan đến đầu tư công quá phức tạp và được quản lý điều hành bởi nhiều chính sách và cơ quan khác nhau, điều này gây ra những cản trở cho triển khai dự án đầu tư công trong thực tế.

Năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam chỉ đạt 77,55% so với kế hoạch đề ra, trong khi đó các quốc gia thu nhập cao thường đạt trên 96% kế hoạch đầu tư công đã đặt ra. Theo đó, để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho đầu tư công phát triển.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng: Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện thể chế, hướng tới xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại.

Điều này đã được thể hiện thông qua việc Bộ Chính trị thời gian qua đã ban hành một loạt Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời cải thiện về quy trình xây dựng chính sách pháp luật. Với những nỗ lực trên, hy vọng những điểm nghẽn về thể chế sẽ được khắc phục trong thời gian tới, mở ra không gian phát triển mới để Việt Nam đạt mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.

Bà Mariam J. Sherman - Giám đốc WB tại Việt Nam, Campuchia và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào - cho biết: Trong quá trình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 đã cho thấy vai trò quan trọng của thể chế trong việc đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-cach-the-che-chia-khoa-hien-thuc-hoa-muc-tieu-thu-nhap-cao-388782.html