Ngành gia cầm cần một chiến lược đột phá

Ngành gia cầm Việt Nam đang đối mặt với 'khủng hoảng niềm tin' khi hiệu quả chăn nuôi thấp kéo dài và giá trị sản xuất sụt giảm nghiêm trọng.

Ngày 22/5, Hội nghị "Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững" được Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hiệp hội Gia cầm Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến thẳng thắn chỉ rõ: "Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, chính sách thuế từ Mỹ và các yếu tố bất định khác, Việt Nam vẫn duy trì được đà xuất khẩu với mục tiêu tăng trưởng 4%, hướng đến mốc 70 tỷ USD. Tuy vậy, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm còn tồn tại nhiều bất cập, cần làm rõ như lý do hiệu quả chăn nuôi còn thấp trong nhiều năm qua và giải pháp, tổ chức thực hiện để cải thiện tình trạng này".

Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng triệt để khoa học công nghệ, đặc biệt là các Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vào chọn giống, phòng bệnh và xây dựng bộ máy quản lý xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng "nghiên cứu xong để đó".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến tại hội nghị

Sau gần 40 năm Đổi mới, ngành gia cầm Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc về quy mô, sản lượng và trình độ công nghệ. Với 2,4 triệu tấn thịt và hơn 2 tỷ quả trứng sản xuất trong năm 2024, ngành không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Ngành chăn nuôi gia cầm đang từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, bức tranh hiện tại lại đang phủ gam màu xám. Giá trị sản xuất của ngành có xu hướng giảm dần, thậm chí đang bắt đầu rơi vào giai đoạn khủng hoảng về giá, thị trường, mô hình phát triển và sâu xa hơn là khủng hoảng niềm tin của doanh nghiệp về một tương lai bất định.

Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng: "Chăn nuôi gia cầm có vốn đầu tư không cao, quay vòng nhanh, dễ nuôi, là sinh kế thiết yếu cho hàng triệu nông hộ".

Mặc dù được đánh giá có tiềm năng hội nhập cao nhờ thể chế minh bạch, đồng bộ và thị trường tiêu thụ rộng mở, ngành chăn nuôi gia cầm vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản. Đó là thói quen tiêu dùng manh mún, hệ thống phân phối nhỏ lẻ khó kiểm soát dịch bệnh, liên kết chuỗi còn yếu và dự báo cung cầu chưa sát thực tế. Bối cảnh quốc tế bất ổn, biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp càng làm gia tăng rủi ro.

Ngành gia cầm có tiềm năng xuất khẩu hàng tỷ USD vẫn loay hoay tìm lối thoát

Ngành gia cầm có tiềm năng xuất khẩu hàng tỷ USD vẫn loay hoay tìm lối thoát

Theo ông Phạm Kim Đăng, ngành chăn nuôi Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khi liên kết chuỗi giá trị chưa thực sự vững chắc. Tình trạng này không chỉ đẩy người chăn nuôi vào thế bị ép giá bởi khâu trung gian mà còn cản trở mục tiêu xuất khẩu, đặc biệt khi yêu cầu về an toàn thực phẩm và minh bạch chuỗi cung ứng ngày càng gắt gao.

Theo ghi nhận, số lượng các chuỗi giá trị khép kín, được đầu tư đồng bộ từ đầu vào đến đầu ra bởi các doanh nghiệp lớn, vẫn còn khiêm tốn. Sự thiếu kết nối giữa các khâu quan trọng như sản xuất giống, chăn nuôi, giết mổ/chế biến và tiêu thụ đang tạo ra những "khoảng trống" lớn, khiến người nông dân khó kiểm soát được giá thành và đầu ra sản phẩm.

Hệ quả là chất lượng và nguồn gốc sản phẩm chưa được đảm bảo xuyên suốt, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để ngành chăn nuôi Việt Nam thực sự "cất cánh" và vươn tầm xuất khẩu, việc khẩn trương xây dựng và củng cố các chuỗi giá trị bền vững, minh bạch là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trước những thách thức này, Cục Chăn nuôi và Thú y đề xuất các giải pháp cấp bách như tăng cường tiêm phòng, giám sát dịch bệnh và áp dụng triệt để an toàn sinh học. Song song đó là mở rộng thị trường, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm lợi thế, siết chặt kiểm soát nhập lậu và thúc đẩy liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương. Việc kết nối và chia sẻ thông tin minh bạch được nhấn mạnh như chìa khóa để đảm bảo lợi ích hài hòa cho toàn bộ chuỗi giá trị.

Để thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, về quản lý hành chính, cần khẩn trương đưa ra các tiêu chuẩn quy chuẩn, cắt giảm thủ tục hành chính để phù hợp với bối cảnh mới. Ngành chăn nuôi cần chú trọng về khoa học công nghệ, đặc biệt là về sản xuất con giống; thúc đẩy chế biến, đặc biệt chế biến sâu, cần tạo sự chuyển biến trong quản lý giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ gắn với an toàn thực phẩm.

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-gia-cam-can-mot-chien-luoc-dot-pha-164635.html