Cải cách thể chế để tăng trưởng hai con số
Cải cách thể chế theo hướng tạo thuận lợi cho dòng vốn chảy vào nền kinh tế là giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động thực hiện các kịch bản tăng trưởng để năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8%, phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số trong điều kiện thuận lợi.
Đánh giá mục tiêu tăng trưởng hai con số là rất tham vọng, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhìn nhận, cần phải đẩy mạnh đầu tư công thông qua cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa, lấy đó làm nền tảng cho tăng trưởng.
“Hiện nay, quy trình thủ tục đầu tư công rất mất thời gian. Điều Chính phủ có thể làm ngay là cải cách thể chế mạnh mẽ để giảm thủ tục, đóng góp cho tăng trưởng”, ông Hùng khẳng định.
Đồng quan điểm, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế, môi trường kinh doanh trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Tuấn, một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng hay thậm chí là một tỉnh nhỏ như Trà Vinh đã đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số suốt nhiều năm. Điểm chung của những địa phương này là đều có môi trường kinh doanh hết sức thông thoáng, thuận lợi, giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng các dự án đầu tư, kinh doanh.
Ba trọng tâm cải cách thể chế
Về công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, ông Tuấn khuyến nghị cần tập trung vào ba khía cạnh.
Thứ nhất, cải thiện chất lượng hệ thống văn bản pháp luật, trong đó ưu tiên tháo gỡ những vướng mắc cản trở dòng vốn đi vào thực thi. Thực tế cho thấy, một dự án đầu tư công, đầu tư nước ngoài vướng phải rất nhiều cơ chế, chính sách, từ luật về đất đai, quy hoạch cho đến phòng cháy chữa cháy.
Do đó, nếu thiếu đi sự đồng bộ, phối hợp giữa các ngành, dự án sẽ bị đình trệ, gây tiêu tốn về cả thời gian và nguồn lực.
“Chúng tôi khảo sát 30 dự án vừa kết thúc đầu tư, vẽ lại hành trình làm thủ tục của họ trên thực tế, cho thấy đường đi lằng nhằng, phức tạp rất khác so với thủ tục đề ra trên văn bản vì không có sự phối hợp giữa các ngành”, Phó tổng thư ký VCCI cho biết.
Hiện tại, công tác hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đang được Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh. Theo ông Tuấn, Nhà nước có thể thay đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng một luật quy định cụ thể một vấn đề chung thay vì cát cứ theo từng lĩnh vực, chẳng hạn như luật về đường sắt cao tốc có thể điều chỉnh các vấn đề liên quan như quy hoạch, đất đai, giao thông. Từ đó, những vướng mắc trong triển khai dự án sẽ được tháo gỡ.
Thứ hai, thủ tục hành chính cần ưu tiên đưa vốn vào nền kinh tế nhanh nhất. Ông Tuấn nhấn mạnh, thay vì lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư thì có thể rà soát lại chính sách, sửa đổi quy định, thủ tục theo hướng gọn gàng hiệu quả.
Làm được điều này, các dự án đầu tư có thể được hoàn thiện thủ tục trong thời gian tính bằng tháng, bằng tuần thay vì “hoàn thành thủ tục trong hai đến ba năm đã được gọi là nhanh”.
Gần đây, Quốc hội thông qua dự án một luật sửa bốn luật ngành đầu tư, trong đó quy định luồng xanh giúp giảm mạnh thời gian làm thủ tục hành chính cho các dự án công nghệ cao. Ông Tuấn kỳ vọng sớm áp dụng luồng xanh cho nhiều dự án thuộc các lĩnh vực khác, từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng là giải pháp đặc biệt quan trọng giúp giảm thời gian làm thủ tục hành chính. Chẳng hạn, tại Singapore, doanh nghiệp xuất nhập khẩu chỉ cần đăng ký trên một cổng thông tin riêng để cấp phép, làm thủ tục, thay vì phải đi đến nhiều “cửa”, làm việc với nhiều cơ quan để thực hiện những thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Nếu áp dụng giải pháp tương tự cho 90 nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng ngày, thời gian thông quan, lưu kho sẽ giảm mạnh, tạo ra lực đẩy lớn cho nền kinh tế.
Cuối cùng, đẩy mạnh công tác thực thi chính sách ở các địa phương. Theo ông Tuấn, các địa phương có tốc độ tăng trưởng hai con số trong nhiều năm là bài học điển hình về vai trò của chính quyền địa phương trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh tinh gọn, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp.
Áp dụng và nhân rộng những bài học này là giải pháp quan trọng để 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/cai-cach-the-che-de-tang-truong-hai-con-so-d38654.html