Cải cách thể chế nhằm khơi thông các 'điểm nghẽn', thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, để hoàn thành mức cao nhất chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, nên coi cải cách thể chế là điều kiện tiên quyết nhằm khơi thông các'điểm nghẽn' của các động lực tăng trưởng khác từ đầu tư công, phát triển doanh nghiệp đến thúc đẩy tham gia vào dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế.

TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội).

TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Phóng viên: Quốc hội “chốt” tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2024 là 6%-6,5%. Liệu chỉ tiêu này có quá cao và khó đạt được không, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Quốc hội vừa thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đây là tiền đề quan trọng để cả nước có cơ sở cùng phấn đấu thực hiện. Về cá nhân, tôi đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%.

Bởi lẽ, năm 2023, chỉ tiêu tăng trưởng không thể đạt được do tác động của tình hình khó khăn chung trên thế giới và nội tại. Có thể thấy rằng, những bất ổn toàn cầu vẫn tiềm ẩn sự gia tăng, các tổ chức quốc tế vẫn dự báo không mấy khả quan về tình hình kinh tế thế giới năm 2024.

Thêm vào đó, Việt Nam là một nước với nền kinh tế có độ mở cao, nên động lực tăng trưởng là xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng khá tiêu cực do sự suy giảm cầu trên thế giới, ngoài ra dù có những tín hiệu tích cực hơn từ đầu tư công hoặc khôi phục kinh doanh trong nước, nhưng các khó khăn vẫn còn rất lớn, khả năng duy trì hoặc bứt phá của các động lực bên trong cũng chưa rõ ràng cho năm 2024.

Trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới còn “u ám” thì đây là một chỉ tiêu để phấn đấu. Tuy nhiên, chỉ tiêu này cũng có cơ sở từ các tiến bộ của các động lực tăng trưởng trong nước và sự thành công duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, với nỗ lực ngoại giao xuất sắc dịp cuối năm 2023, kỳ vọng sẽ có những đột phá mới trong kinh tế đối ngoại, nhất là thu hút đầu tư quốc tế trong năm 2024 và nhờ đó hỗ trợ môi trường kinh doanh và tăng trưởng trong năm 2024.

Phóng viên: Lâu nay, chúng ta nhắc khá nhiều đến "điểm nghẽn" tăng trưởng kinh tế. Theo ông, đâu là những “điểm nghẽn” trong tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2023?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Nếu nói về những “điểm nghẽn” thì trước hết phải cũng phải nhìn nhận rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực và cố gắng để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 2023 trên 5%, với những nỗ lực cố gắng này, có thể kỳ vọng đạt chỉ tiêu đề ra. Nhất là khi khối lượng giải ngân đầu tư công đang tốt dần lên, các lan tỏa từ đầu tư công bắt đầu rõ rệt dần ở một số ngành/lĩnh vực liên quan.

Mặt khác do yếu tố thời vụ, các đơn hàng xuất khẩu cũng được đẩy nhiều hơn vào dịp cuối năm lẫn cầu tiêu dùng trong nước được kích hoạt dịp cận lễ Tết Nguyên đán. Với những yếu tố đó, hy vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể về đích tiệm cận ở mức 5,5% mà trước đây, chúng tôi (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - PV) dự báo trong giai đoạn giữa năm.

Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị, xung đột mới nổi, các yếu tố không thuận lợi về thiên tai lũ lụt có thể là những rủi ro kéo giảm nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên của Chính phủ trong năm 2023.

Phóng viên: Động lực nào ông đánh giá là "then chốt" để giúp hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm 2024?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Để hoàn thành mức cao nhất chỉ tiêu kinh tế - xã hội, theo tôi, nên coi thể chế là động lực trực tiếp, vì cải cách thể chế là điều kiện tiên quyết nhằm khơi thông tất cả các “điểm nghẽn” của các động lực tăng trưởng khác từ đầu tư công, phát triển doanh nghiệp lẫn thúc đẩy tham gia vào dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế.

Cần có một nghị quyết riêng về cải cách thể chế, môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, trong công tác rà soát các mục tiêu thúc đẩy môi trường kinh doanh, chúng ta cần rà soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh gây khó khăn, phiền hà, tăng chi phí tuân thủ chính sách và pháp luật của doanh nghiệp, bao gồm cả việc rà soát công tác thanh, kiểm tra chồng chéo, nhiều tầng nấc, làm mất thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp, hộ kinh doanh...

Cải cách thể chế có ý nghĩa quyết định nhằm tăng cường chất lượng quản trị công, phòng chống tham nhũng, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, qua đó đảm bảo hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, qua đó giúp tạo nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời, là cơ sở để phát huy các động lực tăng trưởng mới bền vững và công bằng hơn như các mô hình tăng trưởng xanh, dựa trên đổi mới, sáng tạo và kinh tế số.

Cùng với đó, tôi cho rằng, cũng cần có cơ chế, chính sách để dứt khoát phá bỏ quan điểm sợ sai, không dám quyết (theo đúng chức trách, nhiệm vụ đã được pháp luật giao); phá bỏ các sự cố thủ của các rào cản kinh doanh, chưa thực sự tạo thuận lợi thương mại và đầu tư theo chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, cần đánh giá tổng thể nhu cầu và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành hàng, đối tượng.

Bên cạnh các cơ chế thực thi – giảm sát chính sách bởi các cơ quan bộ, ngành, thì cần sự vào cuộc giám sát, phản biện, tư vấn của các đơn vị tư vấn chính sách độc lập, các chuyên gia cao cấp, các hiệp hội và cả dư luận báo chí, truyền thông để đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm phục hồi kinh tế và tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sắp tới, khi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục diễn ra, tôi kỳ vọng các đạo luật sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận cụ thể, chốt từng chính sách quan trọng, thống nhất cao để thông qua và đi vào thực tiễn phát huy tác dụng.

Phóng viên: Năm 2023, Chính phủ, Bộ Tài chính đã tiếp tục tập trung triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực này?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Tôi đánh giá cao những chính sách tài chính mà Bộ Tài chính đã triển khai trong thời gian qua để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Những chính sách này thực sự đã góp phần hỗ trợ quan trọng cho tổng cầu trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động và nguy cơ suy giảm.

Tôi cho rằng, việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn là rất cần thiết lúc này, nên tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế, phí (giãn/hoãn/miễn) một số khoản thuế - phí cho doanh nghiệp.

Phóng viên: Để phát huy được những kết quả đã đạt được, ông có khuyến nghị gì đối với các chính sách này trong năm 2024, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Tôi cho rằng, trong năm tới, cần chú trọng trước hết là đầu tư công, phải đảm bảo chi đúng, trúng và đủ cho các dự án trọng điểm. Việc giải ngân các nguồn vốn chi tiêu công, đầu tư công đúng tiến độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định hiệu quả động lực đầu tư công cho tăng trưởng GDP trong năm 2024.

Đặc biệt, các chính sách thuế, phí cũng cần dự trên tình hình thực tế. Trong bối cảnh cần duy trì chính sách tài khóa mở rộng, cố gắng thực hiện tiếp các chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp như hiện nay, không nên có động thái tăng hoặc bổ sung một số loại thuế, phí mới. Theo tôi, cần nhất lúc này là “khoan thư” sức dân, không nên "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", gây xáo trộn môi trường kinh doanh vốn đã không có nhiều thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Ngoài việc khoan thư sức dân, thì các chính sách tài chính cũng cần hướng đến tạo lập một môi trường minh bạch, ổn định và công bằng. Nhất là làm sao các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong thời gian tới, chỉ nên là vốn mồi để thu hút được thêm các nguồn lực trong và ngoài nước, hỗ trợ cho quá trình phát triển các nền tảng hạ tầng cho các mô hình tăng trưởng mới như: kinh tế xanh, tuần hoàn và chuyển dịch năng lượng tái tạo.

Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nhất là tham gia xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các khoản nợ xấu, gắn với các can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước nhằm đảm bảo lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiền tệ, qua đó giúp hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô cũng sẽ là yếu tố cần quan tâm khi hoạch định các chính sách tài chính cho năm 2024.

Tóm lại, chính sách tài chính dựa trên sức khỏe doanh nghiệp, nên theo tôi, thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính cần tiếp tục theo sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó có nguồn thu về cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng với tổng cầu, từ đó kết hợp ổn định vĩ mô thì sẽ tăng được cơ sở thu bền vững trong dài hạn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Gia Hân (Thực hiện)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/cai-cach-the-che-nham-khoi-thong-cac-diem-nghen-thuc-day-tang-truong-kinh-te-nam-2024.html