Cải cách thủ tục hành chính ở Bình Dương là hành trình không điểm dừng

Nhận thức rõ tầm quan trọng của cải cách hành chính, thời gian qua, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong công tác hành chính của tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Người dân, doanh nghiệp hài lòng

Công tác cải cách hành chính của tỉnh Bình Dương tính đến tháng 5/2024 đạt nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, tỉnh đã cắt giảm 30% số lượng thủ tục hành chính, đơn giản hóa 80% số thủ tục hành chính còn lại. 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4,95% thủ tục hành chính được tích hợp vào Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh.

Những kết quả tích cực này đã góp phần đưa Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh đạt 87,64/100 điểm, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Nhờ làm hồ sơ trực tuyến nên tại bộ phận một của Trung tâm Hành chính tỉnh ít người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục trực tiếp. (Ảnh: ĐC)

Nhờ làm hồ sơ trực tuyến nên tại bộ phận một của Trung tâm Hành chính tỉnh ít người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục trực tiếp. (Ảnh: ĐC)

Nhờ những nỗ lực cải cách, thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn đáng kể, được doanh nghiệp, người dân ở Bình Dương đánh giá cao.

Ông Lê Công Hoàng, Phó Tổng xưởng trưởng Công ty TNHH Astro Engineering Việt Nam, chia sẻ, nhờ cải cách hành chính, việc giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đã nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí: "Về hỗ trợ thủ tục hành chính, đa số chúng tôi sử dụng đăng ký qua mạng để hạn chế công văn giấy, liên hệ trước qua mạng để giải quyết thời gian đi lại cho doanh nghiệp. Đây là một bước tiến đã cải cách tốt để hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giải quyết thủ tục pháp lí một cách nhanh gọn, như thủ tục hải quan, thủ tục đăng ký tạm trú, thuế… để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động."

Người dân được cán bộ hỗ trợ làm thủ tục trực tuyến. (Ảnh: Thiên Lý)

Người dân được cán bộ hỗ trợ làm thủ tục trực tuyến. (Ảnh: Thiên Lý)

Tương tự, ông Nguyễn Công Danh, người dân ở TP.Thủ Dầu Một kể, trước đây, đi làm thủ tục rất mất thời gian, khó khăn, còn bây giờ chỉ mất 20- 30 phút là có thể hoàn thành thủ tục. Có những văn bản chưa thể giải quyết liền, người dân được giải thích rõ ràng, có lịch hẹn cụ thể để đỡ mất công đi lại. Ngoài ra, cung cách phục vụ người dân của cán bộ bộ phận một cửa cũng đã được cải thiện: "Chúng tôi đến các trụ sở được tiếp đón niềm nở, không như trước đây. Từ khi chuyển đổi số, người dân không biết thực hiện các thao tác thì được các bạn trẻ hướng dẫn tận tình. Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục các bộ phận làm việc rất minh bạch, nhanh chóng nên người dân rất hoang nghênh".

Rà soát khắc phục hạn chế

Bình Dương cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác cải cách hành chính của tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, kế hoạch cải cách hành chính chưa sát thực tế, thiếu nguồn lực, nhiều nội dung chung chung; Việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính chưa đảm bảo thời gian, nội dung; Báo cáo lên hệ thống của Văn phòng Chính phủ chưa đúng thời hạn, quy định. Cùng với đó, còn tình trạng xử lý hồ sơ trễ hạn trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, tiến độ giải quyết trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa đảm bảo, số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính chưa đạt 100%.

Để khắc phục những hạn chế này, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó phát hiện, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính, Bình Dương yêu cầu tích hợp dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị về Kho dữ liệu của tỉnh và chia sẻ cho các cơ quan, đơn vị trong hoạt động quản lý và giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ và Tổ Công nghệ số cộng đồng; tiếp tục quan tâm thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở cả 3 cấp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, bộ phận một cửa cấp xã.

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương.

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương.

Ông Dũng nhấn mạnh: "Việc cải cách hành chính không có điểm dừng, bởi quy định pháp luật luôn luôn thay đổi, công nghệ luôn thay đổi, yêu cầu người dân ngày càng tăng. Do đó, chúng ta phải thay đổi để làm ngày càng tốt hơn. Đề nghị lãnh đạo sở, ngành, địa phương rà soát lại cái chưa được để phấn đấu hoàn thiện".

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, nhiều địa phương trong tỉnh, tiêu biểu là TP. Dĩ An, đang nỗ lực triển khai các giải pháp hiệu quả. Nhờ vậy, chỉ số cải cách hành chính của Dĩ An năm 2023 tăng 4 bậc so với năm 2022, lọt top đầu các huyện, thị xã, thành phố của Bình Dương về điểm số cải cách hành chính.

Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An cho biết, để nâng cao thứ hạng, thành phố sẽ tiếp tục có những đổi mới, trong đó tăng cường, kiểm tra giám sát và nâng cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong cải cách hành chính: "Thành phố quan tâm đến việc đưa vào nhận xét, phân loại, đánh giá khen thưởng cuối năm, những cơ sở, địa phương không đạt cải cách hành chính thì cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu sẽ bị hạ bậc thi đua. Thành phố quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp để có sự đồng hành, đồng thuận tạo nên sức mạnh tổng hợp, chung sức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính."

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Dương đóng vai trò như "bộ não" hỗ trợ lãnh đạo trong việc giám sát tiến độ cải cách hành chính, giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. (Ảnh: ĐC)

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Dương đóng vai trò như "bộ não" hỗ trợ lãnh đạo trong việc giám sát tiến độ cải cách hành chính, giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. (Ảnh: ĐC)

Có thể thấy rằng, cải cách hành chính ở Bình Dương với những kết quả, hiệu quả thiết thực đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bình Dương cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp phát triển, góp phần xây dựng Bình Dương ngày càng giàu mạnh, văn minh. Để đạt được mục tiêu này, Bình Dương cần khắc phục sớm các hạn chế để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thiên Lý/VOV - TP. HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-o-binh-duong-la-hanh-trinh-khong-diem-dung-post1098147.vov