Cải cách tiền lương: Đại biểu Quốc hội đề xuất trả lương theo tốc độ tăng GDP

Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), với lập luận, nếu tiền lương chỉ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc để đảm bảo đời sống thì không khuyến khích được cán bộ, công nhân, viên chức và những người làm việc ở khu vực công.

Cho rằng chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, Chính phủ vừa đề xuất từ 1/7/2024 tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Cho rằng chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, Chính phủ vừa đề xuất từ 1/7/2024 tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Tại buổi thảo luận hội trường chiều 26/6 bàn về chính sách lương mới áp dụng từ 1/7/2024, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) có phát biểu đáng chú ý khi đề xuất cải cách tiền lương theo hướng trả lương theo tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm.

Theo đại biểu, Nghị quyết 27/2018 của Trung ương có nêu, chúng ta đã cải cách tiền lương tới 4 lần, lần gần nhất là năm 2003. So sánh nền kinh tế năm 2003, lúc đó GDP của chúng ta khoảng 45 tỷ USD còn hiện nay là hơn 450 tỷ USD thì thấy GDP đã tăng lên khoảng 10 lần.

"Như vậy, việc cải cách tiền lương là rất cần thiết nhưng vấn đề là cải cách như thế nào?", ông Huân nêu vấn đề.

Nêu giải pháp, vị đại biểu cho rằng nên có cách thức để xây dựng quỹ tiền lương của khu vực công và doanh nghiệp nhà nước theo tỷ lệ GDP. Có thể lập công thức, sau đó GDP tăng tới mức đủ nào thì trả tiền lương theo mức đó. Đó không phải cải cách nữa mà là tăng lương theo mức độ tăng của GDP.

Lý giải đề xuất này, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho hay, rõ ràng việc cán bộ, công chức quản lý một nền kinh tế 45 tỷ USD với 450 tỷ USD là rất khác nhau, nếu tiền lương chỉ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc để đảm bảo đời sống thì không khuyến khích được cán bộ, công nhân, viên chức và những người làm ở khu vực công.

Bởi vì khi làm ở khu vực công, ngoài việc tự hào về vị trí xã hội thì còn phải yên tâm về thu nhập thì mới có thể gắn bó lâu dài.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, đó cũng là cách chống tham nhũng ngay từ đầu, bởi vì lương đủ lớn, người ta đủ trang trải cuộc sống, nuôi gia đình, xứng đáng với việc người ta đóng góp để GDP tăng trưởng thì người ta cũng sẽ không muốn tham nhũng vì lo ngại khi dính vào tham nhũng có thể sẽ bị mất đi nguồn thu nhập rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)

"Để cải cách tiền lương một cách toàn diện, phải đưa ra công thức tính và phải căn cứ vào GDP hằng năm. Tôi nghĩ Chính phủ nên xem xét, có thể chúng ta không kịp làm đợt này, nhưng về mặt lâu dài phải làm như thế mới căn cơ và chúng ta cũng sẽ đỡ vất vả về việc huy động nguồn ngân sách để dự trữ cho tăng lương", ông Huân nói.

Về nguồn tích trữ 913.000 tỷ đồng để trả lương cho đợt này, đại biểu cho rằng đây là một nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn, nhưng vẫn chưa đủ lớn, vì nếu đủ lớn thì chúng ta sẽ không phải đưa ra những phần trợ cấp như từ 2.055.000 đồng tăng lên 2.789.000 đồng/tháng...

Trước đó, ngày 25/6, thay mặt Chính phủ trình kế hoạch tăng lương, Bộ trưởng Bộ nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, do chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương nên Chính phủ đề nghị Quốc hội cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024.

Nội dung chính của kế hoạch tăng lương lần này là: tiền lương của khu vực công, công chức, viên chức tăng 30% (điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng) và bổ sung quy định tiền khen thưởng 10% lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu 15%, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công 35,7% và trợ cấp xã hội 38,9%, đặc biệt đối với những người hưởng lương hưu từ trước năm 1995 được trợ cấp thêm 0,3 triệu đối với người có mức lương thấp hơn 3,2 triệu, hưởng lương thấp hơn 3,5 triệu được điều chỉnh cho đủ 3,5 triệu...

Khi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều ghi nhận mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng là mức lương cao nhất từ trước đến nay, ngoài việc cải thiện đời sống của người hưởng lương và trợ cấp còn đảm bảo được an sinh xã hội, đảm bảo được cuộc sống tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách.

Việc bổ sung quỹ tiền thưởng 10% là chính sách nhân văn trong việc khen thưởng, động viên, khích lệ đội ngũ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người dân có nhiều đóng góp trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, cử tri và nhân dân vẫn thường trực nỗi lo cũ là "lương chưa tăng, giá đã tăng". Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ chỉ đạo ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng không thể để "tát nước theo mưa" của thị trường, khi mỗi lần nhà nước tăng lương cơ sở thì thị trường tăng giá theo, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo của người dân lao động.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nhận định, trước mỗi lần tăng lương, giá đã tăng trước một đoạn cho nên cần phải có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng.

"Hiện nay thực tế tôi ngạc nhiên vì có những mặt hàng tiêu dùng tăng lên rất nhiều lần, thậm chí gấp đôi. Chính vì vậy, song song với tăng lương cũng cần phải quan tâm bình ổn giá, không có đồng lương tăng được một chút, cuối cùng tất cả các mặt hàng tiêu dùng tăng nhanh hơn", ông Hạ nói.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách tinh giản bộ máy biên chế. Đời sống được tăng mức lương nhưng song song đó là tinh gọn bộ máy và tinh giản biên biên chế vẫn phải tích cực hơn nữa để thực hiện mục tiêu này.

Đồng thời, khi lương tăng thì thuế giảm trừ gia cảnh cần phải nghiên cứu. Mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Ta tăng 30% lương thì ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng được 30% là ít, còn nếu hợp lý phải là 50%.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định, các ý kiến liên quan tới cải cách chính sách tiền lương rất xác đáng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng cho biết, trước khi cải cách tiền lương, Chính phủ đã có đánh giá trong báo cáo. Ngay từ khi chuẩn bị, Chính phủ đã có chỉ đạo, đặc biệt với Ban Chỉ đạo điều hành giá và vừa rồi Thủ tướng đã có công điện về việc này.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn và mong muốn rằng các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm để đóng góp cho Chính phủ trong chỉ đạo điều hành chung cũng như nội dung này.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến, đề xuất với Chính phủ để hình thành những giải pháp thực sự khả thi.

Nhận định cải cách tiền lương là một việc rất khó, phải xin ý kiến chủ trương của cấp có thẩm quyền, Phó thủ tướng cho biết, sau khi có ý kiến của các cấp có thẩm quyền, Chính phủ sẽ hoàn thiện báo cáo gửi ngay đại biểu Quốc hội.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cai-cach-tien-luong-dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-tra-luong-theo-toc-do-tang-gdp-post348216.html