Cải cách tiền lương gắn với kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ

Năm 2024, Chính phủ xác định chủ đề là năm 'Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững'.

Cải cách tiền lương được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Nguồn: Quochoi.vn

Cải cách tiền lương được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Nguồn: Quochoi.vn

Về việc Chính phủ coi năm 2024 là năm bứt phá, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây cũng là năm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương, bắt đầu từ ngày 1/7/2024.

“Thực hiện cải cách tiền lương cũng là mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng, hoạt động của nền công vụ. Bởi hiện nay lương của cán bộ công chức, viên chức đang không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Do đó, lương không phải là động lực để thúc đẩy cán bộ công chức, viên chức nền hành chính làm việc tốt, tăng năng suất vì thiếu động lực. Cho nên, việc cải cách chính sách tiền lương cũng chính là giải pháp, là động lực để nâng cao đời sống cho cán bộ công chức, viên chức” - ông Dĩnh nói và kiến nghị, song hành với cải cách chính sách tiền lương cần đi kèm với tinh gọn bộ máy. Những ai không làm được việc thì cho ra khỏi bộ máy để đưa người mới vào. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với cán bộ công chức, viên chức. Tới đây, trả lương theo vị trí việc làm, thì vị trí việc làm thế nào cần trả lương cho xứng đáng với vị trí việc làm đó. Vì thế, cùng với việc cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024 thì cũng phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

Cũng về vấn đề tiền lương, theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), lương hiện nay của cán bộ công chức, viên chức đang thấp quá. Nhất là có sự chênh lệch lớn giữa khu vực nhà nước và khu vực DN.

Cho rằng “trước đây lương giáo viên cấp 2 nuôi cả gia đình, nhưng hiện nay lương giáo viên còn không đủ sống”, theo ông Dinh, phải thực hiện cải cách tiền lương để cải thiện cuộc sống cho cán bộ công chức, viên chức, và để “đuổi dần” theo khu vực DN.

Ông Dinh đặt vấn đề: Tại các nước phát triển, lương của khu vực DN rất cao. Còn lương của cán bộ trong khu vực nhà nước thấp hơn một chút. Tuy nhiên lương ở khu vực công không thấp quá so với khu vực DN. Còn ở nước ta đang thấp quá, Với câu hỏi cải cách chính sách tiền lương có góp phần ngăn chặn tham nhũng? ông Dinh cho rằng, đây cũng là một yếu tố, bởi thu nhập tăng lên, đời sống cao lên cũng là yếu tố để không cần tham nhũng nhưng phải đi kèm với hoàn thiện thể chế chặt chẽ để không thể tham nhũng.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cai-cach-tien-luong-gan-voi-ky-luat-hanh-chinh-dao-duc-cong-vu-10270862.html