Cải cách tiền lương: Giáo viên lâu năm mong mỏi giữ phụ cấp thâm niên

Phụ cấp thâm niên là một sự động viên, ghi nhận thời gian cống hiến của giáo viên, việc cắt bỏ khoản này khi cải cách tiền lương khiến thầy cô nặng tâm tư.

Dự kiến từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Theo Nghị quyết 27 thì cơ cấu tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Ngoài ra, sẽ thực hiện sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.

Trong đó, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức).

Bên cạnh kỳ vọng được tăng lương, giáo viên cũng lo lắng bị cắt thâm niên khi cải cách tiền lương. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh kỳ vọng được tăng lương, giáo viên cũng lo lắng bị cắt thâm niên khi cải cách tiền lương. (Ảnh minh họa)

Phụ cấp thâm niên nhà giáo là khoản phụ cấp dành cho những người công tác lâu năm trong ngành. Khoản phụ cấp này có ý nghĩa khích lệ, khuyến khích họ gắn bó lâu dài với nghề. Do đó, thông tin bãi bỏ phụ cấp thâm niên đã khiến nhiều thầy cô công tác lâu năm trong nghề cảm thấy trăn trở.

Gắn bó với công việc chăm trẻ được gần 30 năm, cô Phạm Thị Phương Nhi, giáo viên Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, trong ngành giáo dục thì các cô giáo mầm non vất vả nhất so với các cấp bậc khác như tiểu học, trung học,... khi mà thời gian phải ở trường cả ngày để chăm sóc và dạy dỗ cho các con.

Cô Nhi cho biết, từ 1/7, khi tính lương theo cách mới, thu nhập của giáo viên sẽ được tăng hơn, đồng thời đời sống của giáo viên được nâng cao, điều này giúp giữ chân được các thầy cô ở lại với nghề. Việc tăng lương là vô cùng quan trọng tuy nhiên, các cô giáo đều mong muốn giữ nguyên phụ cấp thâm niên. Bởi phụ cấp thâm niên không chỉ là con số để tính lương mà còn đánh dấu mốc thời gian gắn bó của giáo viên. Đây cũng là động lực để giữ chân giáo viên trẻ sẽ cố gắng tiếp tục và bám trụ với nghề.

Đồng quan điểm ủng hộ chính sách cải cách tiền lương, song điều khiến cô Lý Thị Hà, giáo viên Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trăn trở là việc cắt bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

"Chi phí sinh hoạt ở Thủ đô đắt đỏ trong khi lương giáo viên chưa thực sự ưu đãi nên nếu được giữ lại phụ cấp là điều đáng mừng. Đó là ưu đãi hơn với giáo viên chúng tôi - những người cống hiến nhiều năm trong nghề", cô Hà nói.

Mặc dù vẫn còn một số băn khoăn về chính sách, cơ cấu tiền lương mới, tuy nhiên đa phần giáo viên đều tin tưởng Nhà nước sẽ có sự tính toán phù hợp nhất để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề.

Như chia sẻ của cô Lê Thị Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Bình Minh (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa). Cô Xuân tốt nghiệp ngành sư phạm năm 1989, đến năm 1992 mới là biên chế chính thức của ngành. Sau đó, cô vừa đi dạy, vừa tham gia những khóa học để từng bước đáp ứng các yêu cầu về chuẩn hóa trình độ và yêu cầu công việc. Từ những năm tháng khó khăn nhất, khi giáo viên phải vận động học sinh đi học, dạy xóa mù chữ buổi tối, cô phải ở trọ nhà dân. Ở thời điểm đó, với đồng lương ít ỏi, cô phải chi tiêu thật tằn tiện mới trang trải được cuộc sống.

"Đến nay, tôi cũng đã cống hiến cho nghề giáo 35 năm, được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo 31%, mỗi năm tăng 1%, bắt đầu hưởng từ năm 2011. Phụ cấp thâm niên không cao nhưng đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục, là sự khuyến khích, động viên rất có ý nghĩa đối với những nhà giáo công tác lâu năm như tôi. Tôi và những đồng nghiệp cao tuổi trong nhà trường luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiệt huyết với nghề", cô Xuân nói.

Trước thông tin "cắt" phụ cấp thâm niên nhà giáo, những giáo viên công tác trong ngành lâu năm như cô thấy chạnh lòng. "Cảm giác như những kinh nghiệm nghề giáo bao nhiêu năm tích lũy không còn giá trị nhiều nữa, cũng không được ai ghi nhận về những năm tháng đã miệt mài cống hiến. Chúng tôi càng nghĩ nhiều hơn về ngày mình được nghỉ hưu hơn là có động lực để làm việc mỗi ngày. Mong các cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét về chế độ thâm niên nhà giáo", cô Xuân bày tỏ.

Chí Tâm - Vân Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-cach-tien-luong-giao-vien-lau-nam-mong-moi-giu-phu-cap-tham-nien-322299.html