Cái chết của show hẹn hò ở Trung Quốc

Các show hẹn hò phản ánh thái độ của công chúng đối với mối quan hệ lãng mạn và thực tế là giới trẻ Trung Quốc đang nói không với kết hôn, sinh con.

Sau thành công của chương trình If You Are the One vào năm 2010, hàng chục show hẹn hò bùng nổ trên truyền hình Trung Quốc. Các chương trình ngày càng đa dạng về người chơi lẫn đối tượng khán giả, từ người trung niên đến những "phụ nữ còn sót lại" (trên 30 tuổi), các cặp đã ly hôn, theo Sixth Tone.

Vài năm trước, các show hẹn hò vẫn chưa đa dạng như vậy. Đa số chương trình thuộc thể loại mai mối, trong đó các thí sinh đứng trước hàng trăm khán giả để mô tả về bản thân, sở thích với mong muốn tìm được đối tượng kết hôn như ý.

Khi tỷ lệ kết hôn, sinh con ngày càng giảm, giới trẻ Trung Quốc không còn mặn mà với chuyện lập gia đình, các show hẹn hò mới nổi đang cố gắng phản ánh mặt khác của đời sống hẹn hò, nhưng chưa thành công.

Mục tiêu cuối cùng không còn là tìm kiếm nửa kia hoàn hảo và "happy ending" không chỉ bó hẹp trong khái niệm hôn nhân.

Không thành công

Heart Signal được xem là chương trình mang đến những tiêu chuẩn mới cho các show hẹn hò ở đất nước tỷ dân.

Trong chương trình, một nhóm người chơi sẽ sống cùng nhau trong một tháng. Họ dành thời gian trò chuyện, nhắn tin nặc danh hàng đêm để cố gắng thu hút sự chú ý của người mình thích.

Một ban cố vấn gồm người nổi tiếng và cả chuyên gia sẽ theo dõi quá trình này để đoán xem ai sẽ thành đôi và đưa ra lời tư vấn cho khán giả.

Để phù hợp với thị hiếu của khán giả mục tiêu là giới trẻ Trung Quốc, Heart Signal loại bỏ sự tập trung duy nhất vào hôn nhân, vốn là trọng tâm của các chương trình hẹn hò trước đó như If You Are the One.

 Các thí sinh trong chương trình hẹn hò Heart Signal. Ảnh: Heart Signal.

Các thí sinh trong chương trình hẹn hò Heart Signal. Ảnh: Heart Signal.

Hôn nhân không còn là một điều nhất thiết phải có, mà chỉ đơn thuần là một trong nhiều "happy ending" có khả năng làm hài lòng khán giả.

Sự phổ biến của các bộ phim truyền hình boy love, tiểu thuyết đam mỹ và văn hóa thần tượng nói chung đã làm nảy sinh nỗi ám ảnh về những cặp đôi nổi tiếng, có thật hoặc tưởng tượng. Những cặp đôi này, có thể dẫn đến kết hôn hoặc không, là chìa khóa tạo nên sự phổ biến của các chương trình hẹn hò hiện đại.

Trong khi đó, sự tham gia của một ban cố vấn gồm chuyên gia ngoài ngành giải trí giúp cho các mối quan hệ trên màn ảnh trở nên chân thực hơn.

Tuy nhiên, giống các show hẹn hò trước đó, Heart Signal cũng có vấn đề của riêng mình.

Với sự tham gia của những giàu có, thành công, chương trình vẽ ra bức tranh đầy ảo tưởng về tình yêu. Các thí sinh đôi khi bàn luận không thực tế về việc mua nhà, sắm quà đính hôn.

Các chuyên gia cũng gây tranh cãi vì không đưa được lời khuyên thiết thực. "Vai trò của họ chỉ là đưa ra những câu trả lời soạn sẵn nghe có vẻ thông minh, thay vì hướng dẫn những người tham gia và khán giả cách tự suy nghĩ", Bai Meijiadai, giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Liêu Ninh, viết trên Sixth Tone.

Giới trẻ không quan tâm tới kết hôn, hẹn hò

Các show hẹn hò luôn thu hút sự chú ý rộng rãi, vì có thể đề cập đến những chủ đề xung quanh nhu cầu và mong muốn cơ bản nhất của khán giả.

Ngoài ra, các chương trình còn phản ánh thái độ đang thay đổi nhanh chóng của công chúng đối với mối quan hệ lãng mạn. 30 năm phát triển của show hẹn hò trên truyền hình Trung Quốc đã chứng minh điều đó.

Chương trình đầu tiên được biết đến trong thể loại này là Television Matchmaker ra mắt năm 1988, được chiếu trên một kênh địa phương ở tỉnh Sơn Tây.

Chương trình có kịch bản đơn giản theo tiêu chuẩn ngày nay. Không có sân khấu hào nhoáng hay tiêu đề phô trương, thay vào đó, những người độc thân đang tìm kiếm bạn đời chỉ đơn giản đọc thuộc lòng đoạn giới thiệu bản thân trên phim trường.

 Buổi ghi hình cho chương trình hẹn hò If You Are the One ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Ảnh: IC.

Buổi ghi hình cho chương trình hẹn hò If You Are the One ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Ảnh: IC.

If You Are the One là chương trình giữ kỷ lục về tỷ suất người xem. Ra mắt vào năm 2010 trên Đài truyền hình Giang Tô, show này nổi tiếng ở Trung Quốc và cả nước ngoài nhờ dàn thí sinh nhiều màu sắc, có cá tính.

Tiếp nối thành công của If You Are the One, Take Me Out ra đời. Tại chương trình, 24 phụ nữ đứng sau những chiếc bục phát sáng trên một sân khấu. Từng thí sinh nam lần lượt bước đến vị trí trung tâm và nhận các câu hỏi, thường khá gay gắt, từ người chơi nữ. Phụ nữ sẽ là người lựa chọn bạn ghép đôi.

Một thí sinh của chương trình tên Ma Nuo đã trở nên nổi tiếng với câu nói: "Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười trên ghế sau xe đạp".

Các chương trình hẹn hò kiểu mới, dạng truyền hình thực tế như Heart Signal không còn quá chú trọng vào mục tiêu kết hôn. Điều này phản ánh xu hướng tránh né hôn nhân của giới trẻ Trung Quốc ngày nay.

Chỉ 11,58 triệu người lần đầu kết hôn vào năm 2021, giảm 0,71 triệu người so với năm 2020, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia.

"Tình hình cũng dự đoán rằng tỷ lệ già hóa sẽ tiếp tục tăng do tỷ lệ kết hôn giảm", Dong Yuzheng, trưởng khoa tại Học viện Phát triển Dân số Quảng Đông, nói.

Đứng trước cuộc khủng hoảng dân số, chính quyền các cấp của Trung Quốc đưa ra loạt chính sách khuyến khích người dân kết hôn và sinh con.

Các chính sách này nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng sinh đẻ và nuôi dạy con cái, bằng cách gia hạn thời gian nghỉ phép cho cha mẹ, giảm thuế và cung cấp nhiều lợi ích tài chính khác.

Cùng với đó, để cứu vãn các cuộc hôn nhân khỏi cảnh đổ vỡ, giới chức Trung Quốc đưa thêm chính sách "30 ngày hòa giải". Theo đó, các cặp vợ chồng có ý định ly dị sẽ cần trải qua một tháng cân nhắc trước khi cơ quan chức năng xử lý hồ sơ. Các nhà chức trách khẳng định rằng chính sách này đang có tác dụng.

Mặt khác, trong những năm gần đây, một số chuyên gia đề xuất hạ thấp độ tuổi kết hôn tối thiểu, hiện là 22 tuổi đối với nam và 20 tuổi đối với nữ, nhằm phù hợp hơn với những thay đổi trong chính sách kế hoạch hóa gia đình.

Tuy nhiên, đáp lại nỗ lực của giới chức Trung Quốc thường là phản ứng thờ ơ, đặc biệt là nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi ở thành thị, những người muốn trì hoãn kết hôn do các vấn đề liên quan đến cam kết hoặc chi phí lập gia đình.

Năm 2020, độ tuổi trung bình của những người lần đầu kết hôn là 28,7 tuổi, tăng từ mốc 24,9 tuổi vào năm 2010, theo kết quả điều tra dân số.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-show-hen-ho-o-trung-quoc-post1401921.html