'Cái gì nhà nước lo được thì phải chủ động mà lo'
Đại biểu Trần Văn Túy nêu quan điểm khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều...
Sáng 9/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, trong quá trình thi hành hai luật, điều kiện kinh tế - xã hội trong nước, quan hệ quốc tế đã có nhiều thay đổi, nhận diện và diễn biến tình hình thiên tai và yêu cầu thích ứng biến đổi khí hậu rõ nét hơn nên một số quy định cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.
Với Luật Phòng chống thiên tai, một trong những nội dung mới là bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách nhà nước kịp thời, đúng quy định.
Cụ thể, dự thảo luật quy định: Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được tổ chức ở Trung ương và ở cấp tỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập, quản lý quỹ ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, quản lý quỹ ở cấp tỉnh.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của quỹ, cơ chế sử dụng để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật Ngân sách nhà nước, việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các quỹ địa phương.
Lập quỹ và sử dụng quỹ thế nào cũng là vấn đề được quan tâm thảo luận. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thì một số nơi bắt dân và doanh nghiệp nộp quỹ người ta không đồng thuận.
Luật này đề nghị có quỹ ở Trung ương, tức là thêm tổ chức bộ máy nhưng không rõ nguồn, chủ yếu là điều chuyển từ địa phương thừa lên rồi chuyển cho địa phương khác đang thiếu, ông Định băn khoăn và đề nghị phải tính kỹ để có được sự đồng thuận.
Cho rằng xây dựng quỹ chính là huy động sức dân, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đề nghị phải quy định thật chặt chẽ để tránh huy động tràn lan.
Trước đây khó khăn thì kêu gọi sức dân, giờ cái gì nhà nước lo được thì phải chủ động mà lo chứ cái gì cũng huy động dân mà lại không minh bạch thì mất niềm tin của dân, phải có điều kiện rất chặt chẽ, ông Túy đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn khi thời gian qua có 8 địa phương chưa sử dụng quỹ và đề nghị phải làm rõ lý do vì sao chưa chi, có phải là có địa phương không chi nên mới phải thành lập quỹ trung ương không?
Cung cấp thêm thông tin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết quỹ phòng chống thiên tai có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của dân và doanh nghiệp. Nhưng một số nơi đã ngừng thu để tránh bức xúc của dân.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, tại văn bản góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ, trong 5 năm qua các địa phương trên cả nước mới sử dụng 918 tỷ đồng và còn tồn dư 1.442 tỷ đồng. Như vậy, số chi mới chỉ bằng 39% tổng số thu. Nói cách khác, 1.442 tỷ đồng tiền đáng lý ra được sử dụng trong nền kinh tế thì hiện đang bị đóng băng trong quỹ.
Hồi âm băn khoăn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải thích, quỹ ở Trung ương chủ yếu để vận động nguồn lực bên ngoài và chi tiêu có nguyên tắc chặt chẽ, không phát sinh bộ máy.
Bộ trưởng Cường cũng cho biết sở dĩ phải đề nghị thành lập quỹ ở Trung ương là vì mấy năm qua khi có thiên tai một số tổ chức quốc tế ủng hộ lên đến hơn chục triệu USD nhưng chi tiêu rất khó, phải xin các loại chủ trương mới phân bổ được.
Theo dự kiến, dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm nay.