Cái giá cho sự phản bội của một điệp viên

Sau thời gian hoạt động ở Phần Lan, điệp viên Liên Xô Reino Heihanen được cử tới Mỹ và bỏ trốn. Ông ta phản bội William Fisher, người thu thập bí mật hạt nhân của Mỹ. Tuy vậy, Reino cũng không giữ được mạng sống.

Reino Heihanen, điệp viên Liên Xô đào tẩu

Reino Heihanen, điệp viên Liên Xô đào tẩu

Reino Heihanen (tên thật là Nikolai Ivanov) sinh ngày 14-5-1920 tại tỉnh Petrograd (Nga) gần biên giới với Phần Lan, thông thạo các thứ tiếng: Karelia, Nga, Phần Lan. Năm 1939, khi chiến tranh Liên Xô - Phần Lan nổ ra, ông ra mặt trận rồi được cử đến Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô làm phiên dịch, tham gia đấu tranh chống gián điệp và phản động.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Reino công tác tại đơn vị chống gián điệp Phần Lan thuộc Bộ Dân ủy An ninh Quốc gia, tiền thân của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô. Vào năm 1943, ông gia nhập Đảng Cộng sản toàn Nga (Bolshevik), sau đó lấy vợ và sinh con.

Sau khóa học về mã hóa, giải mã dữ liệu, tiếng Anh..., vào năm 1949, Reino bí mật đến Phần Lan, sống ở thành phố Tampere với giấy tờ tùy thân của người Mỹ gốc Phần Lan đã chết, Eugene Nicolai Maki. Năm 1950, ông làm việc ở nhà máy sửa chữa ô tô, kết hôn với Hanna Kurikka. Cô gái không biết rằng Reino đã có vợ con. Vào tháng 7-1951, Reino đến Đại sứ quán Mỹ xin cấp hộ chiếu bằng giấy tờ của Eugene và được xác nhận là công dân Mỹ.

Reino đã bí mật trở về Liên Xô. Để chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ làm liên lạc viên của điệp viên Liên Xô có biệt danh Mark, Reino tham gia khóa học bổ sung về mã hóa, giải mã và sử dụng hộp thư mật... Với biệt danh Vic, Reino đến New York vào ngày 21-10-1952. Hanna đến với chồng sau đó. Vợ chồng họ định cư tại thành phố Peekskill, tiểu bang New York. Reino gặp Mark vào năm 1953 và liên lạc với điệp viên Mikhail Svirin, nhân viên Ban Thư ký Liên hợp quốc.

Vào tháng 6-1953, Reino đã đánh mất đồng xu bằng bạc - hộp thư bí mật có in hình Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson. Cậu bé giao báo Jimmy Bozart (14 tuổi) nhận đồng xu này từ khách hàng. Vô tình làm đồng xu vỡ đôi, Jimmy phát hiện mảnh phim với bộ số rơi ra. Đồng xu sau đó được nộp cho FBI. Vì Reino hay say rượu và xô xát với vợ khiến hàng xóm phải gọi cảnh sát, Mark yêu cầu cấp trên thay liên lạc viên.

Sau đó, Reino được mời về nước để nhận phần thưởng và trao quân hàm Trung tá. Biết có thể gặp nguy hiểm, ông ta quyết định bỏ trốn, nhưng báo cáo rằng mình sẵn sàng trở về và quá cảnh ở Paris, Berlin. Tại Paris, Reino gọi điện tới Đại sứ quán Mỹ, tự giới thiệu là Trung tá KGB hoạt động ở Mỹ và xin tị nạn chính trị. Ngày 10-5-1957, Reino được đưa trở lại New York và đưa ra cái giá cho sự phản bội của mình là 1 triệu USD. Ông ta còn cung cấp thông tin về M. Svirin (khi đó đã rời Mỹ) và về Mark dù không biết tên thật, nơi cư trú của ông. Dù vậy, Mark vẫn bị bắt vào ngày 21-6-1957. Ông chính là sĩ quan tình báo Liên Xô nổi tiếng William Fisher, người đã thu thập bí mật hạt nhân của Mỹ.

Nhưng William Fisher lại tự nhận là Rudolf Abel, tên người bạn quá cố của ông và sau đó phải nhận 30 năm tù. 5 năm sau, William Fisher đã được đổi lấy phi công Mỹ Francis Powers và điệp viên Frederick Pryor. Reino còn cung cấp thông tin về những điệp viên khác của Liên Xô…

Reino sau đó định cư ở bang New Hampshire. Thông tin về cái chết của ông ta xuất hiện trên báo chí vào ngày 17-2-1964. Xe của Reino được cho là mất lái và lao vào gầm ô tô tải trên đường cao tốc, nhưng vụ việc lại không được nêu trong báo cáo của cảnh sát.

Theo nhà nghiên cứu Philip Bigger, Reino đã chết rất lâu trước khi xuất hiện cáo phó. Rất có thể, ông ta đã phải trả giá vì sự phản bội hoặc bị chính người Mỹ loại bỏ vì không còn cần kẻ say xỉn này nữa… Tất cả các dữ liệu về số phận của Reino được kho lưu trữ của FBI bảo quản và được bảo mật cho tới năm 2065.

Theo Lenta

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cai-gia-cho-su-phan-boi-cua-mot-diep-vien-post545526.antd