Cái giá của trào lưu khoe bỏ việc trên TikTok
Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người ghi lại quá trình bỏ việc và chia sẻ điều này mang lại cho họ cảm giác mạnh mẽ khi đối diện tình huống khó khăn.
Samantha Rae Garcia làm việc tại nhà hàng ở thành phố Midland (bang Texas, Mỹ) 4 năm trước khi quyết định nghỉ vào năm 2022 vì không thể chịu đựng những lời chỉ trích của chủ.
Garcia, sinh viên chuyên ngành tâm lý tại Đại học Texas Permian Basin, đã hỏi ý kiến cha mẹ. Cô ghi lại các khoảnh khắc trước khi nghỉ việc và làm video đăng lên TikTok.
Trong một clip được quay ngẫu hứng, Garcia chớp mắt, mỉm cười và giơ ngón tay cái lên đầy châm biếm. Chủ của cô, không xuất hiện trong camera, than mệt mỏi với sự trẻ con của Garcia.
“Sếp không biết tôi ở đây trong khi nói về tôi”, cô viết chú thích.
Garcia thì thầm đáp lại, gọi chủ là “người quản lý tồi”.
Video thu hút 3,7 triệu lượt xem kể từ khi được đăng tải vào tháng 2/2022. Dân mạng để lại hàng nghìn bình luận ủng hộ Garcia và khen ngợi phản ứng bình tĩnh của cô.
Trong khi mẹ Garcia lo lắng video có thể gây bất lợi cho các cơ hội việc làm của con gái trong tương lai, Garcia sớm tìm được công việc khác sau khi gửi hồ sơ xin việc đến nhiều nhà hàng khác nhau.
Người thuê Garcia không biết về đoạn video kể trên. Khi cô nói với sếp mới, người này chỉ cười và nói sẽ không đối xử tệ với nhân viên.
Theo The New York Times, TikTok tràn ngập lời khuyên về những việc cần làm sau khi nghỉ việc.
Nhưng Garcia là một phần của xu hướng khác, có từ trước khi TikTok ra đời, mà ở đó, những người trẻ tuổi chia sẻ câu chuyện ngắn thu hút hàng triệu người xem. Trong một số trường hợp, các video chuyển thành cơ hội nghề nghiệp mới, giúp người đăng xây dựng cá tính trên mạng.
Vỡ mộng
Ann Swidler, giáo sư xã hội học tại Đại học California-Berkeley, cho biết video bỏ việc hoặc QuitToks phản ánh “sự phá vỡ niềm tin rằng nếu làm việc chăm chỉ và tuân thủ luật lệ, ‘giấc mơ Mỹ’ vẫn ở đó cho bạn”.
Bà nhận định lòng trung thành với nơi làm việc không còn như trước đây và có sự vỡ mộng về những lời hứa ẩn sau thế giới việc làm.
Với 1,9 cơ hội việc làm cho mỗi người đang tìm việc, nhiều cá nhân chấp nhận rủi ro khi lên tiếng.
Joseph Fuller, giáo sư thực hành quản lý tại Trường Kinh doanh Đại học Harvard, cho biết chủ đề chung của các video là “sự vỡ mộng”.
“Không ai nhận công việc với suy nghĩ nó sẽ trở nên rất tồi tệ hay không thể tin rằng mình phải làm điều này. Nói chung, mọi người không chỉ bỏ việc. Họ bỏ sếp”, ông nói thêm.
Trước khi các video bỏ việc xuất hiện trên TikTok, người dùng chia sẻ những câu chuyện tương tự trên YouTube và Facebook.
Năm 2011, Joey La Neve DeFrancesco (khi đó 23 tuổi) đăng video ghi lại quá trình bỏ việc ở khách sạn với sự hỗ trợ của ban nhạc diễu hành. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, anh cho biết bản thân thất vọng vì phải làm việc nhiều giờ, lương thấp, quản lý ăn chặn tiền boa và phản đối việc thành lập công đoàn.
“Tôi muốn gửi đến ban quản lý thông điệp cuối cùng, đồng thời tạo ra thứ gì đó gây cười cho đồng nghiệp và truyền cảm hứng cho những người quản lý chống phá công đoàn”, anh nói thêm.
Trong video, DeFranceco tươi cười giữa các thành viên ban nhạc. Trong lúc đó, một trong những người quản lý cố gắng yêu cầu tất cả ra ngoài.
“Tôi ở đây để thông báo rằng tôi sẽ nghỉ việc!”, DeFrancesco trả lời. Anh đưa lá đơn thôi việc cho người quản lý, nhưng nó lại rơi xuống đất. Sau đó, De Francesco giơ tay đắc thắng và ban nhạc chơi giai điệu ăn mừng. Video được xem 8,5 triệu lần.
Đoạn video dài 3 phút đã đưa DeFrancesco xuất hiện trên nhiều chương trình nổi tiếng như Good Morning America, Access Hollywood và Anderson Cooper 360.
“Ngày hôm đó đã thay đổi cuộc đời tôi”, anh nói.
DeFranceco hiện chủ yếu hoạt động với tư cách là nhà tổ chức lao động.
Khác với nhiều video bỏ việc gần đây dường như chỉ mang tính bộc phát, clip của Marina Shifrin, tương tự DeFranceco, được lên kế hoạch từ trước.
Tháng 9/2013, khi 25 tuổi và đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Shifrin trải qua “sự quấy rối liên tục từ sếp”. Cô cảm thấy bị mắc kẹt trong hệ thống lạm dụng phụ nữ trẻ.
“Tôi cảm thấy mình không có nguồn lực nào để thoát khỏi tình huống đó. Vì vậy, tôi tìm đến Internet vì đó là nơi tôi dành phần lớn thời gian của mình”, cô nhớ lại.
Shifrin quyết định làm video nhảy trên nền ca khúc Gone của Kanye West. Cô đến công ty lúc 4h30 sáng và say sưa nhảy trên bàn làm việc, lối đi, nhà vệ sinh, phòng thu âm. Dòng phụ đề hiện lên liệt kê những lý do khiến cô bỏ việc.
Đoạn phim kết thúc bằng cảnh Shifrin tắt đèn và rời khỏi văn phòng, trong khi dòng chữ “Tôi đi đây” hiện lên nổi bật.
Trong vòng chưa đầy 24 giờ, trong khi Shifrin bay từ Đài Loan đến Los Angeles (Mỹ) để xuất hiện trên The Queen Latifah Show, cô thu được thêm khoảng 2,6 triệu lượt xem. Cô cũng nhận được lời mời làm việc từ chính người dẫn chương trình.
Trong 7 năm, Shifrin làm việc trong lĩnh vực truyền hình và xuất bản cuốn sách có tên 30 Before 30: How I Made a Mess of My 20s, and You Can Too.
Video bỏ việc của Shifrin được xem gần 20 triệu lượt. Sau khi cô đăng video, bài hát Gone được phát hành 8 năm trước đó đã lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ ở vị trí 18.
Đồng cảm
Shifrin hiểu lý do mọi người bị thu hút bởi các video “Tôi bỏ việc”.
“Một trong những trải nghiệm đáng tin cậy nhất là cảm giác bị ngược đãi trong môi trường làm việc. Sau khi được đăng, các video giúp ‘cân bằng sức mạnh một chút’”, cô nói.
Đoạn phim của De Francesco và Shifrin giống như loại hình nghệ thuật trình diễn. Các video bỏ việc ngày nay ít nói về cách trình bày mà thiên về khiếu nại cụ thể. Nhiều người có mức lương tối thiểu, thường là phụ nữ trẻ.
Tháng 2/2020, Maria Kukulak ghi lại quyết định bỏ việc tại siêu thị vì những người quản lý mới “thực sự xấu tính”. Cô cho biết sẽ nghỉ việc sau khi kết thúc ca làm việc: “Tôi sẽ quét nhà và sau đó nhảy ra ngoài cửa sổ”.
Giữa chừng video TikTok, Kukulak biết rằng một người quản lý đã nói cô là “đồ mất dạy”.
Trước khi nhảy ra ngoài cửa sổ như đã hứa, cô nói với sếp của mình: “Tôi không phải là kẻ lạc lối và tôi đã nghỉ việc. Tạm biệt”.
Video của Kukulak được xem hơn 15 triệu lần. Cô đang làm huấn luyện viên cá nhân và không kiếm sống từ TikTok dù rất muốn.
“Tôi thích quay video về chính mình. Tôi cảm thấy mình có tài năng”, Kukulak nói trong cuộc phỏng vấn gần đây. Với 227.000 người theo dõi, cô mơ ước trở thành người sáng tạo nội dung toàn thời gian.
Giống như clip của Kukulak, các video phổ biến nhất có xu hướng ngắn và kịch tính. Người xem đến vì cảm xúc chứ không phải vì chi tiết.
Tháng 2/2020, Nelly, một người quản lý tại McDonald, quay được cảnh một đồng nghiệp vui vẻ nhấn cần gạt kem tươi.
“Hãy xem chúng ta có thể khiến chiếc kem lớn đến mức nào!”, cô thông báo.
Sau đó, người này đưa chiếc kem qua cửa sổ cho một người lái xe và nói: “Tôi sắp nghỉ việc! Món này miễn phí!”.
Video đã được xem 6,5 triệu lần.
Nelly sau đó đăng video dài 18 phút đầy suy tư lên YouTube. Trong đó, cô nói rằng bản thân không tán thành những công ty lợi dụng người lao động Kể từ khi xuất bản, lời giải thích chuyên sâu của cô có số lượt xem là 66.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-gia-cua-trao-luu-khoe-bo-viec-tren-tiktok-post1411624.html