Cái giá dành cho những kẻ phản bội tổ quốc

Ở các quốc gia khác nhau, tội phản bội tổ quốc bị xét xử với những hình thức khác nhau, nhưng thường là rất nghiêm khắc.

Vương quốc Anh: từ 5 năm tù đến chung thân

Luật pháp hiện hành của đất nước, một số luật được thông qua từ thế kỷ XIV - XIX, quy định mức trừng phạt đối với những hành vi sau: tiếp cận những nơi bị cấm, chuyển tài liệu hoặc thông tin mà đối thủ có thể sử dụng để gây tổn hại đến an ninh quốc gia, chứa chấp gián điệp, v.v. Cả công dân và người nước ngoài đều có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Thời hạn hình phạt từ năm năm đến tù chung thân.

Mỹ: Án phạt lên đến tử hình

Tại Mỹ, các dấu hiệu của hoạt động gián điệp liên quan đến việc truyền thông tin hoặc cố gắng truyền thông tin bí mật cho chính phủ, các đặc vụ hoặc công dân nước ngoài “thông tin liên quan đến quốc phòng”.

Đối với hành động như vậy, đối tượng có thể nhận hình phạt tử hình hoặc phạt tù đến chung thân. Vào đầu những năm 1950, cặp vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg, bị buộc tội làm gián điệp và chuyển giao bí mật nguyên tử cho Liên Xô, cuối cùng chịu mức án tử hình.

Đức: Hãy sám hối và sẽ được ân xá!

Khái niệm tội phản quốc được định nghĩa là làm lộ bí mật nhà nước. Luật hình sự quy định mức án tù dài hạn. Tuy nhiên, nếu đối tượng ăn năn tích cực, tòa án có thể giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn hình phạt.

Iran: Những kẻ phản bội bị treo cổ

Ở Iran, hình thức treo cổ được áp dụng cho một số tội danh. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, chỉ riêng năm 2015, 977 người, trong đó có 16 phụ nữ và ít nhất bốn trẻ vị thành niên, đã bị hành quyết. Hình phạt này cũng được quy định cho tội phản quốc và gián điệp.

Những vụ án lớn trên thế giới

Eichmann, kẻ chủ mưu chính của Holocaust.

Eichmann, kẻ chủ mưu chính của Holocaust.

Eichmann, kẻ chủ mưu chính của Holocaust (thảm họa diệt chủng người Do Thái), đã trốn sang Nam Mỹ sau Thế chiến thứ hai. Cơ quan mật vụ của Israel đã quyết lần theo dấu và bắt hắn ta phải trả giá.

Adolf Eichmann, một quan chức Đức Quốc xã đã giúp thiết kế kế hoạch thảm sát hàng loạt 6 triệu người Do Thái trong Thế chiến thứ hai. Trong nhiều năm, hắn ta đã trốn tránh chính quyền và sống tương đối yên bình ở Argentina. Mới đây, hắn đã bị Mossad, cơ quan mật vụ của Israel bắt giữ.

Việc bắt giữ, thẩm vấn và xét xử Eichmann là một phần của một trong những sứ mạng bí mật tham vọng nhất trong lịch sử. Khi Adolf Eichmann lần đầu tiên gia nhập Đảng Quốc xã Áo vào năm 1932, ít ai có thể đoán được rằng hắn lại trở thành một kẻ giết người hàng loạt. Hắn rất tự hào về vai trò của mình trong cái chết của 6 triệu người Do Thái chủ yếu ở châu Âu.

Tuy nhiên, trong khi nhiều “kiến trúc sư” của Holocaust đã bị bắt, bị xét xử tại Nuremberg và bị xử tử sau chiến tranh, Eichmann vẫn thoát khỏi sự trừng phạt của công lý. Hắn tìm cách đến được Buenos Aires, Argentina vào năm 1950. Tại đây, Eichmann tạo cho mình một danh tính mới: Ricardo Klement, một người lao động nghèo khó. Tin đồn về các hoạt động của Eichmann ở Argentina đã lan đến Mỹ, châu Âu và Israel. Mặc dù các mạng lưới tình báo của Tây Đức và Mỹ đều nhận được thông tin về Eichmann, nhưng họ đã không để tâm đến các manh mối. Nhưng chắc chắn có một quốc gia non trẻ rất quan tâm đến việc bắt giữ Eichmann: Israel.

Tình báo Israel Mossad đã tập hợp một nhóm đặc vụ - hầu hết trong số họ đã chứng kiến toàn bộ gia đình mình bị xóa sổ trong thảm họa Holocaust - để thực hiện kế hoạch bắt cóc Eichmann. Mục tiêu của họ không chỉ là bắt giữ mà còn đưa Eichmann trở lại Israel, nơi hắn sẽ bị xét xử công khai và đền tội cho những tội ác tàn bạo của mình. Các đặc vụ Israel đang hoạt động ở khắp nơi trên thế giới bay đến Argentina, với vẻ bề ngoài là dự kỷ niệm 150 năm quốc khánh nước này. Họ thực hiện vụ bắt cóc Eichmann chỉ trong vài phút và lập kế hoạch để đưa hắn rời Argentina mà chính quyền sở tại không hề biết.

Eichmann bị đánh thuốc mê và được đưa qua cửa kiểm soát xuất cảnh sân bay Buenos Aires và lên máy bay. Chuyến bay đặc biệt khi đó đang chở Ngoại trưởng Israel Abba Eban trở về nước sau khi tham dự lễ kỷ niệm 150 năm quốc khánh Argentina. Chính Ngoại trưởng Eban cũng không hề biết rằng Eichmann đang ở trên máy bay.

Julian Paul Assange, sinh ngày 3/7/1971, là biên tập viên, nhà xuất bản và nhà hoạt động chính trị người Australia.

Julian Paul Assange, sinh ngày 3/7/1971, là biên tập viên, nhà xuất bản và nhà hoạt động chính trị người Australia.

Julian Paul Assange, sinh ngày 3/7/1971, là biên tập viên, nhà xuất bản và nhà hoạt động chính trị người Australia, sáng lập WikiLeaks vào năm 2006. WikiLeaks nhận được sự chú ý quốc tế sau khi công bố một loạt các thông tin do cựu nhân viên phân tích tình báo quân đội Chelsea Manning cung cấp vào năm 2010 và 2011. Những cáo buộc đó bắt nguồn từ việc WikiLeaks công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật của quân đội Mỹ về các cuộc chiến của Washington ở Afghanistan và Iraq vào năm 2010. Trong đó có khoảng 250.000 bức điện tín ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đây được xem là một trong những vụ vi phạm thông tin bí mật lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Việc trả tự do cho ông Assange kết thúc câu chuyện pháp lý kéo dài 14 năm. Trong đó, ông Assange phải ở hơn 5 năm trong nhà tù được canh gác cẩn mật của Anh và 7 năm tị nạn tại đại sứ quán Ecuador ở London để chống lại việc dẫn độ sang Thụy Điển do cáo buộc tấn công tình dục và sang Mỹ, nơi ông phải đối mặt với 18 cáo buộc hình sự.

Ngày 26/6, người sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, đã được trả tự do, rời khỏi tòa án ở đảo Saipan (thuộc Mỹ ở Thái Bình Dương) sau khi nhận tội vi phạm luật gián điệp của Mỹ. Tòa án cũng đã cho phép ông Assange về thẳng quê hương Australia. Ông Assange rời Saipan trên một máy bay riêng đến thủ đô Canberra của Australia chiều ngày 26-6.

Julian Assange nhận tội tại một tòa án ở Quần đảo Bắc Mariana, một khối thịnh vượng chung của Mỹ ở phía Bắc đảo Guam, vào khoảng 9h45 sáng 26/6, giờ địa phương. Assange là người đã công khai loạt tài liệu mật mà chính phủ Mỹ cho là đe dọa an ninh quốc gia và hỗ trợ các đối thủ. Việc Assange nhận tội là một phần trong thỏa thuận nhận tội đạt được với Bộ Tư pháp Mỹ ngày 24/6. Theo đó, ông chủ WikiLeaks bị kết án 62 tháng tù, bằng thời gian mà ông đã ngồi tù ở London.

Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ

Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ

Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), là người đã tiết lộ những thông tin gây chấn động về chương trình do thám toàn cầu của chính phủ Mỹ. Edward Snowden, 40 tuổi, là một kỹ sư an ninh mạng. Từ năm 2005 - 2008, người này làm việc tại trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ Đại học Maryland và bộ phận liên lạc toàn cầu thuộc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Langley, Virginia. Tới năm 2009, Snowden ngừng làm việc cho CIA và xin vào tập đoàn Dell. Tập đoàn Dell sau đó đã cử Snowden tới làm việc cho Văn phòng chia sẻ thông tin của NSA ở Hawaii. Vào tháng 5/2013, người đàn ông 39 tuổi từ bỏ công việc tại cơ sở của NSA. Tới đầu tháng 6/2013, Snowden bắt đầu liên lạc với các nhà báo của Guardian và Washington Post để tiết lộ về chương trình do thám toàn cầu của cơ quan tình báo Mỹ.

Vào ngày 6/6/2013, Guardian và Washington Post đã đăng tải những tài liệu đầu tiên liên quan tới việc giám sát người dân thông qua mạng internet của chính phủ Mỹ. Các tài liệu của Snowden cho thấy, các nhà mạng lớn như Verizon, AT&T and Sprint Nextel đã cung cấp bản ghi âm cuộc gọi của khách hàng cho NSA và FBI. Ngoài ra, hai cơ quan này cũng truy cập được vào máy chủ của các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Yahoo, Google, Facebook và Apple.

Ngoài việc giám sát công dân Mỹ, Snowden cũng đưa ra những tiết lộ gây sốc về việc Washington do thám các quan chức chính phủ nước ngoài. Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy, NSA và cơ quan thông tin của Anh đã chặn cuộc điện thoại mà các quan chức nước ngoài thực hiện trong thời gian hội nghị G20 diễn ra ở London năm 2009.

Bên cạnh đó, tình báo Mỹ đã cài máy nghe lén tại một số văn phòng của Liên minh châu Âu, giám sát các cuộc điện thoại của 35 nhà lãnh đạo thế giới và theo dõi ít nhất 38 đại sứ quán nước ngoài. Các tài liệu do Snowden cung cấp cũng tiết lộ về các chương trình do thám bí mật Blarney và Rampart-T, vốn được dùng để thu thập thông tin về khủng bố và do thám lãnh đạo nước ngoài từ. Rampart-T tập trung vào 20 quốc gia, bao gồm Nga và Trung Quốc. Một chương trình bí mật khác mang tên PRISM cũng được Snowden hé lộ, chương trình này tập trung vào thu thập dữ liệu mà người dùng truyền tải thông qua việc truy cập internet.

Theo CNN, sau khi thông tin về chương trình giám sát bị tiết lộ, NSA và Lầu Năm Góc đã cáo buộc Snowden với các tội danh ăn cắp tài sản chính phủ, truyền tin quốc phòng trái phép và cố ý tiết lộ tài liệu tình báo mật. Với việc đánh cắp 1,7 triệu tài liệu mật liên quan đến hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ, Snowden có thể đối mặt với bản án 30 năm tù.

Ngày 21/6/2013, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố chính thức các cáo buộc chống lại Snowden, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao thu hồi hộ chiếu của người đàn ông này. Tuy vậy, chỉ hai ngày sau đó, Snowden đã tới Nga. Do hộ chiếu bị hủy bỏ, Snowden phải ở lại ở sân bay trong hơn một tháng.

Moscow sau đó đã cấp cho Snowden quyền tị nạn với thị thực cư trú ban đầu trong một năm và các lần gia hạn lặp lại đã cho phép Snowden ở lại Nga ít nhất cho đến năm 2020.
Ông Snowden bị buộc tội vi phạm Đạo luật Gián điệp của Mỹ. Ông vẫn khẳng định mình không hợp tác với Nga, và luôn hy vọng có ngày được quay trở lại quê hương.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/cai-gia-danh-cho-nhung-ke-phan-boi-to-quoc-249826.htm