Cái giá đắt đỏ của nợ quốc gia tăng cao khiến những lời hứa của ông Donald Trump 'lung lay'

Chi phí trả nợ công Mỹ dự kiến vượt 1.000 tỷ USD năm tới, đe dọa các kế hoạch kinh tế tham vọng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang ấp ủ những kế hoạch đầy tham vọng cho nền kinh tế Mỹ, bao gồm cắt giảm thuế, áp thuế quan và thực hiện nhiều chương trình khác. Tuy nhiên, vấn đề nợ công lớn và chi phí trả lãi suất ngày càng cao có thể là trở ngại đáng kể đối với những mục tiêu này.

 Các dự đoán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội chỉ ra rằng chi phí trả nợ trong năm tới có thể vượt quá 1 nghìn tỷ USD. Ảnh: Patrick Semansky

Các dự đoán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội chỉ ra rằng chi phí trả nợ trong năm tới có thể vượt quá 1 nghìn tỷ USD. Ảnh: Patrick Semansky

Hiện tại, nợ công của Mỹ đã đạt khoảng 36 nghìn tỷ USD. Lạm phát tăng cao sau đại dịch COVID-19 đã đẩy chi phí vay của chính phủ liên bang lên mức kỷ lục. Dự kiến, chi phí trả nợ trong năm tới sẽ vượt cả ngân sách quốc phòng.

Việc phải gánh thêm chi phí trả nợ khiến Trump có ít không gian hơn để điều chỉnh ngân sách liên bang nhằm cắt giảm thuế thu nhập. Đồng thời, lãi suất cao cũng gây khó khăn cho nhiều người dân Mỹ trong việc mua nhà hoặc xe hơi mới. Chính áp lực chi phí sinh hoạt đã góp phần giúp Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua.

Ông Shai Akabas, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách Kinh tế tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, nhận định: "Rõ ràng, mức nợ hiện tại đang gây áp lực tăng lãi suất, bao gồm cả lãi suất thế chấp. Điều này sẽ khiến chi phí nhà ở và nhu yếu phẩm tăng cao, gây tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế trong tương lai".

Akabas nhấn mạnh rằng chi phí trả nợ đã bắt đầu làm giảm khả năng chi tiêu của chính phủ vào các nhu cầu thiết yếu như cơ sở hạ tầng và giáo dục. Hiện nay, cứ mỗi 5 USD chính phủ chi ra thì có 1 USD được dành để trả lãi vay, thay vì đầu tư vào các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Kế hoạch đối phó với nợ công

Tổng thống đắc cử Trump cho biết vấn đề nợ công đã nằm trong tầm ngắm của ông. Trong tuyên bố bổ nhiệm nhà đầu tư tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính, Trump khẳng định vị này sẽ giúp đưa nợ công trở về quỹ đạo bền vững hơn.

Tuy nhiên, việc giảm nợ gặp khó khăn bởi các kế hoạch của Trump, như gia hạn chính sách cắt giảm thuế từ năm 2017 vốn dự kiến hết hạn vào năm sau. Những chính sách này đã góp phần làm tăng nợ công và có nguy cơ đẩy lãi suất cao hơn, từ đó làm tăng chi phí trả nợ và hạn chế lợi ích kinh tế mà việc cắt giảm thuế có thể mang lại.

Ông Brian Riedl, chuyên gia cấp cao tại Viện Manhattan và từng là cố vấn Quốc hội, nhận xét: "Thật thiếu trách nhiệm nếu tái áp dụng các chính sách cắt giảm thuế khi thâm hụt ngân sách đã gấp ba lần. Ngay cả các nghị sĩ Cộng hòa cũng đang tìm cách giảm quy mô các tham vọng của Tổng thống".

Một số ý kiến cho rằng chính sách thuế của Trump thiên về lợi ích cho tầng lớp giàu có, làm suy giảm nguồn thu ngân sách dành cho các chương trình hỗ trợ tầng lớp trung lưu và người nghèo.

Bà Jessica Fulton, Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tại Washington, nhận xét: "Các ý tưởng về thuế của Tổng thống đắc cử sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách vì giảm thuế cho những người có khả năng chi trả cao nhất, bao gồm cả các doanh nghiệp mà ông đề xuất giảm thuế suất xuống còn 15%".

Dẫu vậy, đội ngũ của Trump khẳng định ông có thể giải quyết được bài toán này. Người phát ngôn Karoline Leavitt tuyên bố: "Người dân Mỹ đã tái bầu Tổng thống Trump với một cách biệt lớn, trao cho ông sứ mệnh thực hiện các cam kết tranh cử, bao gồm giảm giá cả sinh hoạt. Ông ấy sẽ thực hiện điều đó".

Áp lực từ chi phí lãi vay

Khi Trump giữ chức tổng thống lần trước vào năm 2020, chính phủ liên bang chi khoảng 345 tỷ USD mỗi năm để trả lãi nợ công. Khi đó, mức lãi suất trung bình thấp đã cho phép Mỹ tiếp tục vay nợ lớn để đối phó đại dịch mà không phải chịu áp lực trả nợ quá lớn.

Tuy nhiên, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo chi phí trả lãi nợ trong năm tới có thể vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD, cao hơn cả chi tiêu quốc phòng. Đây cũng là con số lớn hơn tổng chi tiêu ngoài quốc phòng dành cho cơ sở hạ tầng, trợ cấp thực phẩm và các chương trình khác dưới quyền Quốc hội.

Chi phí trả nợ tăng cao chủ yếu do lãi suất tăng. Tháng 4/2020, khi chính phủ vay hàng nghìn tỷ USD để ứng phó đại dịch, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chỉ ở mức 0,6%. Đến nay, con số này đã tăng lên 4,4%, một phần do kỳ vọng rằng các chính sách của Trump sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách thêm hàng nghìn tỷ USD.

Trong bối cảnh này, những nhân vật xung quanh Trump và các nhà lập pháp Cộng hòa đang tìm cách cắt giảm chi tiêu chính phủ để giảm nợ và hạ lãi suất. Họ cũng chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden về mức thâm hụt cao và lạm phát trong nhiệm kỳ vừa qua.

Hai doanh nhân giàu có Elon Musk và Vivek Ramaswamy, những người dẫn đầu các nỗ lực cắt giảm chi phí chính phủ của Trump, đã đề xuất ý tưởng từ chối chi tiêu một số khoản ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt. Trump cũng bày tỏ ủng hộ ý tưởng này, dù có thể sẽ gây tranh cãi pháp lý do làm suy yếu quyền lực của Quốc hội.

Ngoài ra, các chính sách khác như áp thuế nhập khẩu để tăng nguồn thu, hay yêu cầu thêm điều kiện lao động đối với người nhận trợ cấp Medicaid, cũng được đưa ra thảo luận.

Bài học từ lịch sử

Áp lực từ lãi suất cao từng buộc chính quyền Mỹ phải xem xét cắt giảm thâm hụt ngân sách khoảng ba thập kỷ trước, dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Khi đó, thỏa thuận giảm thâm hụt giữa ông Clinton và Quốc hội đã giúp tạo ra thặng dư ngân sách từ năm 1998.

Cố vấn chính trị của Clinton, James Carville, từng nhận xét với chút hài hước rằng quyền lực của thị trường trái phiếu thậm chí có thể khiến tổng thống phải nhún nhường. "Tôi từng nghĩ nếu có kiếp sau, tôi muốn trở thành tổng thống, giáo hoàng hoặc một cầu thủ bóng chày xuất sắc. Nhưng giờ tôi chỉ muốn làm thị trường trái phiếu. Nó có thể làm mọi người sợ hãi".

Dũng Phan (Theo Aol.)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cai-gia-dat-do-cua-no-quoc-gia-tang-cao-khien-nhung-loi-hua-cua-ong-donald-trump-lung-lay-post322784.html