Cái giá thực sự của việc mua đồ rẻ
Hãy tưởng tượng nếu số tiền bỏ ra cho 5 chiếc áo len cùng kiểu, thay vào đó được chi vào một món đồ cơ bản từ nhà thiết kế địa phương.
Chỉ vài thập kỉ trước - có lẽ trong khoảng thời gian tôi miệt mài theo dõi những bộ phim truyền hình bóng bẩy - người ta thỉnh thoảng mới mua quần áo. Đó là một khoản đầu tư cần cân nhắc bởi chúng phải ở trong tủ quần áo của bạn vài năm trước khi đem cho một người bạn, một đứa em trong nhà, hoặc đem đi quyên góp cho các hoạt động từ thiện.
Nhưng từ những năm 1990, sự kết hợp của tín dụng lãi suất thấp và kinh tế sản xuất toàn cầu phát triển đồng nghĩa với việc hàng tiêu dùng giá rẻ xuất hiện với số lượng chưa từng thấy ở các nước phát triển.
Chỉ trong vài năm, hiện tượng trên đã áp dụng vào ngành may mặc dưới cái tên “thời trang nhanh” - áo, váy, giày dép đều được thiết kế để chỉ mặc trong vài lần rồi vứt bỏ. Ngành công nghiệp này nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường.
Và trong khi mô hình kinh doanh lan rộng ra các mặt hàng tiêu dùng khác, giá cả bị kéo xuống, các món đồ từ áo len cho đến máy nghe nhạc MP3 đều trở thành những khoản mua thường xuyên hơn.
Tôi vẫn còn nhớ cảm giác sung sướng khi mua một chiếc máy nghe nhạc cá nhân vào những năm 1980. Khi đó tôi 12 tuổi, và Sony Walkman tượng trưng cho đỉnh cao của tiến bộ công nghệ.
Để có tiền mua chiếc máy chạy băng cát-xét kèm tai nghe có đệm mút biển này, tôi phải tiết kiệm tiền tiêu vặt hàng tuần, cóp nhặt từng xu, và chăm chú theo dõi giá của các hãng cạnh tranh trong cửa hàng điện tử ở một thị trấn lớn gần nhà nhất. Ngày trọng đại cuối cùng đã đến, với cảm giác thành tựu lớn lao tôi trao ra tổng cộng 36 bảng Anh quý giá (khoảng 50 đôla) và nhận chiếc máy nghe nhạc cá nhân mới của mình.
Trong vài thập niên sau, tôi đã chi hàng nghìn đôla vào các thiết bị điện tử như tivi, máy MP3, máy tính, smartphone, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác hạnh phúc như ngày mua chiếc Walkman năm 1987 ấy. Đương nhiên, khi đó tôi không thể biết rằng trong vài năm sau, làn sóng đồ tiêu dùng giá rẻ sẽ tràn vào các nước phát triển; tôi cũng không hề biết về tác động của chúng lên trái đất từ việc vắt kiệt tài nguyên cho sản xuất.
Ngày nay, ngày càng nhiều người cảm thấy không thoải mái với việc bỏ ra 10 đôla cho một chiếc áo được sản xuất với giá chỉ vài cent ở các nước phát triển. Mức giá này đặt ra câu hỏi về mức lương của những công nhân làm ra chiếc áo đó, và gánh nặng đặt lên vai họ - những người có khả năng phải tiếp xúc với hóa chất độc hại hay buộc phải làm việc trong điều kiện không được kiểm soát.
Trong khi đó, theo Greenpeace International, xu hướng thời trang nhanh đồng nghĩa với việc chúng ta tiêu thụ và vứt bỏ quần áo ở mức cao hơn hành tinh này có thể xử lý. Hàng nghìn tấn sợi tổng hợp được nhập vào Anh hàng năm, và polyester tạo ra gần gấp ba lần lượng carbon so với cotton trong suốt vòng đời của nó.
Đến cuối năm 2019, gần như toàn bộ ngành công nghiệp thời trang đã cơ khí hóa. “Sự phổ biến của thời trang nhanh đã làm méo mó mối quan hệ giữa chúng ta với thời trang và thiết kế”, nhà thiết kế Stella McCartney viết trong bức thư gửi các đối tác trong ngành công nghiệp mà cô cho ra mắt một thương hiệu nhấn mạnh vào sự bền vững. “Ở cơ chế hiện tại, các nhà thiết kế tạo ra xu hướng, thời trang nhanh sao chép các xu hướng này rồi áp chúng lên người tiêu dùng”.
Những người sao chép này thực ra cũng làm việc chăm chỉ và họ sẽ biết ơn sự hỗ trợ tài chính đến từ vài khách hàng. Nhưng những cơn mua sắm bốc đồng - hoặc tại quầy thu ngân của chuỗi cửa hàng giá rẻ địa phương vào ngày lĩnh lương hoặc trên mạng lúc đêm muộn - chỉ để nhồi nhét đống quần áo rẻ tiền vào tủ, làm đầy túi các chuỗi bán lẻ khổng lồ, mà không có mục đích gì to lớn hơn.
Hãy tưởng tượng nếu số tiền bỏ ra cho 5 chiếc áo len cùng kiểu, thay vào đó được chi vào một món đồ cơ bản từ nhà thiết kế địa phương. Đó là người mà bạn phát hiện ra thiết kế của họ trong phiên chợ địa phương, hoặc một người bỏ thời gian ghi chép lại những yêu cầu của bạn trước khi gửi đơn hàng vào hòm thư.
Và tưởng tượng nếu những nhà thiết kế ở các nước đang phát triển có thể đem sản phẩm của mình đến một khu chợ địa phương đông đúc, thay vì phải đối mặt với thị trường đã bão hòa bởi hàng second-hand đến từ các nước phát triển.
Nếu chủ nghĩa tối giản tập trung vào việc mang đến ý nghĩa cho cuộc sống, sự lựa chọn của chúng ta dưới tư cách người tiêu dùng chắc chắn là chỗ để thực hành điều đó. Trong phần giới thiệu của cuốn sách này, chúng ta đã tìm cách ngăn cản cơn lũ đồ đạc tràn vào nhà, để tạo không gian cho một cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, chúng ta buộc phải tiếp xúc hàng ngày với văn hóa tiêu dùng, bởi vậy kể cả khi đã cân nhắc những gì mang vào nhà, ta vẫn nên suy nghĩ về việc điều hướng quyền lực tiêu dùng của mình đến đâu.
Như đã biết, tối giản không có nghĩa là bủn xỉn, mà là có ý thức hơn với cuộc sống. Đưa ra những quyết định sáng suốt về cách và nơi tiêu tiền, chúng ta sẽ hướng sự tập trung của mình ra bên ngoài, và, hy vọng là, giúp tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn nhờ những quyết định đó.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-gia-thuc-su-cua-viec-mua-do-re-post1351920.html