Cái kết bi thảm của viên thống chế lừng danh Đức quốc xã
Dù là thống chế lừng danh trong Thế chiến Hai, nhưng Erwin Rommel lại có một kết cục ít ai có thể ngờ tới.
Erwin Johannes Eugen Rommel (1891-1944) là một trong những thống chế nổi danh nhất của Đức quốc xã trong chiến tranh Thế giới thứ hai. Với tài năng quân sự..., Rommel được cả đồng minh lẫn đối thủ kính trọng.
Trong chiến dịch xâm lược nước Pháp, bất chấp trước đó chưa bao giờ chỉ huy lực lượng tăng thiết giáp, Rommel đã chỉ huy Sư đoàn 77 thiết giáp tấn công chớp nhoáng, phá vỡ hệ thống phòng thủ của Pháp khiến đối phương không thể trở tay. Thành tích này của Rommel khiến Hitler rất hài lòng, do vậy, trùm phát xít đã bổ nhiệm Rommel làm chỉ huy Quân đoàn châu Phi với nhiệm vụ lật ngược tình thế tại Bắc Phi sau những thất bại liên tiếp của quân Ý trước quân Anh.
Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, bằng lối đánh tấn công chớp nhoáng, Quân đoàn châu Phi đã đẩy lùi quân Anh về biên giới Ai Cập và cuối tháng 6 năm 1942 thì tiến sát đến El Alamein, chỉ cách thành phố Alexandria (Ai Cập) hơn 100 km. Với chiến công này, Rommel được thăng quân hàm thống chế và trở thành quân nhân oai danh lẫy lừng nhất nước Đức.
Có thể nói, tại chiến trường Bắc Phi, Rommel đã bộc lộ tài năng chiến thuật xuất chúng, khả năng truyền cảm hứng cho quân lính và tận dụng tốt nhất các nguồn lực dù ít ỏi trong tay. Mặc dù quân số ít hơn và lượng khí tài thua kém đối thủ, nhưng lực lượng của Rommel đã chiến thắng hoặc gây tổn thất lớn cho quân Đồng minh. Cách đánh của Rommel bộc lộ chính con người của ông ta thể hiện qua biệt danh “Cáo sa mạc”: táo bạo, quả quyết, thần tốc và khéo léo, bất ngờ chọc thẳng vào đối phương.
Rommel được những địch thủ lớn nhất như thống chế Anh Montgomery và đại tướng Mỹ George Patton công nhận là vị chỉ huy quân sự giỏi nhất ở địa hình sa mạc.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, nếu xét về thành tích thực sự thì Rommel không hẳn xứng đáng với danh tiếng của mình. Là một chỉ huy có tài năng và rất xông xáo, Rommel cũng là người rất cứng đầu và bảo thủ, vì vậy đã bị đánh bại tới hai lần bởi quân Anh tại Bắc Phi, lần đầu là dưới tay tướng Auchinleck, sau đó là Montgomery, cuối cùng bị đẩy ra khỏi châu Phi.
Sau khi quân Đồng minh đổ bộ thành công lên bãi biển Normandy vào tháng 6/1944 và chính thức mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu, niềm tin của Rommel về chiến thắng của Đức ngày càng sụt giảm. Ông ta bắt đầu nhận ra rằng cuộc chiến càng kéo dài thì sẽ là thảm họa cho tương lai của nước Đức, từ đó, cùng một số nhân vật thuyết phục Hitler tìm cách hòa đàm với quân Đồng minh. Tuy nhiên, Hitler không chấp thuận phương án này.
Rommel cũng biết đến kế hoạch lật đổ Hitler của một nhóm tướng lĩnh cao cấp. Tuy ủng hộ đảo chính để cứu nước Đức khỏi chế độ tàn bạo, nhưng Rommel phản đối ám sát trùm phát xít vì lo ngại sẽ xảy ra nội chiến; ông ta muốn Hitler bị bắt và đưa ra xét xử.
Dù vậy, kế hoạch hạ sát Hitler bằng bom vẫn được tiến hành vào ngày 20 tháng 7 năm 1944 nhưng thất bại. Trùm phát xít điên cuồng truy bắt, tra tấn những người tham gia hay có liên quan, trong đó có Rommel.
Dù bằng chứng không rõ ràng nhưng Hiler vẫn quyết rằng Rommel phải chết. Mối bận tâm duy nhất của nhà độc tài này là làm thế nào thủ tiêu vị tướng nổi tiếng nhất nước Đức mà không khiến dư luận phẫn nộ. Giải pháp là buộc Rommel âm thầm tự sát và công bố cái chết của viên thống chế này là do các vết thương sau một trận không kích của không quân Canada trước đó. Đổi lại, gia đình và thuộc cấp của ông này sẽ không bị bức hại.
Rommel chấp nhận kết cục một cách vô cùng bình tĩnh. Ngày 14 tháng 10 năm 1944, sau khi tiếp 2 viên tướng Burgdorf và Maisel được Hitler cử đưa thư và mang thuốc độc đến, Rommel tự tử bằng một liều xyanua cực mạnh, trên mình mặc chiếc áo jacket cũ bằng da của Quân đoàn châu Phi và tay cầm gậy thống chế.
Phần lớn các quan chức Quốc xã cao cấp, bao gồm cả Hitler, Himmler đều gửi điện chia buồn. Hitler ra lệnh tổ chức lễ quốc tang, trong đó sĩ quan cao niên của quân đội Đức là thống chế Gerd von Rundstedt (cựu Tổng tư lệnh Mặt trận Miền Tây, cũng là cấp trên trực tiếp của Rommel), đứng bên thi hài của Rommel phủ cờ Chữ thập ngoặc đọc điếu văn: "Con tim của ông ấy thuộc về Lãnh tụ”.
Thủ tướng Anh Winston Churchill từng đánh giá về Rommel: “Ông ấy xứng đáng có được sự tôn trọng của chúng ta, bởi vì, mặc dầu là một người lính Đức trung thành, ông ta đã chán ghét Hitler và những việc làm của hắn, và đã tham gia vào âm mưu giải thoát nước Đức khỏi tay tên bạo chúa này. Vì điều đó mà ông ta đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Trong những cuộc chiến tranh cho nền dân chủ tân tiến, có rất ít chỗ cho tinh thần hiệp sĩ này”.