Cái khó của ngành công nghiệp mỹ phẩm xanh

Các nhãn mỹ phẩm 'clean beauty' vẫn chưa thể giới thiệu minh bạch về thành phần. Ngoài ra, họ cũng gặp khó khi bao bì tái chế có giá thành cao, nguồn cung hạn chế.

 Ngành làm đẹp đang hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và có tính bền vững. Ảnh minh họa: Natalia Hawthorne/Pexels.

Ngành làm đẹp đang hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và có tính bền vững. Ảnh minh họa: Natalia Hawthorne/Pexels.

Các vấn đề về môi trường làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Lĩnh vực làm đẹp cũng chứng kiến điều tương tự. Nhiều năm qua, ngành công nghiệp trị giá 500 tỷ USD toàn cầu này phải vật lộn với một loạt thách thức về tính bền vững trong quá trình sản xuất, đóng gói và thải bỏ sản phẩm.

Nghiên cứu của Công ty tư vấn và chiến lược Simon Kucher (Mỹ) cho thấy 60% người tiêu dùng trên toàn thế giới đánh giá tính bền vững là tiêu chí mua hàng quan trọng. Thêm đó, 35% sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm hoặc dịch vụ bền vững.

Sự thay đổi trong sở thích của khách hàng thúc đẩy nhiều thương hiệu làm đẹp đặt ra các tiêu chí về môi trường: tránh sử dụng nhựa nguyên sinh, thay bằng bao bì có thể tái chế, đồng thời minh bạch hơn về thành phần để khách hàng có thể xác định mức độ "xanh" của sản phẩm.

Tuy vậy, không phải nhãn hàng nào cũng có thể theo đuổi "clean beauty" một cách bài bản và đường dài. CNN lý giải một vài nguyên nhân cho tình trạng này.

 Người tiêu dùng cần phải cẩn thận hơn với những sản phẩm dán nhãn "clean beauty". Ảnh minh họa: Dominika Roseclay/Pexels.

Người tiêu dùng cần phải cẩn thận hơn với những sản phẩm dán nhãn "clean beauty". Ảnh minh họa: Dominika Roseclay/Pexels.

Thiếu minh bạch về thành phần

Hiện tại, chưa có tiêu chuẩn quốc tế nào cho ngành công nghiệp làm đẹp về lượng thông tin thành phần cần chia sẻ với khách hàng.

Bởi vậy, các thương hiệu có thể tùy ý đặt ra quy chuẩn và mục tiêu của riêng mình, dẫn đến lầm tưởng về một sản phẩm xanh.

Các doanh nghiệp thường dùng cụm từ "clean beauty" (bền vững, không độc hại) để quảng cáo sản phẩm.

Tuy nhiên, theo Millie Kendall, Giám đốc điều hành Hội đồng Thẩm mỹ Anh, "clean beauty" đang mất dần sức hút khi khách hàng nhận ra sự thiếu minh bạch về thông tin thành phần. Nhiều loại mỹ phẩm chỉ liệt kê dưỡng chất từ thiên nhiên, song không nêu rõ các nguyên liệu hóa học khác.

Thêm đó, Jen Lee, Giám đốc của thương hiệu Beautycounter (Mỹ), cho biết mọi người thường nghĩ rằng thành phần tự nhiên an toàn hơn, nhưng không phải lúc nào cũng đúng như vậy. Khi được pha chế trong sản xuất công nghiệp, chúng có thể chứa nhiều độc tố.

 Nhiều hãng mỹ phẩm gặp khó khăn khi tìm nguồn cung nhựa tái chế. Ảnh minh họa: Anna Poan/Pexels.

Nhiều hãng mỹ phẩm gặp khó khăn khi tìm nguồn cung nhựa tái chế. Ảnh minh họa: Anna Poan/Pexels.

Bao bì tái chế có giá thành cao

Theo Hội đồng Thẩm mỹ Anh, 95% bao bì nhựa của ngành làm đẹp bị vứt bỏ và phần lớn không được tái chế.

Hiện nhiều thương hiệu, đặc biệt là những đơn vị theo đuổi ngành hàng mỹ phẩm xanh, đang cố gắng loại bỏ nhựa có hại và chuyển sang sử dụng nhựa tái chế (PCR).

Không ai muốn bị chỉ trích rằng bán sản phẩm thân thiện môi trường nhưng lại gói bọc trong chai nhựa không thể phân hủy.

L'Oreal dự định sử dụng 50% nhựa PCR vào năm 2025, trong khi Estee Lauder nhắm đến mục tiêu 25% hoặc hơn, nhưng cả hai phải mất rất lâu mới thực hiện được. Giá thành của nhựa PCR được cho là cao hơn rất đáng kể so với loại nhựa thông thường.

Đáng chú ý, nguồn cung của loại nhựa này khá hạn chế so với nhu cầu cao của ngành công nghiệp. Sự cạnh tranh này khiến giá nhựa vốn đã cao lại càng cao hơn.

 Các hãng làm đẹp chưa thể loại bỏ rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Ảnh minh họa: Monstera/Pexels.

Các hãng làm đẹp chưa thể loại bỏ rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Ảnh minh họa: Monstera/Pexels.

Khó thay đổi nhanh chóng

So với các doanh nghiệp nhỏ, thương hiệu lớn khó chuyển mình và đạt được các mục tiêu bền vững hơn.

Sephora khởi động chương trình "Clean + Positive Planet" vào năm 2021, nhằm dán nhãn các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí đã đặt ra.

Target đã tổ chức một chương trình tương tự vào năm 2022, dán nhãn "Target Zero" cho các mặt hàng với bao bì nhựa có thể tái chế, phân hủy.

Tuy nhiên, các chiến dịch này vẫn chưa thể giải quyết vấn đề chất thải và ô nhiễm được tạo ra trong chuỗi cung ứng, sản xuất và vận chuyển của chính 2 nhãn hàng.

Vốn dĩ, quy trình sản xuất đã tồn tại trong nhiều năm, cần thời gian cũng như chi phí rất lớn để thay đổi. Muốn sản phẩm thực sự xanh, các doanh nghiệp cần nhiều yếu tố hơn ngoài ý tưởng.

Bích Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-kho-cua-nganh-cong-nghiep-my-pham-xanh-post1419206.html