Cái khó 'ló' những cách điều chỉnh
Trong điều kiện khó khăn của vùng cao như: giao thông bất tiện, thời tiết khắc nghiệt, số tiền hỗ trợ 720.000 đ một tháng rất khó để các trường thay đổi, cải thiện bữa ăn cho các em. Vì vậy rất cần được rà soát, đánh giá lại để có sự điều chỉnh về chính sách hỗ trợ, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai nấu ăn bán trú cho học sinh.
Theo Nghị định 116 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh bán trú cũng như các chính sách riêng có của từng địa phương thì đã có hàng trăm nghìn học sinh vùng khó khăn ở các tỉnh Tây Bắc thực hiện được ước mơ tới trường học chữ. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn của vùng cao như: giao thông bất tiện, thời tiết khắc nghiệt, số tiền hỗ trợ 720.000 đ một tháng rất khó để các trường thay đổi, cải thiện bữa ăn cho các em. Vì vậy rất cần được rà soát, đánh giá lại để có sự điều chỉnh về chính sách hỗ trợ, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai nấu ăn bán trú cho học sinh. Bài cuối của loạt bài "Tây Bắc hỗ trợ học sinh bán trú vùng khó: Cần điều chỉnh chính sách" chúng tôi đề cập nội dung này.
Thầy giáo Phạm Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sính Phình, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết: Học sinh từ 12 đến 16 tuổi đang độ tuổi phát triển, với định mức tiền ăn hỗ trợ 720 nghìn/tháng/ học sinh thì đương nhiên lượng thức ăn cho mỗi bữa sẽ chỉ ở mức tạm đủ no, chưa thể gọi là đủ chất. Nếu cấp tiểu học nghỉ thứ 7 thì cấp THCS lại học, nên 1 tuần học sẽ tăng thêm 2 bữa ăn, 1 tháng tăng 8 bữa so với cấp tiểu học. Điều này khiến nhà trường đang phải rất nỗ lực để cân đối.
"Đối với cấp THCS thì các cháu phải ăn thêm 1 bữa vào buổi chiều ngày thứ 6 và trưa ngày thứ 7 do đó chúng tôi cũng phải cố gắng thật là khéo léo để làm sao vẫn phải đủ đảm bảo được chế độ cho các cháu, vẫn phải đảm bảo các cháu được ăn no. Với giá cả thị trường như hiện nay, mức ăn của các cháu học sinh cấp THCS đang độ lớn thì tôi nghĩ rằng nhà nước cần nâng cao phụ cấp này lên. Ít nhất cũng phải nâng lên mức 60% mức lương cơ sở tối thiểu." - Thầy giáo Phạm Văn Lợi nói.
Theo ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, hiện nay việc sử dụng định mức chung 720.000 đồng/học sinh/tháng thực sự không còn phù hợp với từng cấp học trên địa bàn do nhu cầu về dinh dưỡng của từng độ tuổi là khác nhau. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng đã có đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng mức hỗ trợ lên 80% mức lương tối thiểu cho bữa ăn bán trú của học sinh vùng khó.
"Định mức này hiện nay đang sử dụng chung cho 3 nhóm học sinh, học trò tiểu học thì chắc chắn cái sức ăn của các cháu nó khác. Như vậy cái khẩu phần ăn từng bữa của các cháu này sẽ được tăng lên nhưng nhóm THCS thì thể trạng của các cháu khác, nhu cầu ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho phát triển thể trạng của học trò của từng cấp học là khác nhau. Như vậy ngành cũng đề xuất Chính phủ cũng như các bộ, ngành là phải tính đến mức về tiêu thụ thực phẩm và mức nhu cầu dinh dưỡng của từng đối tượng học sinh để có những chính sách cho phù hợp." - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên chia sẻ.
Đây cũng là kiến nghị của ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu: So với mặt bằng giá cả hiện tại thì cũng mong muốn kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ có những mức nâng lên cao hơn, ví dụ 50% hoặc 60% mức lương cơ bản, để nâng khẩu phần ăn của học sinh có thêm thêm dinh dưỡng, đảm bảo phát triển về thể trạng cho học sinh và góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Ngoài mong muốn nâng mức kinh phí hỗ trợ nấu ăn bán trú cho học sinh, ngành giáo dục các tỉnh miền núi Tây Bắc cũng kỳ vọng sẽ có những thay đổi trong cơ chế, chính sách đối với đội ngũ nhân viên nấu ăn và viên chức, người lao động được giao nhiệm vụ quản lý học sinh bán trú.
Theo ông Bùi Việt Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La, tỉnh Sơn La, thực tế mức lương mà các nhân viên nấu ăn tại các trường học đang hưởng chỉ hơn 3 triệu đồng, sau khi đã trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, mong muốn, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương dành nhiều sự quan tâm và nguồn lực hơn nữa cho đội ngũ này, bởi khi nhận mức lương cao hơn, tinh thần, trách nhiệm của họ chắc chắn cũng sẽ cao hơn, qua đó, bữa ăn của học sinh bán trú có thể cũng sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn hơn.
"Chúng tôi mong muốn Nghị quyết HĐND tỉnh tiếp tục duy trì, hai là cũng cần có những điều chỉnh bổ sung, như tăng phụ cấp, trợ cấp cho các thầy cô tham gia quản lý bán trú; hai là tiền hỗ trợ cho nhân viên nấu ăn theo Nghị quyết hiện tại cũng đang khá thấp, mong muốn có sự điều chỉnh trong thời gian sớm nhất." - Ông Bùi Việt Cường bày tỏ.
Trong thực hiện nấu ăn bán trú cho học sinh, ông Vũ Đức Biểu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết thêm một khía cạnh rất đáng lưu tâm: Hiện nay tại một số địa phương đang có một nghịch lý, đó là, dù biết làm sai nhưng các nhà trường vẫn phải thực hiện trích một phần kinh phí trong tổng số tiền định mức ăn của học sinh để thực hiện chi trả các chi phí nấu ăn. Cụ thể, một trường sẽ mất khoảng từ 15-20 triệu đồng/tháng dành cho tiền điện, tiền gas thực hiện việc nấu nướng và % hóa đơn mua bán thực phẩm nhưng lại không được phép thanh toán vào bất cứ khoản kinh phí nào. Với đặc thù vùng cao, người dân còn nghèo, không có nguồn lực xã hội hóa thì nhiều cơ sở giáo dục phải chấp nhận làm sai để đảm bảo bữa ăn cho học sinh.
"Các đơn vị trường chưa có nguồn lực nào để hỗ trợ thêm cho học sinh bán trú, chủ yếu là chỉ có nguồn lực của địa phương. Trên cơ sở danh sách học sinh được phê duyệt hàng tháng, các trường có tổ chức nấu ăn cho học sinh sẽ rút dự toán ngân sách chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng rồi căn cứ vào bảng quyết toán hàng tháng sẽ thanh toán tiền thực phẩm cho các nhà cung ứng. Đối với các đơn vị không tổ chức nấu ăn cho học sinh thì sẽ chi trả trực tiếp cho phụ huynh học sinh bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt." - ông Vũ Đức Biểu nói.
Một số cán bộ và giáo viên ở Tây Bắc cũng chia sẻ, số lớp, số lượng học sinh ở bán trú ngày càng tăng, trong khi ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tổ chức bán trú trong nhà trường chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu. Điều kiện phục vụ tổ chức nấu ăn bán trú như nhà bếp, nhà ăn, kho chứa gạo ở nhiều nơi chưa được đầu tư, phải tận dụng, cơi nới từ các hạng mục công trình khác; nơi nghỉ trưa bán trú của học sinh không có khu riêng mà phải ngủ, nghỉ ngay trên lớp học, bàn học...
Ông Chá A Của, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cho biết: Chúng tôi cũng đã đưa vào chương trình giám sát trong 2 năm 2024 và 2025 trên tinh thần tiếp tục cập nhập các chính sách mới của Trung ương bổ sung vào và sửa đổi, bổ sung những vấn đề mà thực tiễn triển khai còn bất cập. Trong những năm tới, ngoài chính sách này, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để tích hợp giữa các chính sách trong cùng lĩnh vực mà có phân tán, nhỏ lẻ thì chúng tôi sẽ tích hợp lại để trở thành chính sách ở tầm chiến lược, lâu dài, quy mô hơn.
Trên tinh thần “vượt khó”, các địa phương ở miền núi Tây Bắc đã và đang triển khai thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ cùng các chính sách riêng linh hoạt, đảm bảo cho học sinh bán trú vùng khó khăn có điều kiện tốt nhất trên hành trình học chữ, tiếp thu tri thức.
Các địa phương cũng kì vọng những ý kiến, kiến nghị, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách bán trú sẽ được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, các ngành xem xét, điều chỉnh, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc dạy và học của thầy và trò nơi vùng khó nhất cả nước này.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cai-kho-lo-nhung-cach-dieu-chinh-post1073195.vov