Cải lương cần liệu pháp mạnh để hồi sinh
Theo giới chuyên môn, cải lương cần quy hoạch phát triển lâu dài, nhà nước đầu tư vở diễn cho các đơn vị xã hội hóa để các sàn diễn thoát cảnh sáng đèn bấp bênh
Sàn diễn cải lương đang có dấu hiệu khởi sắc, người trong giới gọi vui là "hồi dương", vì sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh trầm kha ế khách, với nhiều suất diễn ăn khách trở lại của các đơn vị cải lương tư nhân. Theo các nhà chuyên môn, nếu không có những liệu pháp hữu hiệu, sàn diễn cải lương khó lòng hồi sinh.
Mừng nhưng lo
Sự nỗ lực của các đơn vị sân khấu cải lương tư nhân thời gian qua cũng được đền bù bằng những suất diễn đầy khán giả. Khán giả có phần háo hức khi đến xem các vở diễn, chương trình cải lương của Sân khấu mới Đại Việt (nhóm Hoàng Song Việt - Triệu Trung Kiên); của Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long (nhóm Bình Tinh - Hoàng Đăng Khoa); Sân khấu Chí Linh - Vân Hà; Sân khấu Vũ Luân - Tú Sương; Thanh Sơn - Minh Tơ; Diễm Thanh; Lê Nguyên Đạt - Sen Việt; chương trình "Trăm năm nguồn cội"; "Ba thế hệ về lại cội nguồn" của Kim Tử Long; "Tài danh đất Việt" của Gia Bảo... Trên thực tế, có vở thắng, có vở thua, có vở bán được 2/3 số lượng vé nhưng đều đặn mỗi tuần có vở, có chương trình được dàn dựng nghiêm túc biểu diễn đều ở các rạp: Trần Hữu Trang, Công Nhân, Hồng Liên, Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Trung tâm Văn hóa Bình Thạnh, Nhà Văn hóa Thanh Niên... Trước sự sáng đèn đều đặn của sân khấu cải lương, nhiều nghệ sĩ phấn khởi cho rằng đó là tín hiệu tốt. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Sân khấu IDECAF, nói: "Cải lương cần được bảo vệ khẩn cấp bằng liệu pháp tập trung định hướng. Tương lai sàn diễn cải lương sẽ như thế nào nếu không có lộ trình mang tính chiến lược do nhà nước, cụ thể là UBND TP HCM hoạch định?".
"Cứ làm tới đâu, tính tới đó mãi sẽ dẫn đến hậu quả sàn diễn có "hồi dương" cũng khó lòng gượng dậy được. Nhìn lại 2/3 các vở được đưa ra sàn diễn đều là vở cũ, khai thác sự hấp dẫn từ hào quang xưa. Trong khi đó, sàn diễn cải lương đang cần quy hoạch, đầu tư" - NSƯT Thanh Điền nói.
Đừng mãi nói suông
Soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng quá nhiều hội thảo, tọa đàm bàn về việc cứu cải lương nhưng rồi lời hứa vẫn còn là lời hứa. "Nghệ thuật cải lương hiện nay cần liệu pháp thật mạnh, có lộ trình hẳn hoi chứ không thể cứ nói suông" - tác giả đầy tâm huyết với sân khấu cải lương này nói.
Vậy liệu pháp mạnh từ đâu? GS Mai Quốc Liên cho rằng: "Nghệ thuật cải lương cần sự sáng tạo đồng bộ, phải viết, diễn, phát huy tâm lý, đề tài như thế nào phù hợp tâm lý con người thời đại ngày nay. Nhất thiết phải có một nơi biểu diễn dành riêng cho sân khấu cải lương và một ban quy hoạch chiến lược đầy năng động. Có làm được, giải quyết được những vấn đề trên mới hy vọng sẽ có sự chuyển biến của sàn diễn cải lương trong thời gian tới".
Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn bức xúc nói rằng đã qua rồi thời cứ trông chờ sự dấn thân của nghệ sĩ. Theo ông, đây là thời điểm đòi hỏi phải có sự quan tâm mạnh mẽ hơn nữa của nhà nước và trông chờ một đội ngũ đầu tàu, ngồi lại với nhau, tìm phương hướng lèo lái vững vàng.
Thị phần khán giả cải lương bị thu hẹp là điều không tránh khỏi trước sự bùng nổ của nhiều loại hình giải trí. Nên theo các nhà chuyên môn, liệu pháp mạnh chính là sự quy hoạch phát triển lâu dài, nhà nước đầu tư vở diễn cho các đơn vị xã hội hóa, tư nhân để các sàn diễn không trong tình cảnh sáng đèn bấp bênh.
Nhạt nhòa vai trò nhà hát công lập
Nhiều năm qua, những bất cập về cơ chế, chính sách, phương thức đầu tư đã không hỗ trợ cho sàn diễn xã hội hóa. Nghệ sĩ bị hạn chế sáng tạo bởi những khó khăn khách quan về môi trường hoạt động, trong khi cải lương công lập được đầu tư nhưng vai trò nhạt nhòa. Chỉ ra những bất cập trong việc sáp nhập từ 3 đoàn còn 2 đoàn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang như hiện nay, soạn giả Hoàng Song Việt nói: "Dồn quá nhiều cô đào chánh về một đoàn, không ai chịu đóng vai phụ. Tất nhiên phí phạm tài năng, bởi vở mới ra đời đồng nghĩa với việc nhiều đào chánh không có vai".
Trên thực tế, quy hoạch đoàn công lập với 23 diễn viên trẻ được đào tạo chính quy, cấp lương biên chế để họ gắn bó với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là một sự hào phóng của nhà nước. Nhưng nhìn lại trong số 23 diễn viên trẻ, có bao nhiêu người thật sự làm được nghề?
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/cai-luong-can-lieu-phap-manh-de-hoi-sinh-20190729210323586.htm