Cải lương: Hào quang và tiếc nuối
Hy vọng mới cho nghệ thuật ca trù
(HNMCT) - Hơn 100 năm từ khi được khai sinh đến nay, nghệ thuật cải lương đã trở thành một phần trong tâm hồn của người dân Nam Bộ nói riêng và người yêu cải lương cả nước nói chung. Tuy nhiên, khi xuất hiện trong những tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại gần đây, câu chuyện về cải lương vẫn chủ yếu là niềm hoài vọng, thương nhớ một thời vàng son với những day dứt khôn nguôi.
NSND Lệ Thủy và con trai - ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Dương Đình Trí.
Lời rằng “một kiếp” cũng là lời chung
NSND Lệ Thủy vừa ra mắt công chúng hồi ký NSND Lệ Thủy - Một kiếp cầm ca, sinh ra để hát. Nhưng không giống với hồi ký của các nghệ sĩ liên tiếp ra mắt thời gian gần đây, nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương này đã chọn làm hồi ký theo một cách rất hiện đại: Làm bằng hình ảnh và phát sóng trên YouTube thành nhiều tập để có thể tiếp cận đến công chúng nhiều hơn và cũng dễ tra cứu hơn. Toàn bộ cuộc đời cầm ca của NSND Lệ Thủy sẽ được gói vào 32 tập phim, mỗi tập trên dưới 60 phút. Ở góc độ thời lượng mà nói, đây quả là một công trình đồ sộ, kỳ công hơn nhiều so với những cuốn hồi ký thông thường. Và khi xem tập đầu tiên ra mắt trên YouTube sáng 1-12 vừa qua, khán giả có thể thấy hết sự kỳ công của ê kíp để khắc họa chân dung một nghệ sĩ, nhưng cũng là bức tranh chung của nghệ thuật cải lương 60 năm qua.
60 năm trước, Lệ Thủy giống như hầu hết các đào, kép cùng thời, đều trải qua một tuổi thơ cơ cực, nhờ giọng ca được gia nhập gánh hát, nhận những người thầy đi trước là ba, má và bắt đầu những tháng ngày lang thang, rong ruổi đi diễn khắp các tỉnh miền Nam. Rồi cô đào tài sắc ấy đã tỏa sáng, chiếm trọn hào quang sân khấu trong suốt mấy chục năm. Những năm 1980 đến tận cuối những năm 1990, nghệ thuật cải lương được hâm mộ cuồng nhiệt ở khắp cả nước và những nghệ sĩ cải lương miền Nam thực sự trở thành “sao” trong mắt công chúng. Hình ảnh, băng đĩa của họ được săn đón khắp nơi. Tiếng hát cải lương của các nghệ sĩ như NSND Lệ Thủy đã truyền lửa đến nghệ sĩ ở nhiều vùng miền, tạo nên thời hoàng kim thật sự của sân khấu cải lương khắp cả nước. Nhưng rồi sau đó, nghệ thuật cải lương dần dần không còn giữ được sức nóng như trước, các đoàn hát hết thời, nghệ sĩ cũng không tránh khỏi những cuộc đổi thay mang tính quy luật...
NSND Lệ Thủy chia sẻ khi ra mắt hồi ký rằng: “Với riêng gia đình chúng tôi, hồi ký đó như là một gia tài để lưu lại giọng hát, hình ảnh, những kỷ niệm đẹp trong đời đi hát của tôi để con cháu trong nhà sau này có dịp coi lại biết ông bà mình đã có một thời như thế”. Mặc dù là hồi ký bằng hình ảnh của một cá nhân nghệ sĩ, song chắc chắn đây cũng sẽ là tư liệu quý về nghệ thuật cải lương nói chung qua 60 năm. “Cải lương phong ba giữa chợ đời/ Đời ta trọn kiếp đa mang/ Con tằm vương tơ qua bao thăng trầm của nghiệp cầm ca/ Nước mắt vinh quang ơn đời ban cho tiếng hát, lời ca”... Những lời ca tự sự của NSND Lệ Thủy mở đầu tập phim về đời mình cũng là lời chung cho các nghệ sĩ cùng thế hệ, cũng như một thời đầy biến động của nghệ thuật cải lương nói chung.
Hoài niệm và...?
Dù trong hồi ký của NSND Lệ Thủy chủ yếu là “nốt vui” vì bà là nghệ sĩ may mắn khi tài năng được tỏa sáng, được công chúng yêu thương đến tận sau này và có một đời sống riêng tư hạnh phúc, nhưng cảm xúc hoài niệm, tiếc nuối vẫn là điều khó tránh khỏi khi nhắc về một giọng ca vàng son quá vãng. Đó là cảm giác chung của những người yêu mến cải lương, từng biết đến thời hoàng kim và chứng kiến những thờ ơ của phần đông khán giả hiện tại. Đồng điệu với đó là hình ảnh những nghệ sĩ cải lương, gánh hát luôn phải day dứt với gánh nặng cơm áo trong bộ phim vừa đoạt giải Bông sen Vàng Song Lang cứ ám ảnh người xem.
NSND Thanh Hương, diễn viên của Nhà hát Cải lương Hà Nội, một nghệ sĩ con nhà nòi, trải qua đủ thăng trầm với cải lương, cũng từng xuýt xoa rằng: “Khó khăn hiện nay là khó khăn chung của sân khấu truyền thống, không riêng gì cải lương nhưng nhiều khi đi diễn, thấy vắng khán giả chúng tôi vẫn cứ buồn tủi lắm. Còn về đời sống, nghệ sĩ truyền thống hầu như ai cũng phải “chân ngoài dài hơn chân trong”, làm đủ việc để kiếm sống”.
Trong cuốn Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp mới ra mắt, 24 nhân vật - những người mà tên tuổi nhắc đến thôi là đã đủ gợi lên cả một thời kỳ sân khấu trong lòng khán giả yêu cải lương như: Trần Ngọc Giàu, Kim Cương, Kim Tử Long... - đã kể cách mà họ bị cải lương lay động. Từ ký ức của họ, đời sống cải lương hiện ra thật và đẹp, nhưng sau cùng vẫn là những tiếc nuối. Họ hy vọng cải lương sẽ tìm lại được hào quang của mình bằng những tác phẩm thực sự chất lượng.
Đã qua thời kỳ đẹp nhất, vậy cải lương hôm nay sẽ là gì ngoài những tiếc nuối và khó khăn? Câu trả lời chắc chắn không dễ nhưng với những lay động mà các tác phẩm lấy cảm hứng từ nghệ thuật cải lương đang mang lại cho công chúng trong thời gian qua, hy vọng sẽ vẫn tiếp tục có những nghệ sĩ, khán giả “chậm lại” để đồng cảm, để cùng nhau vực dậy cải lương. Đặc biệt, loại hình kịch hát này, theo Giáo sư Trần Văn Khê, từ tên gọi đã mang ý nghĩa của một sự đổi mới cho tốt hơn, cải cách cho tốt hơn. Với ý nghĩa ấy, không có lý gì chúng ta không mong đợi sự hồi sinh của cải lương trong đời sống nghệ thuật nước nhà.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/952658/cai-luong-hao-quang-va-tiec-nuoi