Cải tạo chung cư cũ: Hà Nội không ngồi yên chờ cơ chế
Theo ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), hiện nay, đã có tổng số 401 chung cư cũ được kiểm định, tương đương với tổng số chung cư cũ trên TP.HCM.Theo ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), hiện nay, đã có tổng số 401 chung cư cũ được kiểm định, tương đương với tổng số chung cư cũ trên TP.HCM.
Không ngồi yên chờ cơ chế
Tại buổi tọa đàm trực tuyến: "Cải tạo chung cư cũ: Cần một tư duy mới " do Báo Tiền phong tổ chức,ông Bùi Tiến Thành – Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, thành phố Hà Nội đang hoàn chỉnh các cơ chế chính sách, giải quyết cải tạo chung cư cũ để đảm bảo mục tiêu an toàn cho người dân trên cơ sở lợi ích chung của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.
Theo quy định thì chỉ lập kế hoạch đối với chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm cấp độ D. Đến nay, thành phố đã triển khai 32 dự án cải tạo chung cư cũ trên tổng số hơn 1.500 chung cư cũ trên địa bàn. Trong đó, 18 dự án hoàn thành đi vào sử dụng, có 14 dự án đang triển khai.
Hiện có 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại các chung cư thấp tầng và các khu tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội với nhiều đơn vị có tiềm lực kinh tế. Việc các doanh nghiệp đồng ý tham gia lập quy hoạch cải tạo chung cư cũ là tín hiệu đáng mừng và có thể tạo bước ngoặt trong vấn đề này.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh
"Hiện nay, đã có tổng số 401 chung cư cũ được kiểm định, tương đương với tổng số chung cư cũ trên TP.HCM. So sánh như vậy để thấy Hà Nội không ngồi yên chờ cơ chế chính sách hay chờ doanh nghiệp mà đã chỉ đạo các sở ngành tổ chức rà soát, kiểm định" - ông Bùi Tiến Thành cho biết.
Theo thống kê sau kiểm định, có 8 chung cư cũ nguy hiểm mức độ D. 2 chung cư cũ đưa vào sử dụng là C1 Thành công và D6 Giảng võ. Thành phố cũng đã bố trí đủ quỹ nhà tạm cư cho các hộ còn lại di dời.
Theo quan điểm của ông Dương Minh Nghĩa, Trưởng phòng Giám định 2 (Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) cho rằng, nên phân tách rõ các đối tượng để xem xét. Đối với những công trình của Nhà nước như tập thể cũ, đã xuống cấp ảnh hưởng đến cộng đồng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội thì Nhà nước phải có trách nhiệm quan tâm và có hướng tháo gỡ.
Cần những phương án "cách mạng"
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phẩn Đầu tư BĐS Toàn cầu (GP. Invest) cho rằng, cần những phương án "cách mạng", có chính sách đặc thù, ưu đãi riêng thì mới có thể giải tỏa được những khu chung cư mang tính phức tạp. Không chỉ kiểm định về chất lượng chung cư mà cả tính phức tạp của dự án cải tạo.
Việc cải tạo chung cư cũ hiện nay không có công cụ pháp lý nên gặp nhiều khó khăn, bế tắc. Quốc hội, Chính phủ cần có văn bản quy định mang tính đặc thù. Nếu không thì chúng ta chỉ bàn rồi để đó. Cần thành lập ban riêng cải tạo chung cư cũ, lấy ý kiến của các ban ngành chuyên môn tham vấn. Chỉ có như vậy mới mong giải quyết triệt để vấn đề này.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cần phải nâng tầm nhận thức của người dân, lãnh đạo các cấp, lãnh đạo nhà nước về cải tạo chung cư cũ. Công cụ cần thiết là phải có một Nghị quyết, Quyết định thí điểm của Quốc hội.
Thứ hai, cần phải xây dựng đề án kiểm định để xây dựng kế hoạch, có cách nhìn tổng thể chứ không phải chỉ dựa vào tiêu chí về an toàn, để thí điểm cải tạo chung cư cũ. Thứ ba, Hà Nội nên thí điểm một mô hình cải tạo chung cư cũ bằng ngân sách, chứ đừng qua doanh nghiệp.
"Phải lập quy hoạch trên cơ sở 3 mô hình đề xuất nêu trên, sớm xây dựng các khu tái định cư thích hợp. Lựa chọn chủ đầu tư trên cơ sở hài hòa lợi ích, trên địa bàn toàn thành phố chứ không phải chỉ ở các khu vực nội đô" - KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm./.
Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương sử dụng ngân sách thành phố để triển khai việc kiểm định, đánh giá chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô ngay trong năm 2021. Thành ủy Hà Nội cũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố sớm đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu thành phố báo cáo các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Hà Nội.