Cải tạo, sửa chữa công trình thủy lợi, đê điều: Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm vượt lũ
Với quyết tâm bảo đảm an toàn các công trình trong mùa mưa bão, những ngày này, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung phương tiện, vật tư và nhân lực xây dựng công trình thủy lợi cũng như khắc phục các sự cố về đê điều. Cùng với hoàn thành các hạng mục qua đê, chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành cũng xây dựng phương án thoát lũ.
“4 tăng” trên công trường
Dọc tuyến đê tả Thương, hữu Lục Nam, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp trạm bơm. Do các dự án đều được khởi công từ cuối năm 2021 và làm cống qua đê nên những ngày qua, nhà thầu đẩy nhanh thi công hạng mục này.
Tại dự án cải tạo, nâng cấp Trạm bơm Khám Lạng (Lục Nam - Bắc Giang), để hoàn thành cống xả qua đê trong tháng 4, nhà thầu huy động gần 50 công nhân và làm thêm giờ.
Đến nay đã hoàn thành hạng mục này, đang tập trung đắp hoàn trả phần thân cống. Tương tự, để hoàn thành cống qua đê thuộc dự án xây mới Trạm bơm Cống Chản, xã Yên Sơn (Lục Nam) xong trước ngày 30/4, Công ty TNHH xây dựng Tự Lập (Phú Thọ) đang thực hiện phương châm “4 tăng” trên công trường (tăng ca, tăng người, tăng hiệu quả và tăng chế độ).
Từ ngày 1/4, công ty bố trí 120 lao động cùng 15 phương tiện thi công 24/24 giờ. Anh Nguyễn Việt Hà, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: “Do thời gian đầu bị vướng giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến tiến độ. Với quyết tâm hoàn thành đúng mục tiêu đề ra, chúng tôi phát động thi đua giữa các tổ đội và sẽ khen thưởng dịp Quốc tế lao động”.
Không chỉ tại các dự án, nhiều sự cố về đê điều, công trình thủy lợi cũng được các đơn vị phát hiện, tập trung khắc phục. Ví như để khắc phục sự cố sạt mái trong, ngoài kênh Giữa, đoạn qua thị trấn Vôi (Lạng Giang), Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bắc Sông Thương vừa đầu tư 450 triệu đồng để đắp áp trúc, tôn cao bờ kênh, đóng cọc tre gia cố mái ngoài.
Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cũng có phương án khắc phục sự cố sạt trượt chân, mái kè khu vực đò Mom đoạn từ K14+550 đến K14+700 đê hữu Thương, xã Liên Chung (Tân Yên). Theo đó cùng với thực hiện xử lý giờ đầu bằng biện pháp cắm biển cảnh báo khu vực sạt trượt mái kè; cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt trượt, chi cục lên phương án xử lý và chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để chủ động khi sự cố diễn biến xấu.
Ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Hiện chúng tôi đã xây dựng phương án xử lý khẩn cấp với giải pháp thả đá hộc tạo cơ hộ chân chống sạt trượt. Khi phương án được phê duyệt, chúng tôi sẽ triển khai ngay, bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão”.
Chủ động phương án ứng phó với tình huống xấu
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, năm 2022 tình hình thiên tai sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng xuất hiện bão mạnh, trái quy luật cao, lượng mưa có xu hướng tăng trên phạm vi toàn quốc.
Để củng cố các công trình, từ cuối năm 2021, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh khởi công xây dựng 17 công trình trên đê, liên quan đến công tác tiêu, thoát lũ. Đến nay, các nhà thầu đã hoàn thành 4 dự án xử lý cấp bách cống qua đê, sẵn sàng đưa vào vận hành trong mùa mưa bão.
Tuy nhiên tại các dự án trạm bơm, dù đã hoàn thành phần cống qua đê song do chưa lắp đặt máy bơm nên nguy cơ ngập úng cao khi có mưa lớn. Mới đây qua kiểm tra, rà soát và đánh giá hiện trạng chi tiết từng hạng mục công trình thủy lợi, tổ công tác Sở Nông nghiệp và PTNT phát hiện nhiều điểm hư hỏng ảnh hưởng đến chất lượng, mức độ an toàn.
Ông Phạm Đình Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Sông Thương nói: “Đối với 3 trạm bơm do Công ty quản lý đang được xây mới, cải tạo, nâng cấp, nhà thầu đã cho lắp đặt các máy bơm phụ song do công suất chưa bảo đảm trong khi dự báo lượng mưa sẽ tăng nên nguy cơ ngập úng cao”.
Cuối năm 2021, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh khởi công xây dựng 17 công trình trên đê, liên quan đến công tác tiêu, thoát lũ. Đến nay, các nhà thầu đã hoàn thành 4 dự án xử lý cấp bách cống qua đê, sẵn sàng đưa vào vận hành trong mùa mưa bão.
Thực tế để chủ động ứng phó thiên tai và tiêu thoát lũ, cùng với rà soát các công trình, Chi cục Thủy lợi phối hợp với các đơn vị quản lý, KTCTTL tính toán phương án vận hành an toàn công trình và vùng hạ du; thành lập đoàn công tác, phối hợp với địa phương, doanh nghiệp rà soát phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp.
Các Công ty KTCTTL đã vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước; bố trí đầy đủ vật tư thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành.
Với trách nhiệm của mình, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh yêu cầu các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tập trung tối đa nhân lực, phương tiện thi công; báo cáo tiến độ cũng như những khó khăn vướng mắc theo từng ngày.
“Hiện các dự án cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Chúng tôi đang phối hợp với đơn vị vận hành, quản lý trạm bơm tính toán, bổ sung thêm máy bơm dự phòng, xây dựng phương án ứng phó với tình huống xấu”, ông Nguyễn Bình Dương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh cho biết.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết