Cải tạo vườn tạp nâng cao thu nhập
Trên cơ sở Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 1.12.2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Cải tạo vườn tạp (CTVT), phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”, BCH Đảng bộ huyện Bắc Quang ban hành Chương trình số 05-CTr/HU, ngày 26.2.2021 về thực hiện Nghị quyết số 05, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên để triển khai tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.
Để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, huyện Bắc Quang tập trung tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình CTVT. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội để vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng trở thành phong trào thi đua, làm lan tỏa sâu rộng việc CTVT trong toàn huyện. Đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, vai trò của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện phong trào CTVT, phát triển kinh tế hộ. Đưa chương trình CTVT vào nghị quyết của cấp ủy các cấp; có trong kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm hàng năm của chính quyền địa phương. Từ đó, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc, hướng dẫn người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo CTVT bằng những việc làm thiết thực. Trong 2 năm đã tổ chức tuyên truyền 732 buổi với 34.415 lượt người nghe. Nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện về chương trình CTVT; quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia thực hiện; nội dung và các hạng mục mà hộ gia đình thực hiện.
Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nghiêm túc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND bằng những hình thức tuyên truyền phong phú: Hàng năm, các tổ chức đoàn thể huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động thực hiện nghị quyết với nhiều hình thức phù hợp với từng thời điểm, từng địa phương cùng với đó là giám sát việc thực hiện nghị quyết đã được thực hiện thường xuyên, từ đó đã tạo được sự đồng thuận trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân chuyển biến tích cực.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm được chú trọng. Huyện đã chỉ đạo Tổ thẩm định, tư vấn cho các hộ nghèo, cận nghèo thực hiện Đề án CTVT của huyện tổ chức được 15 lớp với 310 người tham gia với hình thức tập huấn ngoài hiện trường FFS (cầm tay chỉ việc). Nội dung tập huấn chủ yếu về kỹ thuật sản xuất thâm canh cây trồng cho nhân dân gắn với tổ chức tham quan học hỏi các mô hình điển hình giữa các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để áp dụng vào tổ chức sản xuất. Hướng dẫn các hộ CTVT, sắp xếp lại vườn hộ, cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi; trồng các loại cây, con ngắn ngày như rau, củ, quả, nấm, cây dược liệu; phát triển chăn nuôi lợn, dê, gia cầm, thủy sản; hỗ trợ giống cây, con, khoa học kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, có liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại cấu trúc không gian vườn hộ một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với quy mô thực tiễn từng hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn “xanh - sạch - đẹp”. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, công tác chỉ đạo việc CTVT gắn với chuyển đổi số trong sản xuất được cấp ủy, chính quyền huyện rất quan tâm. Qua đó đã có một số mô hình triển khai đạt hiệu quả, như: Chăn nuôi gà thương phẩm của hộ ông Nguyễn Thành Luân, thôn Kè Nhạn, xã Đồng Yên với quy mô trên 1.500 con; mô hình liên kết trồng sả chiết xuất tinh dầu của các hộ tại xã Quang Minh với quy mô trên 5,5 ha...
Nhìn chung, các hộ thực hiện CTVT (đặc biệt đối với các hộ được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 58) đã và đang hình thành tư duy sản xuất mới thay thế cho tư duy, nhận thức, phong tục sản xuất thuần túy. Thu nhập từ CTVT tăng dần từ việc chăn nuôi như gà, lợn, cá… và cải thiện bữa ăn từ chính vườn rau gia đình. Việc áp dụng cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực được đẩy mạnh. Trong đó, lồng ghép các nguồn vốn được phân cấp, như: Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác, kinh phí từ nguồn vận động xã hội hóa.
Sau hơn 2 năm triển khai, toàn huyện có 412 hộ đăng ký thực hiện CTVT với tổng diện tích thực hiện các hạng mục 304.521m2. Trong đó, số hộ được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 58 là 160 hộ, số hộ không được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 58 là 252 hộ. Tổng nguồn vốn giải ngân theo Nghị quyết số 58 là 4.800 triệu đồng, cùng với đó, huyện còn huy động nguồn lực từ xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trên 348 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn huy động nhân dân hỗ trợ 4.344 ngày công CTVT. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp có tiến triển tốt, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202308/cai-tao-vuon-tap-nang-cao-thu-nhap-21737ce/