Cái tên nổi bật có thể 'thâu tóm' Fed nếu ông Trump muốn 'thay tướng giữa dòng'
Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa công khai bày tỏ sự không hài lòng với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell và để ngỏ khả năng thay thế ông, bất chấp những tranh cãi pháp lý và cảnh báo hậu quả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Jerome Powell, người được ông đề cử làm chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, tại Nhà Trắng năm 2017. (Nguồn: NYT)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống để đảo ngược các chuẩn mực lâu đời, từ việc sa thải các ủy viên của các cơ quan độc lập đến việc tăng thuế đối với các đồng minh và đối thủ của Mỹ.
Nhưng có một ranh giới mà ông chưa vượt qua: Sa thải người đứng đầu ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, tuần này, những diễn biến mới đã làm dấy lên lo ngại rằng ông Trump có thể thực hiện bước đi từng không thể tưởng tượng được là sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell.
Động thái thay đổi
Ông Donald Trump hiện chưa đưa ra bước đi chính thức nào nhằm thay thế ông Powell. Tuy nhiên, ông đã lần lượt sa thải các ủy viên thuộc các cơ quan độc lập nằm trong nhánh hành pháp, như Ủy ban Thương mại Liên bang và Ban Quan hệ lao động quốc gia.
Những động thái này được đánh giá là thách thức tiền lệ pháp lý gần một thế kỷ. Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ trong vụ án nổi tiếng có tên "Humphrey's Executor kiện nước Mỹ", Tổng thống Franklin D. Roosevelt khi đó không thể cách chức người đứng đầu một cơ quan độc lập nếu không có lý do chính đáng như sao nhãng nhiệm vụ hoặc hành vi sai trái.
Dù vậy, hôm 18/4, ông Trump đã đăng một bài chỉ trích trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social, chỉ trích Chủ tịch Fed là luôn "quá muộn và sai" về việc cắt giảm lãi suất, đồng thời nói thêm rằng "Việc sa thải Powell chưa diễn ra đủ nhanh!".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, chính quyền bắt đầu phỏng vấn các ứng viên thay thế ông Powell vào mùa Thu tới. Động thái này làm dấy lên suy đoán rằng ông Trump có thể tìm cách thúc đẩy ông Powell rời nhiệm sở sớm hơn thời hạn tháng 5/2026.
Dù nhiều chuyên gia cho rằng Tổng thống không có thẩm quyền sa thải Chủ tịch Fed chỉ vì khác biệt chính sách, ông Trump vẫn khẳng định sẵn sàng phá vỡ tiền lệ, ngay cả khi điều đó có thể khiến thị trường rúng động.

Ông Kevin Warsh. (Nguồn: Washington Post)
Ứng viên hàng đầu và quan điểm cứng rắn
Cái tên đang nổi bật trong danh sách kế nhiệm là ông Kevin Warsh, cựu thống đốc Fed dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông Warsh từng được xem là lựa chọn tiềm năng cho vị trí Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Fed ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Nhiều nguồn tin cho rằng việc bổ nhiệm ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính cũng nhằm “mở đường” cho ông Warsh.
Ở tuổi 55, ông Warsh sở hữu lý lịch dày dặn với vai trò Phó Chủ tịch Morgan Stanley, trợ lý đặc biệt về chính sách kinh tế tại Nhà Trắng và thành viên Hội đồng Thống đốc Fed trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông từng từ chức năm 2011 vì phản đối chính sách nới lỏng định lượng của Fed.
Hiện ông Warsh là nghiên cứu viên tại Viện Hoover và giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Stanford.
Ông Warsh cho rằng lạm phát tăng cao những năm gần đây là hệ quả của việc chi tiêu chính phủ quá mức và Fed in tiền ồ ạt. Trái với các nhà kinh tế chính thống, ông không cho rằng nguyên nhân chính đến từ cú sốc cung - cầu hậu đại dịch.
Nhiều lần chỉ trích Fed dựa trên yếu tố chính trị trong hoạch định chính sách, ông đồng thời cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump cần siết chặt chi tiêu để kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell làm chứng trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện tại Tòa nhà Văn phòng Rayburn trên Đồi Capitol vào ngày 12/2. (Nguồn: Getty Images)
Lo ngại từ châu Âu
Không chỉ gây tranh cãi tại Mỹ, ý tưởng thay Chủ tịch Fed càng khiến các đồng minh lo ngại. Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard cảnh báo nếu ông Trump sa thải ông Powell, uy tín của đồng USD sẽ suy giảm, lãi suất trái phiếu tăng và nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với những bất ổn nghiêm trọng hơn.
Ông Lombard nhấn mạnh, chính sách thương mại cứng rắn của ông Trump đã làm tổn hại lòng tin vào đồng USD và bất kỳ sự can thiệp chính trị nào vào Fed cũng sẽ khiến tình hình thêm khó lường.
Hiện vẫn chưa rõ ông Trump có thực sự muốn ông Powell rời vị trí ngay lập tức hay đợi đến khi kết thúc nhiệm kỳ. Theo cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett, Tổng thống đang “xem xét tất cả các khả năng”.
Hệ lụy nghiêm trọng
Tương lai lãnh đạo của Fed cùng với đó đó là định hướng chính sách tiền tệ của Mỹ, có thể sẽ sớm chứng kiến một bước ngoặt lớn – nếu ông Trump quyết tâm “thay tướng giữa dòng”.
Tuy nhiên, ngay cả khi Tòa án Tối cao Mỹ bật đèn xanh cho Tổng thống quyền sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), hành động này vẫn có thể kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng.
Theo The Wall Street Journal (16/4), việc trao quyền sa thải Chủ tịch Fed cho Tổng thống sẽ làm suy yếu tính độc lập của ngân hàng trung ương, biến cả bảy thành viên Hội đồng Thống đốc – bao gồm cả Chủ tịch – trở thành những vị trí do Tổng thống “toàn quyền bổ nhiệm”, tương tự như Bộ trưởng Tài chính. Hệ quả, chính sách tiền tệ sẽ không còn phản ánh thuần túy đánh giá của Fed về các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, việc làm hay ổn định tài chính, mà chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các ưu tiên chính trị của Nhà Trắng.
Giới phân tích cảnh báo, kịch bản này có thể làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của Fed – ngân hàng trung ương quyền lực bậc nhất thế giới – vốn được đánh giá cao nhờ khả năng vận hành độc lập khỏi các sức ép chính trị. Đây cũng chính là nền tảng giúp nhà đầu tư toàn cầu duy trì lòng tin vào đồng USD – đồng tiền dự trữ hàng đầu hiện nay.
Vào thời điểm mà thuế quan của ông Donald Trump đang khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao và giáng một đòn mạnh vào uy tín cũng như niềm tin vào Mỹ với tư cách là đối tác thương mại và là quốc gia hàng đầu thế giới, việc làm suy yếu tính độc lập của Fed có thể khiến các quốc gia tìm cách phi USD hóa, tức là tìm kiếm một loại tiền tệ dự trữ mới.