Cái thanh tao mà tình tứ trong món ăn xứ Huế

Người Huế là những đầu bếp tài hoa. Chỉ với dăm ba thứ nguyên liệu rẻ tiền đã có thể biến thành đặc sản, chứ đâu phải tôm hùm, cua bể.

 Được chế biến từ những nguyên liệu dễ tìm, gần gũi nhưng món ăn xứ Huế vẫn mê đắm thực khách. Ảnh: V.W.

Được chế biến từ những nguyên liệu dễ tìm, gần gũi nhưng món ăn xứ Huế vẫn mê đắm thực khách. Ảnh: V.W.

[…]

Xét về lịch sử thì có lẽ Huế là cái xứ hay gặp thiên tai. Mỗi lần lũ lụt không những chết trâu, chết bò mà tới người cũng muốn chết vì đói. “Tháng bảy nước nhảy lên bờ”, lâu ngày miền Trung được gọi là “rốn lũ” của Việt Nam. Thiên tai nhiều thế thì dẫu có đất vua, có Chúa Tiên [1], Chúa Hiền [2], dân cũng không thể giàu có được. Nhưng phàm đã là đất kinh kỳ thì ăn uống cứ phải đàng hoàng, cái khó ló cái khôn buộc người ta phải sáng tạo.

Người Huế bắt đầu nhặt nhạnh những nguyên liệu cực rẻ tiền mà làm nên một mâm cỗ tiến vua. Mỗi lần ăn cơm Huế tôi đều phải nhớ một cảnh trong phim truyền hình kinh điển Nàng Dae Jang Gum của điện ảnh Hàn Quốc với những màn trình diễn ẩm thực ngoạn mục.

Là đêm hôm ấy, cô bé Dae Jang Gum và người bạn nhỏ đột nhập vào khu bếp của nhà vua rồi làm đổ toàn bộ nguyên liệu xuống sàn. Đúng lúc ấy thì Mama Choi xuất hiện và hốt hoảng vì bữa đêm của hoàng thượng đang ngổn ngang trên nền đất. May làm sao còn ít bột mì là chưa bị đổ. Mama Choi mới nghĩ ra một món chỉ cần có bột và chút đường, thêm tẹo gừng nữa thì phải. Một món ăn mới ra đời, ngon chả kém thực đơn đã lên sẵn cho đức vua.

Ẩm thực tiến vua của người Huế cũng chả khác nào. Từ dăm thức đầu thừa đuôi thẹo mà mấy o mấy dì xứ Huế cũng “nặn” ra được một mâm cỗ linh đình. Dân ăn thấy ngon thì vua cũng đòi ăn nữa chứ.

Đến lần thứ ba vô Huế tôi mới tình cờ bắt gặp bún nghệ xào lòng, rồi cứ như “tiếng sét ái tình” về Hà Nội lâu rồi mà ngẩn ngơ thương nhớ. Là bữa ấy tôi đi chợ Đông Ba mua vải áo dài. Vào chợ Đông Ba không sờ sợ như khi “lỏn” tới chợ Đồng Xuân để bắt gặp những ánh mắt sắc lẹm, lạnh băng của kẻ chợ, cũng chẳng ngài ngại giống ghé chợ Bến Thành, người bán cười dịu dàng mà ẩn nấp những gì khó đoán định.

Nơi này người ta chân thành lắm, bán mua cũng mộc mạc chi đâu, khách lượn qua ngắm nghía hỏi han chả mua chi cũng làm vui cho chợ, còn lâu mới bị đốt vía và rủa “đồ dở hơi”...

Vừa hôm qua đấy thôi, chiếc xe chở tôi húc vào một cô gái. Anh lái xe vội vã xuống đỡ. Tôi cũng nhao xuống. Những người đi cùng ngồi rúm trên xe, sợ xuống cái nhỡ đâu bị “quýnh”. Tôi thì biết Huế rõ quá rồi nên mới dám mò xuống. Một đám tụ tập xung quanh, họ hỏi han, chăm sóc cô gái đang bị tróc hết cả đầu gối, chờ đến khi chồng cô xuất hiện, đưa về rồi mới yên tâm bỏ đi.

Anh lái xe đưa chút tiền bông băng cho người chồng mà họ bảo không sao đâu, không cần đâu. [...]

Mua vải áo xong rồi mới nom bún nghệ và lòng xào được trữ trong hai cái chậu nhôm nhìn ngon mắt. Tôi chọn đại hàng của o Tý vì thấy có mấy cô cậu học trò cũng xúm xít trên ghế đẩu.

Dân Huế đi ăn còn thuộc tên từng người bán, thành thử vỉa hè sẽ chạy dọc những biển hiệu tự xưng theo cách khách hàng gọi như: Bánh canh o Bé, Bún riêu cua o Tâm, Bún nghệ dì An, Bún thịt nướng bà Tý, Bún bò ông Vọng, Chè ông Lạc, Bánh bèo mệ Lé, Bánh my chị Đấu. Thành thử ăn tiệm mà cứ thân quen như sang nhà hàng xóm ăn chực.

Gánh hàng của o Tý chẳng có tên nhưng ăn xong thấy ngon thì tôi hỏi: “Cô cho cháu xin tên”. - “O Tý”. Ha ha, họ tự xưng O như vậy đấy.

[1] Chúa Tiên: Nguyễn Hoàng hay Nguyễn Thái Tổ là vị chúa Nguyễn đầu tiên dặt nền móng cho triều Nguyễn.

[2] Chúa Hiền: Nguyễn Phúc Tần hay Nguyễn Thái Tông là vị chúa thứ tư.

Di Li/ Thái Hà Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/cai-thanh-tao-ma-tinh-tu-trong-mon-an-xu-hue-post1462835.html