Cải thiện các chỉ số thành phần, nâng cao thứ hạng PCI 2024

Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2023, tỉnh Lào Cai đạt 67,38 điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, giảm 15 bậc so với năm 2022 (11/63). Bên cạnh đó, xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI 2023) lần thứ hai được VCCI công bố, Lào Cai xếp ngoài top 30.

Nhiều chỉ số thành phần giảm

Trong 10 chỉ số thành phần của PCI có đến 6 chỉ số Lào Cai bị giảm điểm so với năm 2022. Đó là các chỉ số: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự.

Lào Cai cũng có 4 chỉ số có sự cải thiện so với năm trước đó là chỉ số: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Tuy nhiên sự tăng điểm ở các chỉ số này không đáng kể, không đủ bù đắp sự giảm điểm ở các chỉ số quan trọng.

Tổng điểm PCI Lào Cai năm 2023 đạt 67,38, xét về tổng thể, đây không phải là điểm số thấp bởi so với cách đây 10 năm, PCI Lào Cai đã tăng 7,95 điểm (năm 2013 là 59,43 điểm), tuy nhiên trong bối cảnh các địa phương trong cả nước đều nỗ lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh và có sự bứt phá mạnh mẽ trên bảng xếp hạng thì sự cải thiện chỉ số của Lào Cai đang diễn ra chậm hơn.

Vị trí thứ 26 trên bảng xếp hạng PCI 2023 cũng là một trong những thứ hạng thấp nhất của Lào Cai trong nhiều năm qua, đứng thứ 5 trong khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (sau Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên).

Trong khi đó, theo xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, Lào Cai cũng giảm thứ hạng đáng kể, từ vị trí thứ 10 năm 2022, năm nay Lào Cai xếp ngoài top 30 tỉnh, thành cả nước. Chỉ số PGI được xây dựng trên 4 chỉ số thành phần bao gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; thúc đẩy thực hành xanh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Trong các chỉ số này, so với năm 2022, tổng điểm của Lào Cai đạt 19,44 điểm, tăng 3,26 điểm so với năm 2022 (16,18 điểm), tuy nhiên, so với các tỉnh, thành ở top trên khoảng cách còn khá xa. Cụ thể: Quảng Ninh có tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần cao nhất, dẫn đầu bảng xếp hạng với 26 điểm. Các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng (25,66 điểm), Đồng Nai (24,71 điểm), Hưng Yên (24,59 điểm) và Thành phố Hồ Chí Minh (24,2 điểm. Chỉ số của Lào Cai có những chỉ số thành phần chỉ đạt 4,28 trên thang điểm 10 (chỉ số Thúc đẩy thực hành xanh).

Cần tạo ra lợi thế cạnh tranh mới

Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết bảng xếp hạng PCI năm 2023 phản ánh khách quan những gì doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại Lào Cai.

Mặc dù có những chỉ số tăng điểm nhưng tổng điểm PCI của Lào Cai lại tăng chậm so với nhiều địa phương trên cả nước. Điều này cho thấy Lào Cai tiến một bước thì các địa phương khác đã đi được 4 - 5 bước, nếu không có những bước cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, Lào Cai sẽ bị bỏ lại phía sau.

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm giá thuê đất tại các khu công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tuy nhiên sự thay đổi này chưa theo kịp các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Lào Cai có ít lợi thế cạnh tranh về hạ tầng, vị trí địa lý, vì vậy, sự hỗ trợ doanh nghiệp cần phải thực sự rõ nét để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới.

Mặc dù có những chỉ số tăng điểm nhưng tổng điểm PCI của Lào Cai lại tăng chậm so với nhiều địa phương trên cả nước. Điều này cho thấy Lào Cai tiến một bước thì các địa phương khác đã đi được 4 - 5 bước, nếu không có những bước cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, Lào Cai sẽ bị bỏ lại phía sau.

...

Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh khi đến đầu tư kinh doanh tại Lào Cai vẫn là tiếp cận đất đai, điều này phần nào giải thích điểm chỉ số tiếp cận đất đai giảm từ 7,62 điểm (năm 2022) xuống 6,69 điểm. Các rào cản liên quan đến thủ tục đất đai bao gồm: Thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dài hơn so với thời gian quy định; cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và quy trình; thủ tục giải quyết không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định.

Ông Nguyễn Huy Long cho biết, việc giải quyết các thủ tục đất đai để có mặt bằng sản xuất - kinh doanh đang tồn tại nhiều điểm nghẽn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục đất đai.

Chỉ số tính năng động của chính quyền giảm điểm từ 7,66 (năm 2022) xuống còn 6,63 cũng là một điều đáng chú ý bởi Lào Cai từ trước đến nay luôn được đánh giá cao ở chỉ số này. Trước đây, Lào Cai nổi tiếng với các khẩu hiệu như: “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”. Thực tế là doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại Lào Cai vẫn luôn đánh giá cao sự linh hoạt của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động; đánh giá cao sự năng động và sáng tạo của lãnh đạo tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Tuy nhiên, bộ máy thực thi các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh dường như vẫn còn sức ỳ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh giảm 1,03 điểm (năm 2022 đạt 7,66 điểm; năm 2023 đạt điểm 6,63). Đây là chỉ số thành phần tăng mạnh nhất của tỉnh Lào Cai năm 2022 và Lào Cai đứng đầu cả nước chỉ số này, tuy nhiên năm 2023 lại là chỉ số giảm mạnh. Điều này có thể do vai trò của người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương chưa có nhiều giải pháp mang tính đột phá trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ linh hoạt cho doanh nghiệp, nhất là thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp.

Trên cơ sở kết quả phân tích dữ liệu chỉ số PCI năm 2023 do VCCI công bố, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh xây dựng Kế hoạch cải thiện nâng cao chỉ số PCI năm 2024 với mục tiêu cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp tỉnh; tạo động lực, sự đột phá và thu hút nhanh nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh. Theo đó, tỉnh duy trì những chỉ số thành phần có điểm số cao, cải thiện các chỉ số thành phần vị trí xếp hạng thấp, phấn đấu mục tiêu 10 chỉ số thành phần PCI phải đạt từ 72 điểm trở lên (Top 10 năm 2023 có số điểm từ 69,1 đến 71,25 điểm); cải thiện mạnh mẽ tổng điểm và điểm từng chỉ số thành phần phấn đấu đưa PCI tỉnh Lào Cai nằm trong Top 10 cả nước.

Cũng trong năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện Dự án Bộ khung Chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI) tỉnh Lào Cai năm 2024, qua đó nâng cao sự đồng hành của các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh trong quyết tâm cải thiện và nâng cao chỉ số PCI năm 2024 và các năm tiếp theo.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cai-thien-cac-chi-so-thanh-phan-nang-cao-thu-hang-pci-2024-post387314.html