Cải thiện chất lượng cơ sở lưu trú
Trước các xu hướng mới của du lịch, các cơ sở lưu trú phải có giải pháp và cách vận hành phù hợp để đạt hiệu quả trong kinh doanh.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, du lịch nói chung và cơ sở lưu trú nói riêng rơi vào trạng thái khủng hoảng chưa có tiền lệ. Chuỗi liên kết dịch vụ du lịch bị gián đoạn, đứt gãy, nhiều doanh nghiệp du lịch nhất là doanh nghiệp kinh doanh, cơ sở lưu trú gặp nhiều khó khăn, cạn kiệt về tài chính, phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh. Cho đến nay, theo Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, số lượng cơ sở lưu trú chỉ mở khoảng 50-70% và còn lại vẫn trong tình trạng đóng cửa; công suất hoạt động của các cơ sở lưu trú nhìn chung còn thấp và hạn chế.
Từ 15/3, trong điều kiện hoạt động bình thường mới đang mở ra cơ hội vàng cho phục hồi du lịch cũng như kinh doanh lưu trú. Để thích ứng với tình hình mới, chuyên gia du lịch Lương Hoài Nam cho rằng, việc đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là nền tảng phân phối sản phẩm mang tính quyết định đến khả năng cạnh tranh cho cơ sở lưu trú. Ngoài ra, để tăng hiệu quả kinh doanh, các cơ sở lưu trú cần chú trọng xu hướng staycation (nghỉ dưỡng tại địa phương) để xây dựng các sản phẩm linh hoạt cho khách nhóm nhỏ và gia đình. Còn theo ông William Haandrikman, Tổng quản lý Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi, du lịch bền vững sẽ là xu hướng mà khách hàng ưu tiên để giảm tải tiếp xúc, giữ an toàn khi du lịch trong dịch bệnh. Vì vậy, các cơ sở lưu trú phải đảm bảo thông tin minh bạch về sản phẩm, an toàn dịch bệnh để thu hút du khách trở lại với du lịch Việt Nam.
Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 tăng mạnh. Đáng chú ý, từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam duy trì ở mức cao, có thời điểm tăng 425%. Vì vậy, để đón thời cơ này, Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch - ông Vũ Văn Thanh nhận định, du lịch hai năm đình trệ gây ra hiện tượng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu hụt lao động, vì vậy các doanh nghiệp cần chủ động rà soát, xem xét bổ sung nhân lực đạt chuẩn để có thể sẵn sàng vận hành hiệu quả ngay khi đón khách trở lại.
Khi chính sách mở cửa du lịch nội địa và chính sách mở cửa du lịch quốc tế được triển khai tạo thêm nhiều kỳ vọng, nhưng khó khăn mà các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú đối diện vẫn rất lớn. Chính vì vậy, bà Lê Mai Khanh - Phó Hiệp hội Khách sạn Việt Nam - kiến nghị, nhà nước có thể cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính tín dụng, cho vay lãi suất thấp để các doanh nghiệp có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch quốc tế và Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách về điện, giảm giá điện theo Nghị quyết 08.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch NGUYỄN TRÙNG KHÁNH: Các cơ sở lưu trú cần tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt thị trường nội địa với khách đi nhóm nhỏ, sử dụng phương tiện cá nhân.
Bảo Thoa
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-thien-chat-luong-co-so-luu-tru-173440.html