Cải thiện chất lượng phục vụ, để tạo niềm tin nơi dân!
Mặc dù chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh nhìn chung đã có sự cải thiện theo thời gian, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có sự chuyển biến đáng kể, song tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ ở một vài lĩnh vực vẫn còn khá phổ biến; người dân vẫn bày tỏ quan ngại về tham nhũng trong khu vực công…
Đó là những điểm rất đáng lưu ý được chỉ ra trong các báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2022) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2022) vừa được công bố trong 2 ngày vừa qua - với yêu cầu cần phải được cải thiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Gần 12.000 doanh nghiệp trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước được khảo sát PCI 2022 cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính. Mặc dù tình trạng trả chi phí không chính thức tiếp tục duy trì xu hướng giảm, tuy nhiên hành vi này cũng như nhũng nhiễu trong thực thi công vụ ở một vài lĩnh vực còn khá phổ biến.
Đáng lưu ý, tình trạng phiền hà về thuế, phí được điểm danh đầu tiên - với các vướng mắc không chỉ đến từ những khó khăn trong nắm bắt và tuân thủ các quy định mới, mà còn từ các hoạt động quản lý chuyên ngành khác. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức khi bị thanh kiểm tra thuế đã tăng lên đáng kể (từ 33,8% năm 2021 lên 54,5% năm 2022). Tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh sau khi gặp trở ngại với thủ tục hành chính đất đai khá phổ biến…
Điểm ra một số lĩnh vực, nhìn vào thực tế tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm, và đặc biệt là việc rời bỏ thị trường của hơn 20 nghìn doanh nghiệp trong mỗi tháng qua để thấy - rõ ràng, những khó khăn của doanh nghiệp, người dân không chỉ do các tác động từ bên ngoài - mà còn ở chính chất lượng điều hành ở cấp địa phương.
Không phải ngẫu nhiên mà cả 2 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2022) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI 2022) - do các tổ chức khác nhau, cách thức điều tra và đối tượng nghiên cứu khác nhau - nhưng lại cho kết quả khá tương đồng - khi Quảng Ninh là địa phương được “xướng tên” đầu tiên trong cả 2 chỉ số này.
Để có được thành quả đó, trong suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh đặc biệt coi trọng nhân tố “con người” - với vai trò của người đứng đầu phải nêu gương, làm gương; dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn và dám chịu trách nhiệm. Là tỉnh tiên phong “chuyển từ quản lý sang phục vụ”; Mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới; Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện để nâng cao tính công khai, minh bạch trong cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, nỗ lực cải cách của nhiều địa phương trong năm qua đã có sự chững lại so với những năm trước đó - mà, một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này - theo cảm nhận của doanh nghiệp“có thể là do có một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý còn có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình dẫn đến không dám làm việc”;
Thậm chí PCI 2022 cũng đề nghị cần có thêm những nghiên cứu, tìm hiểu về những nhận định “có tình trạng công chức không muốn, không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình vì sợ làm sai, sợ phải chịu trách nhiệm. (bởi) Việc này ảnh hưởng rất lớn và làm đình trệ quá trình ra quyết định giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp”.
Không phủ nhận trên thực tế vẫn còn thực trạng văn bản pháp luật thiếu thống nhất, không phù hợp, không khả thi, khác biệt, thậm chí là “vô cảm” - nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên… đã tồn tại từ lâu, nhưng chậm được giải quyết. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về đầu tư.
Song, rõ ràng, trong cùng một thể chế, chính sách ấy vẫn có những địa phương “vượt trội”, cho thấy, ở đâu các cấp chính quyền địa phương có sự đồng hành, quyết tâm khắc phục khó khăn, không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, ở đó có niềm tin thị trường, niềm tin nơi dân!./.