Cải thiện dinh dưỡng từ bữa ăn học đường

Trẻ Trường mầm non xã Phú Mỡ được cải thiện dinh dưỡng nhờ dự án Dinh dưỡng - nông nghiệp do Tổ chức Hợp tác Y tế Hà Lan - Việt Nam tài trợ. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Qua 2 năm triển khai dự án Dinh dưỡng - nông nghiệp nhằm cải thiện vấn đề suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), đến nay dự án này đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Dự án Dinh dưỡng - nông nghiệp do Tổ chức Hợp tác Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) phối hợp với UBND huyện Đồng Xuân thực hiện từ năm 2018. Đây là dự án sử dụng hướng tiếp cận đa ngành (y tế, nông nghiệp, giáo dục) nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ DTTS. Mô hình bữa ăn học đường tại các điểm trường mầm non ở xã Phú Mỡ là sáng kiến trong phạm vi dự án Dinh dưỡng - nông nghiệp do Phòng GD-ĐT huyện thực hiện.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân Phạm Trung Thành cho biết: “Theo mô hình này, các trường mầm non phối hợp với phụ huynh chọn người trong cộng đồng để nấu bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ tại trường học. Trung tâm Y tế huyện lựa chọn và hỗ trợ, kiểm soát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm và kiến thức về dinh dưỡng. Mỗi suất ăn của học sinh mầm non trị giá 12.000 đồng, trong đó 6.000 đồng do MCNV hỗ trợ, số tiền còn lại thực hiện theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo”.

Trường mầm non xã Phú Mỡ hiện có 5 điểm trường với 139 trẻ, từ tháng 3/2018 đến nay, tất cả các trẻ đều được ăn bữa trưa và bữa ăn nhẹ buổi chiều trước khi về nhà. Với việc cải thiện bữa ăn có đủ chất dinh dưỡng tại trường, nhiều phụ huynh hài lòng và yên tâm khi cho con em mình đi học. Chị La Lan Thị Tím vui vẻ nói: “Từ ngày có sự hỗ trợ bữa ăn ngon tại trường, con tôi lên cân đều đặn nên tôi rất yên tâm”.

Cô Kiều Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Phú Mỡ cho biết: “Qua 2 năm thực hiện mô hình bữa ăn học đường cho thấy tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng cuối năm học giảm trung bình từ 10-12% so với mức giảm bình quân 2-4% trước đây. Trong thời gian trẻ nghỉ học từ tháng 1-4/2020 vì dịch bệnh COVID-19, nhà trường đã ghi nhận tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng tăng từ 17% lên đến 26%. Điều này củng cố thêm bằng chứng về vai trò của bữa ăn học đường đối với tình trạng dinh dưỡng của trẻ”.

Ông Phạm Trung Thành cho biết: Đến nay, tổng số học sinh được hỗ trợ dinh dưỡng từ dự án trên là 425 trẻ trường mầm non ở các xã: Xuân Quang 1, Xuân Lãnh, Đa Lộc, Xuân Phước, Xuân Quang 2. Ngoài hỗ trợ 6.000 đồng/suất ăn, MCNV còn hỗ trợ Trường mầm non Xuân Quang 1 30 giường ngủ, Trường mầm non Xuân Phước 29 giường ngủ, Trường mầm non Phú Mỡ 65 giường ngủ và 95 mền, gối để các cháu ngủ trưa.

Từ hiệu quả mang lại ở Trường mầm non xã Phú Mỡ, tháng 9/2020, mô hình bữa ăn học đường cho trẻ mầm non được huyện Đồng Xuân nhân rộng tại tất cả các điểm trường trên địa bàn. “Dự án Dinh dưỡng - nông nghiệp trong đó có mô hình bữa ăn học đường mang lại hiệu quả tốt, góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS tại địa phương. Tuy nhiên vào cuối năm 2020, dự án này sẽ kết thúc nên đầu năm 2021, Phòng GD-ĐT huyện phải phối hợp với các trường vận động phụ huynh để tiếp tục duy trì mô hình này. Trong thời gian tới, UBND huyện mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ MCNV để các trẻ mầm non người đồng bào DTTS được cải thiện dinh dưỡng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Phạm Trung Chánh nói.

NGUYỄN CHƯƠNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/248722/cai-thien-dinh-duong-tu-bua-an-hoc-duong.html