Cải thiện đời sống - Nâng chất nông thôn mới

Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, là một trong những tiêu chí quan trọng của bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM). Bởi, khi đời sống Nhân dân nâng cao thì diện mạo nông thôn sẽ đổi mới, quốc phòng - an ninh sẽ được đảm bảo.

Cà Mau là tỉnh thuần nông, với hơn 77% dân số sống ở các vùng nông thôn và kinh tế ngư - nông - lâm nghiệp chiếm hơn 32% trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Do đó, việc phát triển kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân là yếu tố cốt lõi trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Theo đó, thời gian qua, công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm; công tác phòng, chống dịch bệnh... bảo vệ và phát triển sản xuất được đẩy mạnh, nhất là trên lĩnh vực được xác định là thế mạnh của tỉnh, như nông nghiệp hữu cơ, các mô hình sản xuất tôm - rừng, tôm - lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 58 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP và tương đương. Cụ thể, có 20 cơ sở được chứng nhận VietGap, 18 cơ sở được chứng nhận hữu cơ, 12 cơ sở được chứng nhận lúa an toàn và 8 cơ sở được chứng nhận lúa sinh thái.

Khi đời sống người dân được nâng cao thì diện mạo nông thôn sẽ thêm khởi sắc. (Ảnh chụp tại huyện Trần Văn Thời).

Khi đời sống người dân được nâng cao thì diện mạo nông thôn sẽ thêm khởi sắc. (Ảnh chụp tại huyện Trần Văn Thời).

Vấn đề xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ cấp tỉnh đến cấp xã. Vai trò của kinh tế tập thể được phát huy và tiếp tục duy trì tốt trong mối liên kết sản xuất, là đại diện làm cầu nối ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp và thành viên các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX); hỗ trợ các thành viên về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho các thành viên tham gia THT, HTX. Ðến nay, toàn tỉnh có 187 HTX nông nghiệp đang hoạt động với hơn 3.749 thành viên; có 939 THT và 28 trang trại đáp ứng các tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Là địa phương đang nỗ lực để đạt chuẩn huyện NTM, dù vẫn còn không ít khó khăn, song diện mạo nông thôn Thới Bình đang ngày một đổi mới. Theo dự kiến, đến khoảng tháng 6/2025 huyện sẽ cơ bản hoàn thành các tiêu chí để trình công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong tiến trình tiến tới huyện NTM là về trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, đối với trường THPT, toàn huyện chỉ mới có 1 trường đạt chuẩn, thời gian tới huyện cần phải có thêm 2 trường nữa được công nhận.

Tuyến dân cư kiểu mẫu ấp Ðường Ðào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, luôn xanh - sạch - đẹp.

Tuyến dân cư kiểu mẫu ấp Ðường Ðào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, luôn xanh - sạch - đẹp.

Xác định việc tăng cường phát triển kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng thành công NTM, huyện Thới Bình đang tiếp tục tập trung phát huy lợi thế để nâng cao thu nhập cho người dân. Theo ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện, kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện hiện nay. Mục tiêu trong năm nay địa phương thành lập được 1 HTX điểm và 3 HTX vệ tinh, song song đó sẽ tạo điều kiện ban đầu để đến giai đoạn 2025-2026 thành lập thêm 2 HTX điểm và 6 HTX vệ tinh. Hiện huyện đang tập trung chỉ đạo cho sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm, đây là thế mạnh sẽ tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp nâng hiệu quả trong sản xuất để cải thiện thu nhập của người dân, công tác giải quyết việc làm cho lao động cũng được tập trung bằng nhiều giải pháp. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 36.267 người; trong đó, việc làm trong tỉnh 12.242 người, ngoài tỉnh 23.678 người, đưa 338 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Lực lượng lao động ngoài tỉnh, làm việc ở nước ngoài, đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển nông thôn.

Cá chình là vật nuôi đã mang lại nguồn thu lớn cho người dân xã Tân Thành, TP Cà Mau, trong tiến trình xây dựng NTM thời gian qua.

Cá chình là vật nuôi đã mang lại nguồn thu lớn cho người dân xã Tân Thành, TP Cà Mau, trong tiến trình xây dựng NTM thời gian qua.

Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhằm đạt đến mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Theo đó, mục tiêu tỉnh đề ra là đến năm 2025 có 80% số xã trở lên đạt chuẩn NTM (tức khoảng 66/82 xã); trong đó, 30% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao (tương đương 20/66 xã) và có 2 xã trong số này đạt NTM kiểu mẫu. Song song với đó, có 30% số huyện, thành phố (3 đơn vị) trở lên đạt chuẩn NTM.

Ðể đạt được mục tiêu này là không hề đơn giản. Bởi đến nay, toàn tỉnh có 60/82 xã đạt chuẩn NTM và có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Tân Dân, Tắc Vân và Lý Văn Lâm); có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (TP Cà Mau). Dù vậy, theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tinh thần chỉ đạo kiên quyết của tỉnh là không chạy theo thành tích. Theo đó, sẽ thu hồi danh hiệu đối với địa phương đã hết thời hạn khắc phục nhưng vẫn không đạt chuẩn./.

Song Nguyễn

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/cai-thien-doi-song-nang-chat-nong-thon-moi-a34283.html