Cải thiện hạ tầng để du lịch phát triển: Phải đầu tư xứng tầm!

Đang mùa du lịch nhưng ngành du lịch Việt Nam lại nhận thông tin không mấy lạc quan, khi Chỉ số phát triển du lịch tụt 7 bậc so với năm trước, đứng thứ 59 trong tổng số 119 điểm đến được xếp hạng.

Điều này cho thấy, các chiến lược phát triển bền vững, lâu dài cũng như chính sách đầu tư cho du lịch còn hạn chế. Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các điểm đến trong khu vực, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của du khách, ngành du lịch cần đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa điểm đến, nhất là tại các khu du lịch trọng điểm của vùng, quốc gia.

Việt Nam tụt bậc về chỉ số phát triển du lịch, “mất điểm” ở hạ tầng dịch vụ

Theo báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 21/5, chỉ số Phát triển du lịch (TTDI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 59, giảm 7 bậc so với năm 2021. Tổng điểm Việt Nam đạt được là 3,96/7, giảm 0,14% so với tổng điểm 4,1/8 vào năm 2021.

Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng sau các nước Singapore (xếp thứ 13), Indonesia (hạng 22), Malaysia (hạng 35), Thái Lan (hạng 47) và xếp trên Philippines (hạng 69), Campuchia (hạng 86) và Lào (hạng 91).

Nhật Bản là quốc gia có chỉ số TTDI cao nhất châu Á - Thái Bình Dương, với 5,09 điểm, xếp thứ 3 toàn cầu. Tiếp đó là Trung Quốc, quốc gia châu Á - Thái Bình Dương thứ hai có trong top 10, với chỉ số TTDI đạt 4,94 điểm.

TTDI là bản nâng cấp của chỉ số Năng lực Cạnh tranh Du lịch của WEF công bố hai năm một lần, dựa trên bối cảnh mới sau đại dịch COVID-19. WEF bắt đầu nghiên cứu và công bố bảng xếp hạng này từ năm 2007.

Bộ chỉ số được xếp hạng dựa trên 5 nhóm chính gồm môi trường hoạt động, chính sách và điều kiện hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch, sự bền vững của du lịch. Các chỉ số trên chia thành 17 lĩnh vực để chấm điểm như an ninh, an toàn; y tế và vệ sinh; chính sách mở cửa; hạ tầng du lịch, vận chuyển; tài nguyên tự nhiên, văn hóa; bền vững của môi trường..., dựa trên hơn 100 tiêu chí nhỏ khác.

Bảng xếp hạng công bố năm 2024 được WEF thực hiện với 119 quốc gia, vùng lãnh thổ trong năm 2023. Các chỉ số của ngành du lịch Việt Nam được đánh giá cao gồm giá cả cạnh tranh (5,68/7 điểm, xếp hạng 16), an ninh an toàn (đạt 6,19 điểm, xếp hạng 23). Chỉ số thuộc nhóm chỉ số tài nguyên du lịch và lữ hành của Việt Nam được đánh giá cao, với các chỉ số về tài nguyên thiên nhiên (hạng 26), tài nguyên văn hóa (hạng 28), tài nguyên khác ngoài giải trí - nghỉ dưỡng (hạng 38)...

Điểm thấp nhất của ngành du lịch Việt Nam năm 2023 là hạ tầng dịch vụ (2,2 điểm, hạng 80) và tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch (2,95 điểm, hạng 115).

Hiện đại hóa hạ tầng, “chắp cánh” cho du lịch phát triển

Theo Tổng cục Du lịch, tính đến cuối năm 2022, tổng số cơ sở lưu trú du lịch là 35.000 cơ sở, tăng 16,7% so với năm 2019. Quy mô số phòng năm 2022 đạt 700.000 buồng, tăng 7,7% so với cuối năm 2019 nhờ nhu cầu du lịch vẫn tăng trưởng tích cực dù mức tăng trưởng bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch Covid-19.

Đáng lưu ý, các cơ sở lưu trú chủ yếu là xếp hạng 3 sao hoặc không xếp hạng. Các cơ sở xếp hạng cao cấp chỉ chiếm tỷ trọng thấp, trong đó, xếp hạng 5 sao chiếm 10,7%; hạng 4 sao chiếm 6,6% cho thấy hạn chế trong năng lực cấp dịch vụ du lịch cao cấp tới các khách du lịch có thu nhập cao từ Châu Âu, Mỹ…

Cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam cũng được đánh giá kém hơn các quốc gia trong khu vực khi xếp hạng cơ sở hạ tầng du lịch năm 2021 của Việt Nam đứng thứ 58/117 quốc gia. Ngoài ra, chính sách phát triển và cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam được đánh giá còn kém hơn so với các nước trong khu vực. Căn cứ hệ thống chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành năm 2021 (là số liệu mới nhất, được thực hiện 2 năm 1 lần), xếp hạng chỉ số chính sách và mức độ sẵn sàng phát triển du lịch của Việt Nam năm 2021 đứng thứ 55/117 quốc gia.

“Dù điểm đến có đẹp đến mấy, nhưng hạ tầng xập xệ, thiếu kết nối thì không thể níu chân du khách” - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hạ tầng du lịch. Theo ông Bình, không chỉ giúp níu chân du khách, hạ tầng du lịch hiện đại còn là “thỏi nam châm” hút nguồn chi tiêu của du khách. Điều này xuất phát từ thực tiễn, khi du khách chọn đi du lịch là chọn điểm đến để khám phá sự mới lạ, nhưng cũng chọn nơi để chi tiêu, thụ hưởng những tiện ích tại điểm đến. “Điểm đến mà sơ sài, thiếu tiện ích thì lấy gì để du khách chịu bỏ tiền ra” - ông Bình lưu ý.

Xác định rõ vai trò quan trọng của hạ tầng du lịch, trong những năm qua, ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp, địa phương không ngừng xây dựng điểm đến hiện đại, tiện nghi trong mắt du khách. Từ sự chung tay vào cuộc của Nhà nước, các doanh nghiệp, hệ thống điểm đến có quy mô tầm cỡ quốc tế, quốc gia và của vùng đã hình thành với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngày càng đa dạng.

Đến hết năm 2023, cả nước có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 780.000 buồng, tăng 3.000 cơ sở so với năm 2022. Có 247 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 80.896 buồng (tăng 26 cơ sở với 6.579 buồng) và 368 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 50.716 buồng (tăng 28 cơ sở với 5.014 buồng).

Không chỉ mở rộng về quy mô, chất lượng, dịch vụ tại các điểm đến trong nước ngày càng được khẳng định. Nhiều điểm đến đã được vinh danh. Điển hình như mới đây, Giải thưởng Readers Choice Awards (Giải bạn đọc bình chọn) lần thứ 17 đã vinh danh Phú Quốc xếp thứ 6/10 đảo tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 10/10 thành phố tốt nhất khu vực, cùng 5 khách sạn trong Thành phố được vinh danh…

Trước đó, trong số 25 điểm đến nổi tiếng nhất thế giới do du khách từ khắp nơi trên thế giới của trang web du lịch Tripadvisor bình chọn cho năm 2023, TP. Hà Nội ở vị trí 17/25. Ở hạng mục 25 khách sạn tốt nhất thế giới, khách sạn Lotte Hotel Hà Nội đứng thứ 13/25…

Theo các chuyên gia về du lịch, sự vinh danh các điểm đến, trong đó có dấu ấn rất lớn của hạ tầng du lịch đã cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này với sự phát triển của ngành du lịch. “Không chỉ là giải thưởng, đó còn là sự ghi nhận của bạn bè quốc tế đối với du lịch Việt Nam, cũng như khẳng định thương hiệu, vị thế của du lịch Việt” - chuyên gia du lịch Trương Sỹ Vinh cho biết.

Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Có thể thấy, hệ thống điểm đến ngày càng mở rộng, cùng với các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật trên phạm vi cả nước đã tạo diện mạo mới cho đất nước và làm tiền đề cho du lịch Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm.

Thực tế, những năm gần đây, cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam đã được đầu tư đáng kể. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng hàng không quá tải, đường bộ kẹt cứng, cảng biển phục vụ du khách thiếu hụt trầm trọng… Tiếp đến là số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn ở các địa phương chưa tương xứng với lượng tăng trưởng du khách. Rồi hệ thống dừng nghỉ trên đường tới các địa điểm du lịch ở Việt Nam còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa được quy hoạch đồng bộ.

Sự quá tải, thiếu đồng bộ của chỉ số hạ tầng dịch vụ, cũng chính là nguyên nhân sâu xa khiến chỉ số tác động kinh tế - xã hội của du lịch còn thấp. Theo các chuyên gia, kết quả xếp hạng của WEF cũng phản ánh du lịch Việt Nam đang thiếu các chiến lược phát triển trong việc thúc đẩy du lịch bền vững, lâu dài cũng như chính sách đầu tư cho du lịch còn hạn chế.

Công tác quản lý với các chính sách ưu tiên cho du lịch mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn còn những điểm lạc hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Vấn đề xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch cũng còn nhiều bất cập... Tất cả những yếu tố kể trên trở thành rào cản lớn khiến cho tỷ lệ khách du lịch quay lại các điểm tham quan, nghỉ dưỡng lần hai khá khiêm tốn.

Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa. Để đạt mục tiêu này, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả.

Các doanh nghiệp cần cùng nhau khai thác tốt nhất cơ hội; nhận diện, hóa giải khó khăn; khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Các dịch vụ cũng cần thường xuyên được đổi mới, sáng tạo; công tác quảng bá cần tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, đi theo xu thế của thời đại về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Song song đó, cũng cần quy hoạch lại tổng thể các điểm du lịch, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường thiên nhiên. Ngoài ra, việc đổi mới sản phẩm du lịch, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng, hoàn thiện chính sách phát triển du lịch bền vững cũng là những vấn đề được đặt ra. Nhưng có lẽ giải pháp căn cơ, quan trọng nhất vẫn là cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý sao cho thật sự thông thoáng và phù hợp, bảo đảm sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cai-thien-ha-tang-de-du-lich-phat-trien-phai-dau-tu-xung-tam-post297395.html