Cải thiện mạnh mẽ, toàn diện môi trường đầu tư
Trong những năm qua, việc hình thành và phát triển khu công nghiệp của tỉnh đã đạt được kết quả tương đối toàn diện, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các khu công nghiệp đã thu hút được lượng vốn đầu tư khá lớn của các thành phần kinh tế, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
Thu hút đầu tư đạt kết quả cao
Các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh hiện đã thu hút được 26 dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong đó, các KCN thu hút được 12 dự án với tổng vốn đầu tư 13.706 tỷ đồng; diện tích thuê đất là 127,5 ha; doanh thu năm 2020 là 26.720,1 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước là 11.609,3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.774 lao động, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Tập đoàn Thành Công liên tục nhiều năm liền là đơn vị có số nộp ngân sách lớn nhất tỉnh. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng doanh thu công nghiệp vẫn đạt 25.301,7 tỷ đồng, chiếm gần 40% số doanh thu của tất cả các doanh nghiệp trong KCN.
Tập đoàn đã nộp ngân sách 10.356,0 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa 7.472,3 tỷ đồng và thuế XNK 2.883,7 tỷ đồng, chiếm 89,2% số nộp ngân sách của lĩnh vực công nghiệp ô tô; chiếm 82,28% số nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn toàn tỉnh.
Tính bình quân 1 ha đất của Tập đoàn Thành Công đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 235 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 575 tỷ đồng, sử dụng 42 lao động với mức lương bình quân 7,2 triệu đồng/người/tháng. Đây là dự án đầu tư có hiệu quả cao nhất trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Ban quản lý các KCN tỉnh, đến thời điểm hiện tại, trong các KCN có 119 dự án (02 dự án đầu tư hạ tầng và 117 dự án thứ cấp) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực. Bao gồm, lĩnh vực công nghiệp sản xuất, lắp ráp và phụ trợ ô tô có 13 dự án với tổng vốn đầu tư 13.706 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp điện tử thu hút 4 dự án với tổng vốn đầu tư 3.498,7 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp may mặc, giày dép thu hút 18 dự án với tổng vốn đầu tư 4.194,2 tỷ đồng; lĩnh vực phân bón thu hút 4 dự án với tổng vốn đầu tư 11.688 tỷ đồng; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đã thu hút 11 dự án với tổng vốn đầu tư 13.748,8 tỷ đồng; các lĩnh vực khác đã thu hút 69 dự án với tổng vốn đầu tư 17.294,4 tỷ đồng.
Đến nay, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đạt 672,2 ha/695,8 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ 96,6%; tổng số vốn đăng ký đạt 64.130 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện khoảng 51.000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên vốn đăng ký khá cao (đạt khoảng 80%); các khu công nghiệp đang hoạt động đã cơ bản lấp đầy như KCN Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp I, Khánh Cư đạt 100%, KCN Phúc Sơn đạt 86%.
Năm 2020, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt 66.400 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.472 triệu USD; đóng góp vào ngân sách Nhà nước 12.585 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa 8.983 tỷ đồng và thuế XNK 3.601 tỷ đồng; giải quyết việc làm khoảng 40.000 lao động.
Theo thống kê, vốn đầu tư đăng ký bình quân một dự án là 537 tỷ đồng, diện tích sử dụng bình quân khoảng 5,6 ha, có 16 dự án đầu tư trong nước có vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp hàng năm tạo ra giá trị lớn, năm sau cao hơn năm trước, năm 2020 bình quân mỗi ha đất công nghiệp tạo ra 98,85 tỷ đồng doanh thu, tạo việc làm cho trên 60 lao động, đóng góp 18,85 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước...
Tính đến hết năm 2020, bình quân 1 dự án đạt doanh thu 558 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 12,37 triệu USD, nộp ngân sách đạt 105,7 tỷ đồng và tạo việc làm cho 338 lao động.
Chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược
Trong giai đoạn hiện nay, với quan điểm xây dựng, phát triển và mở rộng khu công nghiệp đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Bình đang tập trung nghiên cứu phát triển các khu công nghiệp trên cơ sở phát triển lợi thế của hạ tầng kết nối, nhất là đường cao tốc Bắc - Nam đã hình thành và tuyến đường Đông - Tây.
Đồng thời, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhất là các dự án công nghệ hiện đại, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, có hợp tác chuyển giao công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; thu ngân sách lớn, sử dụng đất hiệu quả và bảo vệ môi nghiệp.
Trên cơ sở đó, Ninh Bình đề ra mục tiêu tốc độ tăng bình quân GRDP của ngành công nghiệp giai đoạn 2020-2025. Đến năm 2025, giá trị đóng góp vào GRDP của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 85% giá trị GRDP ngành công nghiệp. Giai đoạn 2025- 2030, toàn tỉnh sẽ thành lập mới 5 KCN.
Đồng thời, đổi mới, đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả, giải quyết thủ tục nhanh, gọn, nhất là các dự án lớn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Tập trung xây dựng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh; rà soát các dự án ngoài ngân sách, kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đất các dự án thực hiện chậm tiến độ, kém hiệu quả theo quy định để tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư.
Theo đó, Ninh Bình chỉ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn; ưu tiên các ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, logistics phục vụ ngành công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không thu hút vào các KCN, CCN các dự án may mặc, giày dép thông thường, trừ những dự án sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ngành sản xuất ô tô.
Bên cạnh đó, tỉnh đang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Chủ động rà soát, sửa đổi, hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh, nhất là thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, các dự án tạo nguồn thu lớn, bền vững cho ngân sách, sử dụng đất hiệu quả và bảo vệ môi trường.