Cải thiện môi trường đầu tư cho DN: Không 'dàn hàng ngang'
Đây là kiến nghị của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tại Tọa đàm 'Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp: Vướng mắc và kiến nghị', sáng 24/6.
Chia sẻ “thẳng” tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Hoài Namcho rằng dù đã có nhiều nỗ lực cải cách, những năm qua năm nào Chính phủ cũng ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng sự chuyển biến của bộ, ngành vẫn rất chậm.
Các văn bản về cải cách năm nào cũng có nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phải cải cách quá trình nội luật hóa, tạo điều kiện cho việc thực hiện hàng loạt Hiệp định thương mại tự do.
“Về mặt vĩ mô, nỗ lực cải cách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp không tập trung và vẫn dàn hàng ngang. Chúng ta ai cũng biết đâu là sức cản cho nỗ lực này. Không thể chỉ gạch đầu dòng những giải pháp tiểu tiết, cần tránh tình trạng cải cách theo kiểu “bóp kem đánh răng” (bóp chỗ này dồn vào chỗ kia). Các nội dung cần sửa đổi, cải cách phải được đưa ra cụ thể trong từng kỳ họp thường kỳ của Chính phủ. Nếu VCCI không lên tiếng hơn nữa, thì vẫn còn tồn tại hàng hóa của ta dừng lại tại cảng mà khó đưa lên các kênh phân phối tại nước ngoài”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng đưa ra ví dụ về bất cập khi Vasep báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ sửa các quy định liên quan tới cấp mã vạch cho các sản phẩm thủy, hải sản xuất khẩu, hiệp hội này đã báo cáo đúng tinh thần Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ trả lời Vasep chỉ là 1 trong 300-400 hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, trong khi, sửa đổi một nghị định rất mất thời gian và rất khó khăn. Về phía Vasep, hiệp hội nhận thấy nếu sửa quy định về cấp mã vạch cho các sản phẩm thủy, hải sản xuất khẩu chỉ mất 1 đến 2 tháng là xong.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Phó Tổng thư ký Vasep cũng chỉ rõ thêm bất cập trong quy định về quy chuẩn nước thải. Đó là, khi lực lượng thanh tra môi trường kiểm tra có khoảng 80-90% nhà máy vi phạm quy định chuẩn nước thải nhưng báo cáo của Bộ lên Chính phủ tỉ lệ vi phạm chỉ có 30-40%. Bên cạnh đó, có những văn bản quy định về lao động ban hành từ năm 1990, cách đây 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa hết hiệu lực và đang làm khó doanh nghiệp.
Phát biểu của đại diện Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cũng thu hút các đại biểu tham dự.
Ông Bảng kiến nghị: Không đưa NHNN vào đối tượng điều chỉnh như doanh nghiệp trong luật đầu tư vì đây là cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp; đề nghị việc sản xuất vàng miếng của NHNN không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư.
Có thể loại bỏ việc kinh doanh vàng miếng do NHNN cấp phép cho cả doanh nghiệp kinh doanh vàng, ngân hàng thương mại ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện vì việc sản xuất vàng miếng NHNN đã nắm và điều chỉnh. Việc mua bán trên thị trường nên để thị trường tự điều tiết và thị trường vàng miếng không còn hấp dẫn như trước đây.
“Việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ là sản xuất, lưu thông hàng hóa tiêu dùng nên cần loại bỏ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện”, ông nói.