Cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Được đánh giá là địa phương có nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư, với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi với các vùng phụ cận, môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn nhân lực dồi dào... nhiều năm liền Hà Nam luôn nằm trong top những tỉnh, thành phố thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt nhất cả nước. Hiện, Hà Nam có thêm 4 khu công nghiệp (KCN) mới được bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, với tổng diện tích là 940ha. Đây chính là cơ hội đồng thời cũng là thách thức lớn đối với Hà Nam trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Hà Nam về vấn đề này.
Một góc KCN Đồng Văn III (Duy Tiên, Hà Nam). Ảnh: Thu Minh
P.V: Thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, Hà Nam đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại các KCN; linh hoạt các hoạt động xúc tiến đầu tư... Đó phải chăng chính là những yếu tố được coi là lợi thế của Hà Nam trong lĩnh vực thu hút đầu tư, thưa ông?
Ông Lưu Trần Sơn: Đúng vậy! Trên cơ sở xác định thu hút đầu tư là động lực tăng trưởng chính trong phát triển kinh tế của tỉnh, thời gian qua, Hà Nam đặc biệt quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính để các nhà đầu tư tiếp cận về đất đai, về lao động, tài chính thuận lợi nhất. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc triển khai thủ tục đầu tư để làm sao họ đầu tư nhanh nhất, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh. Công tác quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư luôn được quan tâm chú trọng. Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ theo đối tác và địa chỉ cụ thể, tỉnh cũng chú trọng “xúc tiến tại chỗ” với nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả; chất lượng dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện và nâng cao... Nhờ đó, Hà Nam đã tạo được bước đột phá trong lĩnh vực thu hút đầu tư và lọt vào tốp 15 tỉnh, thành phố có thu hút đầu tư cao của cả nước và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Hiện, 8 KCN của tỉnh đã cơ bản được lấp đầy. Chỉ tính riêng trong năm 2023, các KCN đã thu hút được 49 dự án đầu tư mới, trong đó có 33 dự án FDI và 16 dự án trong nước với số vốn đăng ký lần lượt là 459,128 triệu USD và 1.932,096 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 35 lượt dự án (29 dự án FDI và 06 dự án trong nước). Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trong năm 2023 là 601,122 triệu USD và 2.077,374 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tại các KCN có 560 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 337 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 5.399,54 triệu USD và 223 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 43.375,42 tỷ đồng. Trong đó, dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến là 133 dự án, lĩnh vực công nghiệp chế tạo là 103 dự án, công nghiệp hỗ trợ là 247 dự án và công nghiệp khác là 77 dự án. Tình hình thực hiện vốn đầu tư của các doanh nghiệp KCN trong năm 2023 đạt 11.500 tỷ đồng (trong đó bao gồm 400 triệu USD của các dự án FDI), với 457 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN.
P.V: Được biết, hiện ngoài 8 KCN đang hoạt động, Hà Nam có thêm 4 KCN mới được bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, với tổng diện tích là 940ha. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục khó khăn; tình trạng doanh nghiệp trong nước phá sản có nguy cơ tăng cao; nợ xấu gia tăng... đây là một thách thức không nhỏ đối với Hà Nam trong lĩnh vực thu hút đầu tư?
Ông Lưu Trần Sơn: Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2024, sẽ có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định về cơ bản, tạo điều kiện cho chính sách ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng; quan hệ đầu tư, thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc… được kỳ vọng tăng mạnh. Tuy vậy, nền kinh tế trong nước nói chung vẫn còn những tồn tại cần sớm được nhận diện và có giải pháp khắc phục. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất giảm thấp, tín dụng đảo nợ có thể tăng, làm gia tăng nợ xấu tiềm ẩn; các hỗ trợ trực tiếp đối với doanh nghiệp như giảm, miễn tiền thuê đất… không còn. Đó cũng chính là thách thức lớn đối với nền kinh tế Hà Nam; đặc biệt, trong lĩnh vực thu hút đầu tư.
Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã quan tâm đến công tác quy hoạch hạ tầng xã hội đồng bộ với hạ tầng công nghiệp nhưng việc triển khai thực hiện các dự án hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học, khu vui chơi, nghỉ dưỡng,…) và tiến độ đầu tư xây dựng mở rộng, nâng quy mô công suất hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Đồng Văn I còn chậm. Dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp trong KCN đôi lúc chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu như: đôi khi vẫn xảy ra mất điện, tụt điện áp tại các KCN (đặc biệt vào tháng 6 năm 2023 đã xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên tại các KCN trên địa bàn tỉnh); chất lượng nước sạch cũng như áp lực nước có thời điểm chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế “một cửa”, công khai, minh bạch đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư cũng đã có những chuyển động tích cực nhưng chưa thu hút được các dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao đầu tư tại tỉnh.
P.V: Vậy, trên cơ sở nhận diện những khó khăn, tồn tại vướng mắc trong lĩnh vực thu hút đầu tư, giải pháp cụ thể trong năm 2024 và những năm tiếp theo sẽ là gì, thưa ông?
Ông Lưu Trần Sơn: Trước mắt, Hà Nam sẽ triển khai các thủ tục cần thiết trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án KCN mới. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư để có sẵn mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng của các KCN đang hoạt động. Tiếp đó, thực hiện đồng bộ, đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch, các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn, thân thiện với môi trường. Trên cơ sở rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động của nhà đầu tư và của các doanh nghiệp. Chuẩn bị, đào tạo đủ nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp. Quan tâm đến các dự án đầu tư, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào KCN. Phát triển mạnh và đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như: điện, nước, dịch vụ viễn thông, vận tải, nhà ở cho công nhân, cảng thông quan. Xã hội hóa nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ công nhân lao động, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ nhu cầu của các chuyên gia nước ngoài. Tăng cường công tác giới thiệu và quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư tại các KCN tỉnh bằng nhiều kênh quảng bá tại các khu vực trọng điểm thu hút đầu tư FDI như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) và châu Âu. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến đầu tư. Chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến, vận động đầu tư trong và ngoài nước; tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức kinh tế - thương mại, ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài, nhất là các tổ chức của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), các nhà đầu tư đã thành công tại tỉnh để giới thiệu về môi trường đầu tư tại Hà Nam.
Riêng đối với Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm trong quá trình tham mưu, đề xuất, thẩm định các dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh; đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, chuẩn bị các điều kiện phục vụ các đoàn công tác xúc tiến đầu tư; chú trọng thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Mỹ..., các nước phát triển; thực hiện tốt các cam kết với nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng, bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn và bền vững.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!