Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư tư nhân

Sau 1 năm được nhập chung vào Nghị quyết số 01 (về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, môi trường kinh doanh...), nghị quyết riêng về các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp được Chính phủ ban hành trở lại với kỳ vọng thúc đẩy đầu tư tư nhân (Nghị quyết 02/2024/NQ-CP).

Nhìn lại năm 2023 và hơn 1 tháng đầu năm 2024, bên cạnh những thành tựu, không thể phủ nhận là dòng đầu tư tư nhân đang chảy chậm lại rõ rệt, trong khi khối này chiếm tới hơn 60% tổng đầu tư xã hội. Nếu như đầu tư tư nhân thường tăng 13%-15%/năm, thì năm 2023 con số này chỉ là 2,7%. Cộng đồng doanh nghiệp phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay cao và có xu hướng tăng ở 4 nhóm chính: chi phí liên quan đến lao động; chi phí tài chính ngoài thuế; chi phí vốn; chi phí logistics.

Một số vấn đề được doanh nghiệp kiến nghị nhiều, nhưng chưa có chuyển biến mạnh mẽ như thanh tra, kiểm tra vẫn trùng lặp, chồng chéo; danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm được rà soát, cắt giảm đúng theo nguyên tắc cơ quan có thẩm quyền quy định tiêu chuẩn an toàn, người sản xuất, kinh doanh tự tuân thủ; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa.

Đó là chưa kể tình trạng thiếu điện vào tháng 5, tháng 6-2023 ở miền Bắc; tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy không phù hợp với thực tiễn làm cho rất nhiều dự án đầu tư, công trình xây dựng bị chậm trễ, phát sinh nhiều chi phí; việc hoàn thuế giá trị gia tăng chậm trễ làm cho các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành như gỗ, cao su, sắn, điện tử... thiếu dòng tiền, trong khi khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn khó khăn.

Trong bối cảnh đó, những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 02/2024/NQ-CP là khá tham vọng. Đó cũng là lý do mà Thủ tướng Phạm Minh Chính hơn một lần nhấn mạnh cụm từ “năm quyết tâm” khi nói về những nhiệm vụ công tác đang chờ đợi guồng máy chính quyền nói chung và những nhiệm vụ trong cải thiện môi trường kinh doanh nói riêng.

Theo Nghị quyết 02/2024/NQ-CP, năm 2024 tăng ít nhất 10% số doanh nghiệp gia nhập thị trường và giảm 10% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với năm 2023. Cụ thể, năm 2023, cả nước có hơn 217.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 1,3 lần mức bình quân của giai đoạn 2017-2022 nhưng cũng có 172.578 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, là mức cao nhất trong cùng giai đoạn.

Không dừng lại ở các kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh như giai đoạn trước, Nghị quyết 02/2021/NQ-CP còn hướng đến việc xây dựng nền tảng cho giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế như chuyển đổi số, kinh tế số với các kế hoạch dài hơi.

Năm 2024, Việt Nam có đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động hay không? Quan trọng hơn, tình hình sức khỏe của doanh nghiệp ra sao, năng lực cạnh tranh quốc gia có được cải thiện như thế nào? Câu trả lời của những câu hỏi này được quyết định bởi hiệu quả thực thi Nghị quyết 02/2024/NQ-CP.

Trong tháng 2, Văn phòng Chính phủ sẽ trình Thủ tướng ban hành danh mục các nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử, tích hợp, cung cấp lên cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024. Trong tháng 3, Bộ Công an phải hoàn thành việc sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, phù hợp với đặc điểm vị trí, địa lý hoặc đặc thù của dự án, công trình, phương tiện.

Bộ GTVT cũng phải hoàn thành các giải pháp đảm bảo hạ tầng đồng bộ, đủ năng lực tiếp nhận, sàng lọc, khai thác và sử dụng dữ liệu kết nối từ doanh nghiệp, nhất là dữ liệu camera từ ô tô kinh doanh vận tải trong năm 2024…

Mùa xuân chỉ mới bắt đầu, nhưng những ngày nghỉ tết thì đã qua.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-thuc-day-dau-tu-tu-nhan-post727224.html