Cải thiện năng lực hội nhập kinh tế, tạo động lực để Bắc Kạn bứt phá

Ông Trịnh Minh Anh cho rằng, Bắc Kạn có nhiều điều kiện thuận lợi để cải thiện, bứt phá về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhiều dư địa phát triển

Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết: Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO (B - WTO) do Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (nay là Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế) chủ trì triển khai, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAID) và Bộ phát triển quốc tế Anh (DfID) đã nghiên cứu và phân tích năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các địa phương trên cơ sở 8 nhóm tiêu chí.

Trên cơ sở đó, đối với Bắc Kạn, nhóm nghiên cứu đã phân tích và xếp hạng, so sánh 63 tỉnh/thành phố như sau: Thể chế (58/63), cơ sở hạ tầng (62/63), văn hóa (19/63), đặc điểm tự nhiên địa phương (53/63), con người (61/63), thương mại (60/63), đầu tư (43/63), du lịch (50/63).

"Kết quả này dù chỉ là tương đối nhưng đã cho thấy rõ ràng Bắc Kạn không phải là tỉnh khó khăn nhất", ông Trịnh Minh Anh khẳng định và cho rằng "Bắc Kạn như một cô gái đẹp đang ngủ giữa núi rừng Đông Bắc, chưa có chàng trai nào đủ sức hấp dẫn để đánh thức cô gái ấy dậy".

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế cũng bày tỏ tin tưởng, Bắc Kạn có nhiều khó khăn nhưng cũng không ít thuận lợi, có điều kiện để phát triển. Với 8 tiêu chí này, tỉnh hoàn toàn có thể cải thiện, nâng thứ hạng lên so với các tỉnh khác.

Giữ rừng để sẵn sàng nhập cuộc thị trường tín chỉ carbon

Trên cơ sở những thông tin, số liệu và nghiên cứu khác, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã đưa ra một số khuyến nghị với tỉnh Bắc Kạn, cụ thể:

Thứ nhất, quan tâm đến việc đầu tư, kêu gọi đầu tư sâu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào nghiên cứu giống cây trồng có chất lượng và năng suất cao. Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chí và yêu cầu của thị trường.

Ông Trịnh Minh Anh nêu dẫn chứng, Bắc Kạn có vùng trồng cam rất tốt nhưng không có nghiên cứu sâu về giống nên sản lượng cao mà chất lượng kém, chua... nên giá bán thấp; có vùng trồng hồng nhưng quy mô lại nhỏ, chưa đầu tư ứng dụng công nghệ cao nên cũng chưa phát huy được.

"Tôi đã đi dọc đất nước Nhật Bản, Israel... điều kiện của họ so sánh với Bắc Kạn là 'một trời một vực'. Thiếu nước, toàn cát trắng, nắng cháy thế nhưng họ vẫn phát triển được, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao", ông Minh Anh nói.

Do đó, ông đề nghị tỉnh tăng cường đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tìm ra giải pháp kỹ thuật, công nghệ phù hợp, đột phá để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ xác lập sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước, hướng đến xuất khẩu.

 Chiều 15/8, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn

Chiều 15/8, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn

Thứ hai, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp làm nông nghiệp, phát triển thương mại hàng nông sản để thu mua, chế biến, bảo quản sản phẩm.

"Với quy mô và cách làm bài bản thì chắc chắn sẽ có giá trị cao hơn. Việc xây dựng chuỗi cung ứng là một trong những giải pháp quan trọng để sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị, thu nhập, góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng",

Thứ ba, về vấn đề tín chỉ carbon. Bắc Kạn được ví như "lá phổi xanh" của cả nước với tỷ lệ che phủ rừng hơn 73%, cao nhất cả nước. Đây là lợi thế rất lớn để tỉnh tính toán, có chiến lược tham gia vào thị trường kinh doanh tín chỉ carbon trong tương lai.

Cụ thể, về kinh tế, giao dịch tín chỉ carbon sẽ đem lại nguồn thu bổ sung bằng ngoại tệ cho việc bảo vệ và trồng rừng, tăng cường độ che phủ, bảo tồn và gìn giữ tài nguyên rừng; góp phần tăng ngân sách địa phương, tăng thu nhập của người trồng rừng và bảo vệ rừng.

Thứ tư, cần quan tâm đến ngành khai thác và chế biến vật liệu xây dựng. Bắc Kạn được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 273 mỏ và điểm khoáng sản, điểm khoáng hóa thuộc 24 loại khoáng sản (trong đó, tiềm năng về khoáng sản kim loại là khá triển vọng, đặc biệt là quặng chì, kẽm có trữ lượng lớn nhất cả nước; ngoài ra, còn các loại khoáng sản khác có giá trị cao, như: Sắt, thạch anh, vàng,…).

Bắc Kạn là tỉnh có xuất phát điểm thấp về công nghiệp nên ngành công nghiệp khai khoáng có vai trò rất quan trọng, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp khác của địa phương.

Vì vậy, tỉnh nên quy hoạch bài bản và kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan mở lại cơ chế khai thác vật liệu xây dựng được tận thu khoáng sản vừa tránh thất thoát tài nguyên, vừa quản lý môi trường, sản xuất tốt lại hạn chế được việc khai thác lậu...

"Hy vọng với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh cùng sự hỗ trợ, kết nối của Bộ Công Thương, Bắc Kạn sẽ thực hiện nhiều giải pháp để biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vai trò là cực tăng trưởng của vùng", ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-thien-nang-luc-hoi-nhap-kinh-te-tao-dong-luc-de-bac-kan-but-pha-339631.html