Tiêm kích Su-35SM được Nga sử dụng để lấp khoảng trống trong khi chờ đợi Su-57 thế hệ thứ năm hoàn thiện, bởi vậy chiếc chiến đấu cơ này có thể sử dụng nhiều vũ khí của Felon.
Vấn đề đầu tiên là vũ khí, tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn R-77-1 hiện vẫn được phần lớn tiêm kích Nga sử dụng, trong đó có cả Su-35. Loại đạn này có phương thức dẫn đường chủ động tiên tiến nhưng tầm bắn chỉ đạt 110 km.
Một loại tên lửa khác là R-27ER/ET, mặc dù tầm bắn lên tới 130 km nhưng lại không có cơ chế dẫn đường chủ động, khiến Su-35 không thể phóng nhiều đạn cùng lúc, bởi nó phải nhận tín hiệu điều khiển liên tục từ máy bay.
Các đặc điểm và chỉ số kỹ thuật của tên lửa R-77 và R-27 rõ ràng không tệ, nhưng vào thời điểm hiện nay, chúng không thể so sánh với Meteor của châu Âu hay AIM-120D do Mỹ sản xuất.
Trước tình hình trên, Nga đã quyết định tích hợp cho Su-35SM vũ khí của Su-57, đó là tên lửa R-77M có radar AESA, ngoài ra tầm bắn của chúng đạt tới 400 km, mang theo đầu đạn trọng lượng 60 kg và đạt tốc độ siêu thanh Mach 6.
Tên lửa R-77M rõ ràng là một vũ khí cực kỳ có giá trị đối với tiêm kích Su-35SM, bởi vì loại đạn công nghệ cao này sẽ được sử dụng cho các mục tiêu trên không với mức độ ưu tiên cao.
Nhưng để sử dụng tốt tên lửa R-77M, tiêm kích Su-35SM bắt buộc phải cải thiện khả năng radar của nó. Hiện tại chiếc chiến đấu cơ đang sử dụng radar N035 Ibris, nhưng nó là loại quét thụ động (PESA).
Mặc dù Ibris được coi là radar PESA tốt nhất thế giới nhưng các đối thủ của Nga đã từ bỏ công nghệ này từ lâu và đặt niềm tin vào radar mảng pha quét chủ động (AESA).
Theo kế hoạch, tiêm kích Su-35SM nâng cấp sẽ sử dụng radar N036 Byelka AESA của Su-57. Radar AESA khó gây nhiễu hơn, giảm tín hiệu phản xạ của máy bay và cung cấp khả năng tác chiến điện tử ưu việt hơn hẳn.
Hiện tại, tiêm kích Su-35S đã có hệ thống tác chiến điện tử (EW) tích hợp, dù không thực sự được đánh giá cao nhưng nó đã giúp khá nhiều chiếc sống sót trên chiến trường.
Đó là hệ thống KNIRTI L-175M Khibiny-M được gắn ở đầu mút cánh, sẽ cung cấp "lớp vỏ điện tử" bảo vệ cho máy bay chiến đấu trước những cuộc tấn công bằng tên lửa đất đối không hoặc không đối không.
Tổ hợp L-175M Khibiny-M sẽ tạo ra một "đám mây kỹ thuật số" bao phủ rộng, khiến không chỉ Su-35 mà cả những chiến đấu cơ khác đi cùng nó đều khó bị phát hiện.
Vấn đề là Khibiny-M chỉ được đặt tại một điểm trên máy bay, điều này gây ra nhược điểm lớn. Nếu đối phương có tiêm kích với hệ thống đối kháng hiện đại, tổ hợp EW này sẽ không thể phát huy tác dụng.
Trước thực tế trên, Su-35SM nâng cấp cần được trang bị hệ thống EW mới đó là Himalaya. Tổ hợp này được triển khai trên toàn bộ thân máy bay chiến đấu, nó đã được thử nghiệm thành công vào năm 2014 trên tiêm kích tàng hình Su-57 Felon.
Hệ thống Himalaya được cho là có tầm hoạt động rất lớn, vượt xa cự ly hiệu quả của các tên lửa không đối không phương Tây như AIM-120D, giúp Su-35SM dễ dàng vô hiệu hóa cuộc tấn công từ đối thủ.
Vấn đề nữa của Su-35 cũng được chỉ ra đó là nó thiếu đường truyền dữ liệu chất lượng. Nga đang bị tụt lại phía sau trong việc tích hợp một liên kết an toàn vào khung máy bay tương đối cũ, do được phát triển từ Su-27 Flanker đã khá lạc hậu.
Những cuộc chiến đang diễn ra trong thế kỷ 21 đã cho thấy, và gợi ý rằng liên kết dữ liệu đóng một vai trò quan trọng đối với tạo lập ưu thế trên không và rõ ràng Nga chẳng thể đứng ngoài xu thế.
Giới phân tích cho rằng Su-35SM sẽ được trang bị hệ thống liên lạc, trao đổi dữ liệu, dẫn đường và nhận dạng kết hợp mới (OSNOD). Hệ thống này là một sản phẩm tối tân, được giới thiệu và thử nghiệm vào năm 2019.
Khí tài trên cung cấp khả năng liên lạc được mã hóa và chức năng chống nhiễu tốt. OSNOD sẽ cho phép tiêm kích Su-35SM nâng cấp hoạt động như một thành phần của mạng chiến trường rộng lớn hơn.
Vấn đề nữa là khả năng đối phó hồng ngoại (hay phòng thủ laser). Lĩnh vực này còn mới đối với thế giới và chỉ đang được thử nghiệm, nhưng một số quốc gia (điển hình như Mỹ) đã đi trước và tích hợp nó vào máy bay chiến đấu của họ
Nguyên tắc của hệ thống phòng thủ này là sử dụng chùm tia laser vô hiệu hóa đầu dò hồng ngoại của tên lửa đang bay tới. Khí tài này có thể được gắn phía sau buồng lái hoặc bên dưới.
Hệ thống đối kháng này chủ yếu được sử dụng trong cận chiến, khi có sự tiếp xúc gần giữa hai tiêm kích, đây là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt khi Nga chưa có tên lửa với chức năng "khóa mục tiêu sau khi phóng".