Cầm bút để tri ân
Nhà thơ Trịnh Công Lộc quan niệm, biên cương, hải đảo là vấn đề lớn, gắn với vận mệnh dân tộc và người cầm bút không thể dửng dưng. Ông mong muốn những câu thơ được viết ra từ trái tim mình góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt.
Và những câu thơ hùng tráng, mang cảm hứng sử thi của “một dân tộc tựa lưng vào núi, mở lồng ngực đón biển” được thể hiện rõ nét nhất trong bài thơ Mộ gió - tác phẩm cách đây gần 10 năm đã tạo nên “dư chấn” trong lòng người đọc: “Mộ gió đây, giăng từng hàng từng lớp/ Vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi/ Là mộ gió, gió thổi hoài, thổi mãi/ Thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh từng nhận xét Mộ gió “thể hiện tầm nhìn vượt qua được những giới hạn của ý thức hệ đến tầm khái quát sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia”. Bài thơ đã đạt giải Nhì của cuộc thi thơ “Đây biển Việt Nam” năm 2012. Và mới đây nhất, Mộ gió cùng hai thi phẩm khác - Từ biển mà đi, Thơ viết về biển - đã đem lại giải Nhất cho Trịnh Công Lộc khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ năm 1974 đến nay.
Viết về vấn đề lớn của dân tộc nhưng Trịnh Công Lộc không “đao to búa lớn”, tô vẽ mà thể hiện tình cảm chân thành, mộc mạc. Cách mở đầu bài thơ Từ biển mà đi cũng vậy: “Đâu phải bây giờ mới từ biển mà đi/ Đất nước mấy ngàn, mấy ngàn năm bão tố/ Biển của ta lại nhiều hơn sóng dữ/ Đừng nghĩ ai bé nhỏ trước muôn trùng...”. Điệp ngữ “mấy ngàn” được sử dụng nhằm khẳng định chưa khi nào biển Việt Nam bình yên, dù là thời xưa hay thời nay. Ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã được ông cha thể hiện từ rất sớm: “Ông cha mình đã từ biển mà đi/ Vẫn rành rọt sáng soi từng hải lý/ Những luồng lạch nông sâu thuộc lòng như chữ nghĩa/ Bao lớp người đi giữ đảo, không về...”.
Trịnh Công Lộc quê Thái Bình nhưng gây dựng sự nghiệp tại Quảng Ninh, bởi thế cảnh vật, con người và văn hóa vùng đất mỏ luôn khắc khoải trong trang viết của ông. Ông dùng lời thơ để giới thiệu với bạn đọc về vùng đất Đông Bắc Tổ quốc đang từng ngày “thay da đổi thịt”: “Thiên thần nào đến đây/ Để dấu chân vạn dặm/ Để câu hỏi ngàn năm/ Sa Vĩ ơi, Sa Vĩ!” (Dấu chân Sa Vĩ), “Thành phố gối đầu lên bể/ Hạ Long sóng tóc như mây/ Núi Bài Thơ phong cầm muôn thuở/ Nốt nhạc cánh buồm vạt áo tiên sa...” (Thành phố - Núi Bài Thơ).
Với Trịnh Công Lộc, Quảng Ninh không chỉ có vịnh Hạ Long nức tiếng gần xa, mà còn có “vàng đen” - niềm tự hào của người dân đất mỏ: “Sừng sững Hạ Long rực rỡ/ Đường nét ấy của than/ Đậm nét mây trời và sóng bể/ Đậm nét đường đời” (Đường nét của than). Tuy nhiên, nguồn tài nguyên không phải là vô tận và con người sẽ phải trả giá đắt vì khai thác ồ ạt, chỉ nghĩ lợi ích trước mắt: “Mông Dương những tai ương ập đến/ Chưa nói trước được đâu/ Làm giàu bằng than/ Phải tính thêm bằng máu” (Mông Dương đã găm vào mắt).
Không ít câu thơ của Trịnh Công Lộc thoáng đọc thì có vẻ khuôn thước, khô khan nhưng ẩn sâu trong đó là tầng cảm xúc được giấu kín. Sống trong lòng Hà Nội, Trịnh Công Lộc có nhiều cảm xúc về Thủ đô, như khi ông tả mùa thu Hà Nội: “Và đêm đêm ẩn hiện Cổ Ngư/ Thấp thoáng trăng soi mắt biếc/ Hoa sương nở khung trời dát bạc/ Nhè nhẹ lay dào dạt bên thềm…”. (Trái tim mùa thu); “Sông Hồng nghìn năm tuổi/ Vẫn không thấy nét già/ Người Hà Nội trăm tuổi/ Vẫn duyên dáng kiêu sa” (Vẫn cứ là Hà Nội). Những câu thơ như lời tri ân với mảnh đất mà ông đã gắn bó, sinh sống và làm việc trong chục năm trở lại đây.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/986349/cam-but-de-tri-an