Cám cảnh số phận hãng xe UAZ từng làm mưa làm gió tại Việt Nam
UAZ từng được coi là hãng xe quốc dân tại Việt Nam dưới thời kỳ bao cấp. Tuy nhiên giờ đây, hãng đang phải đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng
Trong những năm tháng bao cấp khó khăn của đất nước Việt Nam sau giải phóng, người người, nhà nhà đề cao những chiếc xe UAZ hay còn gọi với tên rất Việt – U-oát là hãng xe của quốc dân.
Tuy nhiên, sau khi nước ta bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập kinh tế sâu, rộng, với hàng loạt các tiến bộ về khoa học kỹ thuật cũng như sự đổ bộ của các hãng xe “ngoại” tới từ những nền công nghiệp ô tô phát triển trên thế giới. UAZ nhanh chóng bị “thất sủng” tại thị trường Việt Nam bởi những thiết kế cứng rắn, thô ráp và bảo thủ, thiếu sức cạnh tranh và gần như mất hút.
UAZ-469 từng là chiếc xe "quốc dân" tại Việt Nam thời bao cấp. Ảnh:
Sẽ không ít người tò mò về việc, số phận của công ty UAZ hiện nay ra sao khi mà rất nhiều những hãng xe nổi tiếng thời Xô Viết đã không còn tồn tại. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hãng xe “quốc dân” một thời này.
UAZ – Đứng vững hậu Xô Viết nhưng khó chinh phục thị trường Việt Nam
UAZ là một trong những hãng xe con hiếm hoi dưới thời Liên Xô tiếp tục phát triển tốt trong thời đại hậu Xô Viết và có đóng góp tích cực cho nền công nghiệp ô tô Nga, cho nền kinh tế Nga.
Năm 2000, hãng UAZ chính thức trở thành công ty con của Tập đoàn Sollers – ông lớn trong ngành ô tô Nga.
Năm 2014, nhà sản xuất quyết định tái cấu trúc huớng để phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng trong thời đại mới. Với 2 sản phẩm chủ lực trên thị trường là SUV Patriot và bán tải Pickup tạo ra một số tiếng vang cho hãng. Dù cho được nhập khẩu nguyên chiếc tới thị trường Việt Nam song UAZ không đủ khả năng cạnh tranh với sự lớn mạnh của những hãng xe Hàn, Nhật và Âu Mỹ, dẫn tới doanh số khá “lẹt đẹt”.
Khó khăn chung của ngành ô tô Nga khiến UAZ khủng hoảng
Kể từ sau khi Moskva phát động cuộc xung đột với quốc gia láng giềng Ukraine, dẫn tới sự “tháo chạy” hàng loạt của các nhà sản xuất nước ngoài khỏi Nga do lo sợ những lệnh cấm vận, nền công nghiệp ô tô Nga gần như điêu đứng và tê liệt ngay lập tức.
Những hãng ô tô lớn của Nga như Lada cũng phải ngừng trệ quá trình sản xuất suốt nhiều tháng trời bởi sự cắt đứt chuỗi cung ứng vật tư linh kiện từ nước ngoài.
Và đương nhiên, điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới UAZ, thậm chí đẩy nhà sản xuất này tới nguy cơ phá sản.
Hiện nay, tại nhà máy Ulyyanovsk, nhà máy duy nhất lắp ráp và sản xuất ô tô UAZ đang chứng kiến sự đình công tập thể của các công nhân viên bởi tình trạng nhiều tháng trời không được trả lương.
Dựa trên những video, hình ảnh mà các công nhân trong nhà máy cung cấp, có thể thấy những hàng dài các khung xe SUV Patriot đã không còn được tiếp tục sản xuất. Nhân viên không tiếp tục làm việc do nợ thù lao và bắt đầu tụ tập để phản đối.
Điều này phản ánh một sự khó khăn lớn về tài chính đối với hãng xe từng một thời làm mưa làm gió khắp nước Nga và trên thế giới giữa thời điểm nền kinh tế Nga suy thoái.
Năm 2022, từng có thông tin về việc UAZ sẽ hợp tác với Chery, ông lớn về xe hơi Trung Quốc để giúp đỡ hãng ô tô Nga có thể cho ra mắt mẫu xe mới có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Dẫu vậy, có nhiều nguyên nhân dẫn tới đổ bể thương vụ này và UAZ vẫn tiếp tục ngụp lặn trong khủng hoảng.
Giờ đây, người Nga đánh giá rằng những chiếc UAZ có giá thành quá cao trong khi không thực sự ấn tượng và chất lượng không tốt, điều đó dẫn tới những chỉ số về kinh doanh vô cùng tồi tệ. Nếu trong thời gian ngắn sắp tới, UAZ không thể tìm ra bài toán giải quyết tình hình hiện nay, rất có thể chúng ta sẽ phải tạm biệt với hãng xe hơi từng gắn bó với rất nhiều thế hệ người Việt Nam này.
Hùng Dũng (tổng hợp)
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/so-phan-hang-uaz-gio-the-tham-the-nao-2144809.html