Cấm chặt đào rừng tự nhiên phù hợp với quy định của pháp luật
Đó là phân tích của luật sư xung quanh việc Thủ tướng yêu cầu cấm chặt đào rừng tự nhiên đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấm chặt đào rừng, ngày 26/12 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có những giải thích rõ hơn về điều này.
Cụ thể, ông Mai Tiến Dũng nói, Thủ tướng yêu cầu cấm chặt đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết, chứ không cấm mua bán đào do người dân miền núi hoặc miền xuôi trồng. Như vậy, cấm ở đây là cấm chặt đào rừng tự nhiên. Việc cấm này, ông Mai Tiến Dũng cho rằng không khó để thực hiện, chỉ cần các địa phương, bộ ngành vào cuộc nghiêm túc sẽ có hiệu quả.
Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo PNVN đã trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội).
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, thời gian qua, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả. Nạn chặt phá rừng còn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi.
Bởi vậy, bảo vệ rừng là nhu cầu cần thiết và cấp bách, cần áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo giữ gìn và phát triển môi trường tự nhiên.
Ngoài ra, theo luật sư Cường, hiện nay Việt Nam đang thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư. Những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hoa ban, hoa mơ, hoa đào núi rừng Tây Bắc là những cảnh đẹp rất nên thơ, thu hút nhiều khách du lịch, tạo cảnh quan thiên nhiên rất kỳ vĩ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người đã tự ý chặt phá những cây, hoa rừng về làm cây cảnh trưng Tết, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên, thậm chí có những đối tượng còn sẵn sàng chặt phá cây, hoa ở những khu rừng nguyên sinh để thực hiện những mục đích cá nhân.
Tại Hà Nội, năm nào cũng vậy, cứ đợt sát Tết, sau Tết lại xuất hiện rất nhiều cành đào rừng do thương lái bán ế, bị vứt bỏ lại bên đường thành củi, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị.
Căn cứ để cấm
"Bởi vậy việc Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu cấm chặt phá đào rừng ở những khu vực rừng tự nhiên là cần thiết để đảm bảo bảo vệ môi trường tự nhiên và cảnh quan, môi trường sinh thái. Đó là quan điểm, ý kiến của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với chính sách và pháp luật của Việt Nam hiện nay", Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Về nguyên tắc, những quy định cấm của pháp luật được ghi nhận trong các văn bản luật do Quốc hội quyết định. Việc cấm chặt phá đạo rừng trong các khu vực nguyên sinh hoặc bất cứ cây cối nào khác trong các khu rừng nguyên sinh là trên cơ sở các quy định của văn bản luật bảo vệ rừng, Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Cụ thể, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp (Điều 9) như: Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng; Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng…
Người vi phạm quy định về bảo vệ rừng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này quy định tại Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015, tội Hủy hoại rừng.
Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Văn Cường, khi có các văn bản hướng dẫn cụ thể là những văn bản dưới luật để bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch thì Chính phủ và các bộ ngành cần phải căn cứ vào quy định của văn bản luật như Luật bảo vệ rừng, Luật Lâm nghiệp, Luật du lịch, Luật đầu tư, Luật thương mại... để ban hành nghị định hoặc các quyết định, chỉ thị theo trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách cũng như để chi tiết hướng dẫn luật.
Khi ban hành văn bản quy định cụ thể, cần phải lưu ý về "đào rừng" bị cấm chặt phá là đào nào? Ngoài hoa đào thì có cấm chặt phá loại cây hoa nào khác không? Trường hợp "đào rừng", "đào đá", "đào mốc"... mà được người dân trồng trong vườn, trên ruộng để phát triển kinh tế (cũng giống như đào Nhật Tân) thì không thể cấm được, thậm chí còn phải khuyến khích.
"Quy định mới về cấm chặt phá cây hoa rừng chỉ có thể cấm những cây đào, cây hoa trong rừng tự nhiên hoặc các khu vực tự nhiên, việc chặt phá làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên thì mới vi phạm và mới bị xử lý", luật sư Đặng Văn Cường cho hay.