Cấm cửa 'Vua gạo' và Saigon Co.op cung cấp hàng kém chất lượng cho Công an
Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) vừa qua có quyết định về việc cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công tư) với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Nhiên King Green (Công ty King Green).
Nguyên nhân là nhà thầu cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật đã cam kết trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng. Quyết định cấm kéo dài 3 năm, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Cung cấp hàng hóa cho lực lượng Công an - một lĩnh vực đòi hỏi sự nghiêm túc và chuẩn mực cao nhất, vậy mà vẫn có doanh nghiệp dám gian dối, bất chấp cam kết về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật. Câu chuyện của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Nhiên King Green (Trụ sở: Tầng 10, 11 EnterPrise Tower, 290 Bến Vân Đồn, TP Hồ Chí Minh), đơn vị sở hữu thương hiệu “Vua gạo” và Saigon Co.op bị cấm thầu 3 năm vì cung cấp gạo không đạt chất lượng, là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho những doanh nghiệp xem thường kỷ cương, pháp luật.
Saigon Co.op cho biết, trong toàn bộ gói thầu này, sản phẩm gạo do Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Nhiên King Green cung cấp chiếm tới 90% giá trị, còn Saigon Co.op chịu trách nhiệm phần nhỏ còn lại gồm đường, muối, bột ngọt là 10%.
Điều khiến dư luận phẫn nộ là việc King Green là chủ sở hữu thương hiệu “Vua gạo” vốn được quảng bá là sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, lại cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng cho chính lực lượng Công an, những người ngày đêm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

Saigon Co.op thừa nhận sai sót trong gói thầu với cơ quan của ngành Công an đến từ đối tác King Green.
Theo thông tin từ Saigon Co.op, trong quá trình thực hiện gói thầu, Công ty King Green đã không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật đã cam kết trong hồ sơ dự thầu cũng như trong hợp đồng đã ký kết. Việc cung cấp gạo kém chất lượng không chỉ vi phạm các điều khoản pháp lý, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Saigon Co.op và gây tổn hại niềm tin của ngành Công an đối với nhà thầu.
Saigon Co.op thừa nhận sai sót trong gói thầu với cơ quan của Bộ Công an đến từ đối tác King Green. Tuy nhiên, với vai trò là nhà thầu chính chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng hàng hóa, Saigon Co.op cũng không thể thoái thác trách nhiệm. Chính vì vậy, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đã áp dụng biện pháp nghiêm khắc là cấm Saigon Co.op tham gia đấu thầu trong vòng 3 năm.
Đại diện Saigon Co.op cho biết, ngay khi phát hiện sự việc, đơn vị đã tiến hành rà soát toàn bộ quy trình, đồng thời rà soát trách nhiệm của các bộ phận liên quan. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng tuyên bố sẽ chấn chỉnh, siết chặt hơn nữa quy trình kiểm soát chất lượng và lựa chọn đối tác trong thời gian tới.
Tuy nhiên, vụ việc đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của King Green. Việc cung cấp gạo kém chất lượng cho lực lượng Công an không đơn thuần là vi phạm hợp đồng, mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật, xem nhẹ sức khỏe, quyền lợi của người sử dụng. Đặc biệt, với danh xưng “Vua gạo” - cái tên từng được quảng bá rầm rộ trên thị trường như một thương hiệu gạo chất lượng cao, việc làm ăn gian dối của King Green là hành vi đánh lừa người tiêu dùng trắng trợn.
Thực tế, vụ việc King Green không chỉ gây bức xúc trong dư luận, mà còn làm dấy lên yêu cầu cần mạnh tay xử lý, kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp thiếu đạo đức ra khỏi các gói thầu cung cấp cho các cơ quan trọng yếu như ngành Công an.
Với tính chất nghiêm trọng, việc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng áp dụng biện pháp cấm thầu 3 năm đối với Saigon Co.op thể hiện sự nghiêm minh, không khoan nhượng với hành vi gian dối, bất kể doanh nghiệp đó lớn nhỏ ra sao.
Về phía King Green, dư luận đang chờ đợi các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cần xem xét xử lý nghiêm theo quy định để răn đe, phòng ngừa các trường hợp tương tự.