Cảm giác nóng rát ở mũi là bệnh gì?

Cảm giác nóng rát ở mũi có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường hô hấp hoăc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nguy hiểm khác.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra mà việc điều trị theo nguyên nhân sẽ giúp giảm và loại bỏ tình trạng nóng rát ở mũi.

Cảm giác nóng rát ở mũi là bệnh gì?

Theo Healthline, có một số nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng lỗ mũi nóng rát hoặc châm chích, ngứa trong mũi. Dưới đây là những vấn đề gây nóng rát ở mũi cùng với cách đối phó giảm nhẹ mà bạn có thể tham khảo.

1. Thời tiết thay đổi

Sự giao mùa giữa nhiệt độ nóng chuyển sang khô lạnh dễ dàng gây ra các vấn đề sức khỏe liên quan tới độ ẩm trong mũi bị "lấy mất". Niêm mạc bên trong mũi bị khô và kích ứng dẫn tới cảm giác nóng rát hoặc ngứa lỗ mũi. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thấy da mặt, môi nứt nẻ hơn khi thời tiết khô lạnh.

Niêm mạc bên trong mũi bị khô và kích ứng dẫn tới cảm giác nóng rát hoặc ngứa lỗ mũi (Ảnh: ST)

Niêm mạc bên trong mũi bị khô và kích ứng dẫn tới cảm giác nóng rát hoặc ngứa lỗ mũi (Ảnh: ST)

Đối phó: Một cách để tăng độ ẩm cho không khí chính là lắp máy tạo độ ẩm/bù ẩm trong nhà, chẳng hạn như phòng ngủ hoặc các máy phun sương. Độ ẩm lý tưởng là khoảng 50%. Lưu ý, khi sử dụng máy bù ẩm hay phun sương, cần vệ sinh thường xuyên, tránh cho vi khuẩn và nấm mốc có điều kiện phát triển và gây bệnh.

Bên cạnh đó, các loại nước muối xịt mũi không kê đơn có thể giúp bổ sung độ ẩm cho niêm mạc mũi đang bị khô.

2. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mẫn và giải phóng các hóa chất như histamin khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như nấm mốc, bụi, không khí khô,... Điều này dẫn tới các triệu chứng viêm mũi dị ứng như: Sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, ngứa mũi/mắt/da, nóng rát ở mũi,...

Đối phó: Cách giảm viêm mũi dị ứng hiệu quả nhất là tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể kích thích cơn dị ứng bùng phát. Các loại thuốc xịt/thuốc uống kháng histamin không kê đơn hay thuốc thông mũi và thuốc xịt steroid, rửa mũi bằng nước muối sinh lý,... có thể giúp giảm nhẹ tình trạng sưng mũi, ngứa mũi hay khó chịu khác có liên quan.

Lưu ý việc dùng thuốc cần được chỉ dẫn bởi bác sĩ. Thuốc thông mũi chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn, không quá 3 ngày để tránh tình trạng nghiện thuốc và nguy cơ tái phát. Mỗi một loại thuốc cũng sẽ có các tác dụng phụ như khô mũi,... trao đổi thêm với bác sĩ để được hướng dẫn đối phó.

Lưu ý việc dùng thuốc chữa nóng rát ở mũi cần được chỉ dẫn bởi bác sĩ (Ảnh: ST)

Lưu ý việc dùng thuốc chữa nóng rát ở mũi cần được chỉ dẫn bởi bác sĩ (Ảnh: ST)

3. Viêm xoang

Viêm xoang là một tình trạng mũi họng phổ biến, xảy ra khi các xoang mũi có sự xâm nhập của các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virú hoặc nấm khiến lớp niêm mạc hô hấp lót trong các xoang cạnh mũi bị viêm. Lớp niêm mạc ở trong tình trạng phù nề, gây tăng tiết nhầy và hệ quả làm cho các xoang ở sau mũi, trán và má bị tắc nghẽn.

Các triệu chứng viêm xoang bao gồm cảm giác đau khó chịu ở các xoang, nóng rát ở mũi, dịch mũi màu xanh lá cây, chảy dịch mũi sau, mũi bị nghẹt, sốt, đau đầu, đau họng, ho, mệt mỏi, hơi thở có mùi hôi, suy giảm khứu giác, hắt hơi liên tục,...

Đối phó:Thuốc thông mũi, thuốc kháng histamin và thuốc xịt steroid có thể giúp làm co và giảm tác nghẽn cho các xoang bị sưng. Nếu tình trạng viêm xoang nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn một tuần, tốt hơn hết hãy nói chuyện với bác sĩ để được thăm khám.

Nếu viêm xoang do vi khuẩn, bạn có thể cần sử dụng kháng sinh để loại bỏ và ngăn ngừa tái phát.

4. Tác dụng phụ của thuốc

Các loại thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi mặc dù có thể điều trị nguyên nhân gây nóng rát ở mũi nhưng nếu sử dụng quá nhiều lại có thể gây khô mũi và làm trầm trọng thêm triệu chứng nóng rát ở mũi này.

Đối phó: Hãy dùng thuốc theo hướng dẫn trên nhãn hoặc theo đúng theo chỉ định của bác sĩ và chỉ sử dụng trong thời gian càn thiết để kiểm soát các triệu chứng. Với thuốc thông mũi, không nên lạm dụng và sử dụng quá 3 ngày, dễ dẫn tới nghẹt mũi tái phát. Sử dụng thêm nước muối sinh lý giữa các lần sử dụng thuốc thông mũi cũng có thể giúp ích.

Tùy từng nguyên nhân gây nóng rát ở mũi là gì mà biện pháp điều trị sẽ có khác biệt, đôi khi cần dùng kháng sinh nếu nhiễm trùng là do vi khuẩn (Ảnh: ST)

Tùy từng nguyên nhân gây nóng rát ở mũi là gì mà biện pháp điều trị sẽ có khác biệt, đôi khi cần dùng kháng sinh nếu nhiễm trùng là do vi khuẩn (Ảnh: ST)

5. Khói và các chất kích thích khác

Do bạn hít thở bằng mũi và miệng nên các cơ quan này dễ bị tổn thương do độc tố trong không khí, có thể kể đến như khói thuốc lá, formaldehyde, hóa chất có trong các sản phẩm vệ sinh nhà cửa, các loại khí như khí clo, khí hydro clorua hoặc amoniac, bụi,... dẫn tới viêm mũi, viêm xoang và các tình trạng mũi họng gây nóng rát ở mũi khác.

Đối phó: Để tránh gặp các triệu chứng mũi họng như nóng rát ở mũi thì việc bảo vệ mũi như đeo khẩu trang chuyên dụng, hạn chế di chuyển khi môi trường bị ô nhiễm, vệ sinh mũi họng sau khi ở bên ngoài về,... sẽ giúp cải thiện.

6. Virus cảm lạnh

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thì các triệu chứng của cảm lạnh có thể bao gồm: Đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi dẫn tới cảm giác nóng rát ở mũi, ho, đau đầu, đau nhức cơ thể, mất vị giác và khứu giác, sốt,...

Đối phó:Do cảm lạnh thông thường là bệnh do virus nên bệnh sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Một số biện pháp khắc phục tại nhà hay thuốc không kê đơn có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh. Khi bị cảm lạnh, cần chú ý uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ và vệ sinh cá nhân sạch sẽ để không lây bệnh cho người xung quanh.

Cảm lạnh có thể gây nóng rát ở mũi (Ảnh: ST)

Cảm lạnh có thể gây nóng rát ở mũi (Ảnh: ST)

7. Cúm

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến. Có 4 chủng virus cúm được ký hiệu là A, B, C, D. Bệnh cúm có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ tới nặng, bao gồm: Mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ thể, ho, đau họng, sốt, nóng rát ở mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đôi khi có thể bị cả nôn mửa hay tiêu chảy.

Đối phó:Thường thì bệnh cúm sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Để giảm các triệu chứng sốt, đau đầu, đau mỏi người do bệnh cúm gây ra, người bị cúm có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen. Ngoài ra, bạn cần nghỉ ngơi đầy đủ, uống đủ nước khi bị cúm và chú ý tới các triệu chứng bất thường hoặc phát triển nghiêm trọng hơn để thăm khám bác sĩ sớm, tránh biến chứng.

Nhóm có nguy cơ biến chứng cao và có thể cần được chăm sóc thêm cần chú ý bao gồm: Người lớn trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ dưới 5 tuổi và người đang sẵn có các bệnh mãn tính.

Khi nào cảm giác nóng rát ở mũi cần thăm khám bác sĩ?

Thường thì các bệnh gây ra triệu chứng như nóng rát ở mũi có thể kiểm soát tại nhà. Nhưng nếu các dấu hiệu này không biến mất sau một tuần hoặc lâu hơn hay kèm theo các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn như: Sốt cao, khó thở, cổ họng cảm giác như bị thắt chặt lại, nổi mề đay toàn thân, chóng mặt, ngất xỉu, nhịp tim nhanh, có lẫn máu trong dịch mũi thì hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh là gì.

Nếu nguyên nhân gây nóng rát ở mũi là do nhiễm trùng vi khuẩn thì thuốc kháng sinh là cần thiết. Một số xét nghiệm máu có thể được chỉ định để kiểm tra dị ứng.

Nguồn: Healthline, Medical News Today

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cam-giac-nong-rat-o-mui-la-benh-gi-20241022093934934.htm