Cảm hứng từ 'lò luyện dân khí' Nghĩa thục An Phước

Tôi có dịp dự một buổi tọa đàm, đúng hơn là buổi trao đổi trong khuôn khổ gia đình có truyền thống giáo dục đang sống tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 111 năm Ngày thành lập Nghĩa thục An Phước.

Ông Lâm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ giáo dục Việt Nam (EDTECH-VN) mời đến buổi trò chuyện nhiều nhà giáo dục tâm huyết, như: GS, TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS, TS Trần Ngọc Toản, nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam; nhà giáo, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng Nguyễn Hồng Cơ; nhà giáo, nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi; nhà giáo, nhà thơ Lệ Yên; cư sĩ Nguyễn Gia Tường.

Sở dĩ có buổi tọa đàm này bởi ngoài việc là người tâm huyết với giáo dục trong những năm qua, ông Lâm Ngọc Minh muốn tiếp bước cha, ông mình theo tinh thần của Nghĩa thục An Phước. Ông Lâm Ngọc Minh sinh ra trong một gia đình có truyền thống với nghề giáo dục. Cha của ông là GS, TSKH Lâm Quang Thiệp. Ông Lâm Quang Thiệp là chắt của cụ tú Lâm Hữu Mẫn, người thành lập ra Trường Tiểu học Cẩm Toại (tiền thân của Trường Tiểu học An Phước) tại Quảng Nam đầu thế kỷ 20, nay thuộc TP Đà Nẵng. Hưởng ứng phong trào Duy Tân, ông Lâm Hữu Mẫn đã giao trường lại cho trưởng nam là tú tài Lâm Quang Tự tiếp quản và phát triển. Từ một trường dân lập tranh tre nhỏ bé với 20 học sinh, Trường Tiểu học An Phước đã trở thành điểm sáng của ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam và cả nước đầu thế kỷ 20, thành tích ấy tiếp tục được phát huy trong suốt hơn 100 năm qua.

 Một buổi trao đổi giữa các nhà tâm huyết với giáo dục về Nghĩa thục An Phước.

Một buổi trao đổi giữa các nhà tâm huyết với giáo dục về Nghĩa thục An Phước.

Dưới sự đàn áp của thực dân Pháp và tay sai, ngôi trường này đã hoạt động theo tôn chỉ của Duy Tân, chuyển từ dạy chữ Nho sang dạy chữ Quốc ngữ, bãi bỏ lối học từ chương, đưa dần vào chương trình giảng dạy các môn học, như: Sử ký, địa dư, cách trí, toán, thủ công… và cả võ nghệ. Nhà sử học Dương Trung Quốc trong lời tựa cuốn sách “Trường Tiểu học An Phước 95 năm truyền thống” (NXB Giáo dục, năm 2003) đã nhấn mạnh, riêng ở Quảng Nam có thể coi là cái lò bễ thổi tư tưởng Duy Tân từ ngoài vào trong nước với những chiến sĩ tiên phong, như: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp… thì tiếp sau nghĩa thục là cả một cuộc vùng dậy dân biến làm điên đảo chế độ thực dân phong kiến. “Nghĩa thục An Phước” ra đời trong cái lò luyện dân khí ấy.

Sau năm 1954, một số thầy trò Trường An Phước tập kết ra Bắc, còn phần lớn ở lại tham gia phong trào chống sự đàn áp của chính quyền Sài Gòn. Kết thúc hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hơn 400 liệt sĩ là cựu học sinh Trường Tiểu học An Phước đã ngã xuống. Trường còn là điểm tựa để nâng bước cho hơn 100 cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước, LLVT, trong đó có hơn 20 nhà giáo dục, tiến sĩ khoa học nổi tiếng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời từng khẳng định: “Trường An Phước là một nghĩa thục nổi tiếng đã có những hy sinh và cống hiến lớn đối với sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, giải phóng và xây dựng Tổ quốc”.

Cùng các khách mời bàn luận về phong trào giáo dục theo tinh thần Duy Tân của Trường Tiểu học An Phước, nhà giáo, nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi cho rằng: “An Phước chưa bao giờ tự nhận mình là nghĩa thục. Cái danh xưng nghĩa thục ấy được người đời đặt cho An Phước bởi những gì mà ngôi trường này đã đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước thời kỳ chống Pháp. An Phước đã phá bỏ cái tư tưởng đào tạo ra các thần dân chỉ biết phục tùng mệnh lệnh và đề cao giáo dục “vị nhân sinh”, tức là đào tạo ra lực lượng trí thức phục vụ phong trào kháng chiến chống Pháp thời bấy giờ”. Cùng quan điểm trên, PGS, TS Trần Ngọc Toản đánh giá: “Ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhưng Nghĩa thục An Phước lại có một tư duy vượt thời đại. Ngôi trường dạy cho người học kỹ năng, tư duy làm việc độc lập. Một ngôi trường học tập miễn phí, hài hòa giữa truyền thống yêu nước, truyền thống đánh giặc ngoại xâm và khoa học kỹ thuật”.

Tiếp nối truyền thống, cảm hứng từ Nghĩa thục An Phước, Công ty EDTECH-VN của ông Lâm Ngọc Minh đã phát triển phần mềm và phát hành sách phục vụ học tập, như: TESTPTRO plus, VITESTA, TESTSHEET READER. Trong đó, TESTPTRO plus có tính năng quản lý ngân hàng câu hỏi, ngân hàng quản lý đề thi, phân tích kết quả thi với tốc độ nhanh và độ tin cậy cao. Bắt đầu triển khai từ năm 2007, TESTPTRO plus đã được 50 trường đại học, cao đẳng, trung cấp; 150 trường THPT trên toàn quốc và một số trung tâm đào tạo ngành tin dùng. Trong đó, có thể kể tới Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Đồng Tháp… TESTSHEET READER là phần mềm sử dụng để chấm thi trắc nghiệm sử dụng máy quét ảnh với tốc độ và độ chính xác cao. Phần mềm đã triển khai trên nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông, các trung tâm ngoại ngữ… với 200 bản được cung cấp trên cả nước. Đây là phần mềm sử dụng giao diện tiếng Việt duy nhất tại Việt Nam. Ông Lâm Ngọc Minh khẳng định: "Chúng tôi cùng các đối tác đang ấp ủ ý tưởng phát triển hơn nữa các dịch vụ công nghệ phục vụ cho phương thức đào tạo trực tuyến giúp các trường học, các thầy, trò hiện nay nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập".

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/cam-hung-tu-lo-luyen-dan-khi-nghia-thuc-an-phuoc-606124