Cảm hứng từ những mảnh vườn trong phố
Đối mặt với thực trạng đất chật, người đông và những lo ngại về rau không an toàn bày bán trên thị trường, nhiều hộ gia đình ở đô thị đã tận dụng những không gian nhỏ hoặc ô đất trống gần nhà, thậm chí trên sân thượng để tạo ra những vườn rau, luống rau, chậu rau...
Những mảnh vườn trong phố đã không còn hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại.
Màu xanh xóm nhỏ
Ai đó đã từng nói với tôi rằng: “Trước khi làm nghề này nghề kia thì hãy học làm một người nông dân đã”. Tôi nghe và rất tâm đắc. Có lẽ vì thế mà từ lâu, tôi luôn ước ao có một mảnh vườn. Nhưng để sở hữu một mảnh vườn ở thành phố lớn là điều quá khó. Bạn phải có tiền, có thật nhiều tiền. Thấy tôi luôn đau đáu với vườn, lúc nào cũng nhắc tới vườn, còn mơ mộng: “Có một mảnh vườn, em sẽ gieo hạt, sẽ bắt sâu tỉa lá, chiều chiều ra vườn cuốc đất, tưới cây”, chồng tôi thở dài: “Em đừng có mơ”. Chồng tôi nói đúng. Chúng tôi ra trường 5 năm vẫn ở trọ, đến cái chung cư thu nhập thấp còn chẳng mua được, lấy đâu ra đất trồng cây.
4 năm trước, chúng tôi chuyển về thành phố lập nghiệp. Dành dụm được chút tiền, chúng tôi tìm mua một mảnh đất để an cư. Tôi nhớ lần đầu tiên đến xem miếng đất trong ngõ 48, đường Nguyễn Công Trứ, phường Đông Sơn. Vẫn không có đất làm vườn nhưng tôi lại “đắm” vào mấy mảnh đất trống với những luống rau xanh, tốt nơi đây. Tôi thầm nghĩ: “Vườn rau dù không rộng nhưng được chăm sóc chu đáo, đẹp giản dị và thân thiện quá"... Chia sẻ những lời cảm thán trên với ông Ngôn, người cao tuổi trong ngõ 48, ông vui vẻ cho biết: “Các gia đình trong ngõ đã góp công, góp của mà hình thành nên mấy mảnh vườn xanh mát ấy”.
Mảnh vườn nhỏ nằm ngay bên hồ cá Hiền Hoa với đầy đủ các loại rau theo mùa trong ngõ 48, đường Nguyễn Công Trứ.
Theo lời ông Ngôn, những người dân trong xóm đã tận dụng những lô đất chủ nhân chưa sử dụng để trồng rau, hoa, cây cảnh chơi sau tết. Họ cùng nhau phát quang, đánh luống rồi mua phân, mua hạt giống. Những luống rau xanh nhanh chóng mọc lên, thay thế cho hình ảnh khu đất hoang đầy cỏ dại. Người trồng ít cây rau dền, mùng tơi để nấu canh mùa hè, người lại trồng mấy thứ gia vị. Tôi đến sau nhưng nhập gia tùy tục cũng chạy ra chợ, lựa mua mấy trái su su già đem về vùi trong đất, ngày nào cũng chạy ra xem. Chờ đợi chừng một tuần đã thấy trái su su nứt mầm, thế là tôi hớn hở kiếm mấy thanh nứa về làm giàn và cắm cọc cho nó leo. Thú vui của tôi lúc bấy giờ là sáng dậy đi làm về chạy ra vườn tưới cây, tỉa lá, xem ngọn su su đã leo được mấy gang tay.
Cứ dịp cuối tuần, mọi người rảnh rỗi lại tập trung dọn cỏ, hái rau, mọi người hỏi thăm cuộc sống, công việc của nhau. Ngoài những tiếng cười nói rộn ràng cả góc phố, những rổ rau xanh tốt, những giàn bầu, mướp trĩu quả hay những ruộng rau muống không thuốc trừ sâu cũng là thành quả, niềm vui của cư dân trong ngõ. Sự tiện lợi của mảnh vườn còn ở chỗ mỗi khi tan làm về muộn không kịp đi chợ, bất kì ai cũng có thể chạy ù ra vườn hái rau về nấu.
Mảnh vườn là tải sản chung của cả xóm.
Thu hoạch những bó rau xanh mơn mởn trở thành niềm vui của mỗi người sau ngày dài làm việc.
Bên góc vườn nhỏ với đủ các loại rau xanh, chị Hương cho biết: “Tôi ở nhà nội trợ cũng rảnh rỗi thời gian nên tận dụng phần đất trống để trồng rau phục vụ gia đình. Chăm chút vườn rau hàng ngày là niềm vui, vận động nhẹ nhàng, lại có đủ rau sạch để ăn. Mọi người cùng nhau làm, cùng nhau chia sẻ thành quả lao động, tình làng nghĩa xóm thêm thân thiện”.
Ngoài trồng rau để cải thiện bữa ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì gia đình chị Hương còn sử dụng toàn bộ không gian trống trên sân thượng nhà mình để trồng hoa phong lan. Những giò phong lan các loại được treo trên giàn và bố trí đẹp mắt.
Niềm vui trao đi, hạnh phúc lại về
Ít ai ngờ bên trong ngôi nhà với giàn hoa giấy tinh tế ở phố Lê Thước, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa là một khu vườn với nhiều loại rau khác nhau. Chị Hồ Thị Bình, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Hàm Rồng đã biến sân thượng thành một vườn rau xanh mướt khiến ai đến thăm một lần cũng thích và ao ước có một khoảng trời riêng như vậy để thỏa sức trồng trọt, chăm sóc. Mảnh vườn không rộng nhưng nhờ sự sắp xếp hợp lý và tận dụng không gian nên có đủ các loại rau, trái cần thiết cho nhu cầu hàng ngày, từ cây ớt đỏ, bụi rau thơm, các loại xà lách, rau muống, rau cải đến bầu, bí...
Vui vẻ chỉ vào rổ rau còn tươi vừa hái ở trên sân thượng xuống, chị Bình cho biết: “Bây giờ ăn cái gì, mua gì ngoài thị trường cũng mang tâm lý bất an nên đành tự cải thiện được tí nào hay tí ấy”.
Vườn rau trên sân thượng của gia đình cô giáo Hồ Bình.
Với chị, khu vườn này không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng, áp lực trong công việc mà còn tạo ra được nhiều năng lượng tích cực cho tất cả thành viên trong gia đình. “Từ khi có mảnh vườn này bản thân mình cảm thấy vui vẻ ra, yêu đời hơn mỗi lúc chăm sóc cây. Không những thế, nó còn là cầu nối gắn kết các thành viên trong gia đình với thiên nhiên”, chị Bình nói.
Vì được gia chủ nâng niu chăm sóc, những đám rau cũng trở nên xanh tốt, mơn mởn sức sống.
Gia đình chị Bình có một con trai năm nay lên lớp 10 và 1 cô con gái nhỏ, cả hai đều được truyền từ bố mẹ tình yêu với thiên nhiên, cây cối. Buổi sáng trước khi đi học và buổi chiều về nhà, hai đứa trẻ đều thích lên sân thượng chăm sóc hay thu hoạch những cây cải xanh mướt và những trái cà chua chín mọng. Vì sự tò mò và quan tâm tới vườn rau, chúng rất hay hỏi mẹ những câu, như: cây này là cây gì? trái này là trái gì? vì sao rau lại có màu xanh? cách chăm sóc chúng ra sao? thu hoạch như thế nào thì rau tươi ngon nhất?... Chính những kiến thức thực tế về cây cối, thiên nhiên này đã giúp ích không nhỏ cho các con trong quá trình học tập.
Chị Bình chia sẻ: “Chăm sóc, tưới cây mỗi ngày vừa rèn cho các con thói quen làm việc nhà, vừa để con không “miệt mài” với ti vi, điện thoại, chơi game... Qua đó, các con thấy được kết quả, giá trị sức lao động để biết trân quý tình cảm gia đình. Sẽ rất thiệt thòi cho ai đó không có một khu vườn tuổi thơ. Vì đó là cả một thế giới diệu kỳ đối với trẻ nhỏ, sẽ trở thành vốn liếng khi một mai trưởng thành và rời xa ngôi nhà thơ ấu”.
Các loại rau gia vị cũng được ươm mầm xanh tươi.
Ngưỡng mộ và yêu quý mảnh vườn của chị Bình, nhiều người trong khu dân cư đã học kinh nghiệm để tổ chức sắp xếp lại không gian sống của mình, dành chỗ trồng rau sạch. Một vườn rau, rồi hai, ba vườn rau tiếp nối. Mỗi vườn trồng bốn đến năm loại rau. Dùng trong nhà không hết thì các chị trao đổi với nhau. Niềm hạnh phúc giản dị cứ thế lan tỏa, nhân lên, làm đẹp hơn cho cuộc đời.
Yêu thích vườn rau của cô giáo Bình, một người bạn của cô cũng đã tạo cho gia đình mình một vườn rau trên sân thượng khang trang như thế này.
Thực tế cho thấy, phong trào tự trồng rau sạch có muôn hình vạn trạng, nhưng mục đích cuối cùng là để nâng cao chất lượng cuộc sống, gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng, làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp và ý nghĩa hơn. Nó trở thành một phần không thể thiếu, là dấu ấn khiêm nhường nhưng ngày càng khẳng định giá trị xanh, sạch, đẹp với cuộc sống.