Cấm hút thuốc lá, hơn 2 triệu người Việt Nam có thể thoát nghèo

Theo các nhà xã hội học thống kê, nếu số tiền mua thuốc lá được dùng để mua thực phẩm hoặc chi tiêu cho các nhu cầu cần thiết khác của hộ gia đình thì hơn 2 triệu người Việt Nam có thể thoát nghèo.

Hút thuốc lá - đầu độc mình và người thân

Hình ảnh vừa tham gia giao thông vừa hút thuốc có thể bắt gặp ở mọi nơi (Ảnh TL)

Theo tất cả các con số thống kê liên quan đến thuốc lá, hiện tại Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỉ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với gần 47% nam giới trưởng thành hút thuốc.

Theo đó, các bệnh liên quan đến thuốc lá cũng đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong. Như vậy, mỗi ngày có hơn 100 người chết vì thuốc lá. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng lên khoảng 70.000 người vào năm 2030.

Từ những con số trên cho thấy, thuốc lá đang có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sức khỏe của người Việt. Hàng ngày ra đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp không ít những hình ảnh người tham gia giao thông phì phèo điếu thuốc khi di chuyển trên đường...

Đây là một trong những hình ảnh rất phản cảm đối với du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam. Nó không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp cho người tham gia giao thông mà còn gây khó chịu cho cộng đồng xung quanh họ với khói thuốc, mẩu thuốc vứt bừa bãi trên đường.

Những tưởng hành động trên không có ảnh hưởng gì đến môi trường cũng như sức khỏe của con người, tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trung bình mỗi năm có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động và trong số đó có 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Khói thuốc thụ động làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân.

Theo đó, những người hút thuốc thụ động tại nơi làm việc, tại nhà, trong môi trường khép kín... những nơi chưa có khuyến cáo, biển báo cấm hút thuốc lá là một trong những nơi đang có nguy cơ cao gây ung thư phổi cho người không hút thuốc, nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc.

Như vậy, theo một cách gián tiếp, người hút thuốc lá đã và đang vô tình đầu độc chính người thân, mọi người xung quanh bằng khói thuốc lá. Nếu chúng ta không tự ý thức tác hại nguy hiểm của khói thuốc lá đối với môi trường sống để có biện pháp, kế hoạch phòng chống hút thuốc lá hiệu quả thì môi trường sống chúng ta sẽ bị đe dọa bởi rất nhiều yếu tố bên ngoài.

Từ đó cho thấy, hiện tại câu chuyện về khói thuốc lá không chỉ của riêng ai mà còn là của cả xã hội bởi khói thuốc lá đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, sức khỏe.

Cần có biện pháp hữu hiệu

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, khói thuốc lá có thể tồn tại trong phòng tới 2,5 giờ, thậm chí khi đã mở cửa sổ. Khói thuốc có thể lưu lại trên thảm, đồ nội thất và bức tường, đồ đạc vật dụng trong nhà...

Những vật liệu này hấp thụ các chất độc trong khói thuốc lá và dần dần nhả chúng trở lại vào không khí, tạo thêm nguy cơ tiếp xúc lần hai cho con người.

Ngoài ra, trong không gian kín, ô nhiễm thuốc lá không thể bị loại bỏ khi sử dụng các phương pháp làm sạch thông thường hoặc thông gió. Do đó, trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng từ khói thuốc lá nhất bởi đề kháng của trẻ còn yếu, trong lúc chơi đùa ăn uống nên dễ dàng xảy ra trường hợp trẻ em ăn phải thức ăn có nồng độ khói thuốc cao.

Để ngăn chặn nguy cơ trên, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2012. Luật quy định: “Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá”.

Theo đó, hàng năm Bộ Y tế đã thường xuyên tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5 với nhiều chủ đề khác nhau để đánh vào ý thức của người hút thuốc lá, nhằm giảm thiểu số người hút thuốc lá.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể cùng phối hợp tổ chức các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền trên mọi kênh thông tin đại chúng như băng rôn, khẩu hiệu, các video quảng cáo trên truyền hình, thực hiện bệnh viện xanh, sạch, môi trường làm việc không khói thuốc...

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai vẫn chưa có con số cụ thể nào về hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, chưa có trường hợp nào bị xử phạt trong việc vi phạm quy định này mặc dù số lượng người hút thuốc lá vẫn không ngừng gia tăng và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.

Tại những nơi công cộng, bến xe, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn... có hàng loạt biển cấm hút thuốc lá. Tuy nhiên, tại những nơi đó người ta vẫn ngang nhiên hút thuốc lá một cách thản nhiên, coi như chưa từng có các biển cấm. Theo các nhà xã hội học thống kê, nếu số tiền mua thuốc lá được dùng để mua thực phẩm hoặc chi tiêu cho các nhu cầu cần thiết khác của hộ gia đình thì hơn 2 triệu người Việt Nam có thể thoát nghèo.

Qua nhiều cuộc hội thảo về thuốc lá hàng năm của các tổ chức quốc tế đều đưa ra những con số báo động về người hút thuốc lá ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đang trên đà phát triển, hội nhập cách mạng 4.0, phấn đấu xây dựng công dân toàn cầu và một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu của công dân toàn cầu là một người có sức khỏe tốt. Nếu người Việt Nam vẫn giữ thói quen cũ, vẫn chỉ đưa mục tiêu vào trong các khẩu hiệu và dừng ở đó thì câu chuyện "hòa nhập" sẽ khó có đích đến.

Theo đó PGS. TS. Vũ Xuân Phú (Phó Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, Giám đốc Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến, thành viên Ban Điều hành chương trình chống lao Quốc gia) về biện pháp cai nghiện thuốc lá thì đối với công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, Bộ Y tế có Cục quản lý Khám chữa bệnh. Đây là đơn vị đầu mối có trách nhiệm quản lý, điều hành các dự án, phòng chống tác hại của thuốc lá.

Bộ Y tế đã triển khai dự án theo hình thức phối hợp với các bệnh viện cùng tham gia. Và Bệnh viện Phổi trung ương là một thành viên triển khai dự án phòng chống tác hại của thuốc lá theo chương trình của Bộ Y tế. Hằng năm, bệnh viện có nhiều hoạt động thường niên thực hiện công tác này như: Chương trình Môi trường xanh - sạch- đẹp, không có đầu, mẩu thuốc lá, không có người hút thuốc lá; Xây dựng bệnh viện không khói thuốc...

Đề cập đến vấn đề cai thuốc lá, PGS, TS Vũ Xuân Phú khẳng định: Không có pháp đồ hay toa thuốc nào hiệu quả bằng chính ý chí kiên trì của người cai thuốc. Thầy thuốc chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ để làm sao cho liệu trình cai nghiện đó hiệu quả.

Bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá có rất nhiều bệnh khác nhau, tuy nhiên đa số người bệnh mắc bệnh về phổi đều có tiền sử hút thuốc lá. Những người mắc bệnh về phổi có tiền sử hút thuốc lá đa phần khó đáp ứng pháp đồ điều trị hơn những người không có tiền sử về hút thuốc lá.

Lương Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cam-hut-thuoc-la-hon-2-trieu-nguoi-viet-nam-co-the-thoat-ngheo-post65084.html