Cầm IELTS là được xét tuyển vào đại học
Đối với nhiều học sinh, có IELTS đồng nghĩa với việc áp lực xét tuyển đại học giảm đi một nửa. Nhiều em vì muốn được xét tuyển vào đại học đã đầu tư học IELTS khi mới học lớp 10.
Nhiều năm gần đây, IELTS không chỉ được sử dụng để nộp hồ sơ du học mà đã trở thành chứng chỉ phổ biến trong công tác tuyển sinh đầu cấp và xét tuyển đại học. Đến nay, cả nước đã có hàng chục trường đại học áp dụng phương thức tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS hoặc xét tuyển kết hợp với chứng chỉ này.
Khi đó, IELTS trở thành tấm vé thông hành đối với nhiều học sinh, giúp các em nâng cao cơ hội trúng tuyển vào ngành học yêu thích, đồng thời được miễn học môn Tiếng Anh ở trường đại học.
Học sớm để thi sớm
Từ khi mới vào học lớp 10, Phan Thị Thúy An (hiện là sinh viên năm thứ nhất ở Đại học Việt Đức) đã nghe mọi người truyền tai nhau về những lợi ích của chứng chỉ IELTS. Cô thường được khuyên học IELTS sớm để có thể xét tuyển vào đại học và sử dụng chứng chỉ này trong nhiều việc hơn.
Sau khi nhận được lời khuyên từ mọi người, Thúy An đã quyết định học IELTS với lộ trình từ đầu năm lớp 10 đến cuối năm lớp 11.
“Mình chọn thi lấy chứng chỉ IELTS vào cuối năm lớp 11 để đảm bảo chứng chỉ vẫn còn giá trị cho đến khi học năm nhất đại học. Nếu thi ngay từ cuối năm lớp 10, mình sợ chứng chỉ sẽ hết hạn trước khi mình xét tuyển vào đại học”, An nói.
Theo lộ trình này, An đã đầu tư tổng chi phí gần 50 triệu đồng cho 2 năm học IELTS. Sau khi đạt IELTS 7.0, nữ sinh tự tin nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học Việt Đức vì đảm bảo yêu cầu tiếng Anh đầu vào.
Trúng tuyển vào trường, IELTS còn giúp An “nhảy cóc” học thẳng các môn chuyên ngành, thay vì phải dành một năm để học Tiếng Anh như bạn bè cùng khóa. Hiện tại, An chỉ cần học chuyên ngành và học thêm Tiếng Đức để tốt nghiệp.
An cho biết chứng chỉ IELTS của cô có thời hạn đến tháng 5/2023 nên cô đã tận dụng thời hạn để xét học bổng. Tại trường của An, IELTS là phần điểm cộng lớn trong quá trình xét học bổng.
Tương tự, Linh Chi (cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng từng dành 2 năm để học IELTS, thi chứng chỉ để nộp hồ sơ xét tuyển đại học.
Đầu năm lớp 12, nữ sinh đăng ký thi IELTS và đạt mục tiêu ban đầu đặt ra là 6.5 - vừa đủ điều kiện để nộp hồ sơ vào ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Kinh tế Quốc dân. Các ngành còn lại, nữ sinh đăng ký bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2018 - năm Linh Chi xét tuyển đại học - Đại học Kinh tế Quốc dân áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp cho thí sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 6.5 trở lên và có điểm thi môn Toán kèm một môn bất kỳ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (ngoại trừ môn Tiếng Anh) đạt từ 14 điểm trở lên.
Nắm chắc IELTS 6.5, học lực các môn khác cũng ở mức khá, giỏi nên Linh Chi khá thoải mái khi đăng ký xét tuyển vào trường. Chi nói rằng dù không trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, cô vẫn còn phương án dự phòng là xét tuyển bằng IELTS nên không sợ mất suất đại học.
Năm đó, Linh Chi trúng tuyển tất cả nguyện vọng nhưng cô lại từ bỏ ngành Ngôn ngữ Anh (xét tuyển bằng IELTS) để theo học ngành Quản trị kinh doanh (xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT). Ban đầu, nữ sinh hơi tiếc vì để phí chứng chỉ, nhưng sau khi vào trường, nhờ có IELTS, cô được miễn các học phần Tiếng Anh cơ bản.
Cường Minh (hiện là sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) cũng giống Thúy An và Linh Chi khi trúng tuyển đại học nhờ có điểm IELTS. Năm 2021, Minh dùng IELTS 7.5 để đăng ký xét tuyển vào các ngành liên quan công nghệ tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Năm đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông công bố kết quả phương thức xét tuyển kết hợp IELTS trước khi công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT nên Minh biết chắc bản thân trúng tuyển ngành mong muốn. Nhờ đó, nam sinh cũng nhẹ nhõm hơn và cảm thấy may vì đã đầu tư thời gian, tiền bạc để học IELTS.
Không nên chạy đua vì IELTS
Trúng tuyển đại học nhờ IELTS và thu được nhiều lợi ích khi sở hữu chứng chỉ nhưng Thúy An vẫn cho rằng học sinh không nên chạy đua theo xu hướng mà cần xác định rõ nhu cầu và khả năng của bản thân trước khi học.
Nữ sinh khuyên học sinh muốn sử dụng IELTS để xét tuyển vào đại học thì không nên học từ quá sớm vì chứng chỉ có thời hạn 2 năm. Học sinh có thể học từ năm cấp 3 và thi vào cuối năm lớp 11 - đầu năm lớp 12 là vừa. Thời gian còn lại, học sinh nên tập trung ôn thi các môn khác để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trường hợp chỉ muốn thông thạo tiếng Anh, không có nhu cầu dùng IELTS để xét tuyển đầu cấp hoặc đại học hay nộp hồ sơ đi du học, An khuyên các học sinh không nên học chứng chỉ này mà chỉ nên học các khóa tiếng Anh thông thường.
Linh Chi và Cường Minh cũng nêu những quan điểm tương tự. Cường Minh nói rằng IELTS có thể giúp học sinh giảm bớt áp lực xét tuyển đại học nhưng đó không phải thước đo hoàn hảo để đánh giá đúng thực lực của học sinh.
Chưa kể, việc xét tuyển bằng IELTS lại vô tình tạo ra cho học sinh một kiểu áp lực mới vì khi các trường ưu tiên xét tuyển thí sinh có IELTS, các em phải cố đua với bạn bè để có một suất trong danh sách ưu tiên đó.
Đối với Linh Chi, IELTS có những mặt tốt như học sinh có thể rèn luyện cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết, giúp xét tuyển đại học thuận lợi hơn. Nhưng chính sự thuận lợi này cũng tạo ra mặt trái là học sinh đổ xô đi học IELTS chỉ vì mục đích duy nhất là vào đại học. Như thế, tấm chứng chỉ IELTS sẽ rất phí vì không được tận dụng hết mức.
Ngoài ra, Linh Chi lo ngại “cơn bão” xét tuyển bằng IELTS sẽ khiến học sinh chỉ tập trung vào việc học IELTS rồi quên đi việc luyện thi các môn khác. Hiện nay, các trường đại học áp dụng nhiều phương thức xét tuyển, IELTS không phải là con đường duy nhất vào đại học nên học sinh không nên phụ thuộc, đầu tư quá nhiều rồi gây ảnh hưởng quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cam-ielts-la-duoc-xet-tuyen-vao-dai-hoc-post1422035.html