Cam kết đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp

Sáng 9-10, tại Hà Nội, đã diễn ra diễn đàn 'Kinh doanh và Pháp luật' năm 2024 với chủ đề 'Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp'.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc diễn đàn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc diễn đàn

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tham dự diễn đàn tại điểm cầu trung ương. Tại các điểm cầu địa phương, có sự tham gia của gần 3.700 đại biểu, là đại diện lãnh đạo của UBND, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, các địa phương, đại diện các sở ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.

Diễn đàn lần này tập trung vào 2 chủ đề: “Một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất” và “Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ”.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và các đại biểu tham dự Diễn đàn

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và các đại biểu tham dự Diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, cho biết thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy hoàn thiện thể chế pháp luật.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 4 luật quan trọng về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng và đề xuất Quốc hội quyết định đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của 4 đạo luật này từ ngày 1-8-2024. Ban chỉ đạo rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được thành lập, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Trong 9 tháng năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, đã ban hành 122 nghị định, 215 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 quyết định, 35 chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp ban chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý.

“Những việc làm cụ thể đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. GDP quý 3-2024 tăng 7,4%, 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tình hình phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực với 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (163.000 doanh nghiệp)”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, diễn đàn này sẽ tiếp tục khẳng định cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, đây cũng là sự cụ thể hóa việc đổi mới tư duy triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng thể chế nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vướng mắc phổ biến nhất là thủ tục hành chính

Tại phiên thảo luận thứ nhất của Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết trong khâu giải phóng mặt bằng, cần tổ chức đối thoại với người dân mới có thể tiến hành cưỡng chế, khâu này khá tốn thời gian. Thực tế cho thấy, có những dự án hiện nay cần đến 38-40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian…

“Vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phức tạp, hiện có tới khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này, nhưng tính đồng bộ còn chưa cao”, ông Hiệp cho biết.

 Đại biểu tham gia phiên thảo luận. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Đại biểu tham gia phiên thảo luận. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Bày tỏ đồng tình, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải. Thậm chí, theo khảo sát mới đây, vướng mắc này đã trở thành vấn đề đứng thứ 2. Cùng với đó là câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.

“Quy hoạch là vấn đề lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan đến nhiều sở, ngành, rất mất thời gian. Chúng ta nên tinh gọn đầu mối”, bà Thủy nhận định.

Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền phân cấp cho chủ đầu tư quyết định một số khâu trong quá trình điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian. “Cũng cần có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, ví dụ như quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư”, chuyên gia này phát biểu.

 Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt

Đại diện Bộ Xây dựng, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết dự án nhà ở là loại dự án liên ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Qua quá trình tổng kết việc thực hiện Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã nhận diện các vấn đề pháp lý doanh nghiệp còn vướng mắc; qua đó tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở năm 2023. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Nghị định 95/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở và Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo chuyên gia này, nhìn chung, các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt, giảm áp lực cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, gần đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, Bộ KH-ĐT được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

 Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc

Vừa qua, bộ đã tham mưu trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định được cải cách và đang tiếp tục hoàn thiện dự án luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu.

“Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Đối với các dự án PPP, thủ tục đấu thầu cũng tiếp tục được phân quyền. Đối với những dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao… Bộ đang kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc”, nữ Thứ trưởng nói rõ.

BẢO VÂN - PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cam-ket-dong-hanh-bao-ve-quyen-va-loi-ich-hop-phap-chinh-dang-cua-doanh-nghiep-post762763.html