Cam kết hợp tác để Afghanistan không thành nơi trú ẩn của khủng bố
Kết thúc cuộc đối thoại an ninh về Afghanistan do Ấn Độ chủ trì, các quan chức an ninh đã ra tuyên bố tái khẳng định rằng lãnh thổ Afghanistan không được sử dụng để làm nơi trú ẩn của khủng bố.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết giới chức an ninh các nước Ấn Độ, Nga, Iran và 5 quốc gia Trung Á ngày 10/11 đã cam kết hợp tác để đảm bảo rằng Afghanistan không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, đồng thời kêu gọi thành lập một chính phủ cởi mở và thực sự bao trùm ở Kabul.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, kết thúc cuộc đối thoại an ninh về Afghanistan do Ấn Độ chủ trì, các quan chức an ninh đã ra tuyên bố tái khẳng định rằng lãnh thổ Afghanistan không được sử dụng để làm nơi trú ẩn, đào tạo, lập kế hoạch hoặc tài trợ cho các hoạt động khủng bố.
Tại sự kiện này, các bên đã bày tỏ quan ngại về tình hình kinh tế-xã hội và nhân đạo đang xấu đi ở Afghanistan, nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Afghanistan.
Các quan chức an ninh cũng cho rằng hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan phải được cung cấp trực tiếp và không bị cản trợ, việc phân phối trong nước được thực hiện theo cách không phân biệt đối xử giữa các thành phần trong xã hội Afghanistan.
Tuyên bố cũng cho biết các quan chức tái khẳng định ủng hộ mạnh mẽ một đất nước Afghanistan hòa bình, an ninh và ổn định, đồng thời nhấn mạnh tôn trọng chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những đau khổ của người dân Afghanistan do tình hình an ninh ở Afghanistan và lên án các cuộc tấn công khủng bố ở Kunduz, Kandahar và Kabul.
Tuyên bố cũng có những điều khoản lên án mạnh mẽ tất cả các hoạt động khủng bố và tái khẳng định cam kết vững chắc trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, bao gồm cả việc cung cấp tài chính; đề cập đến yêu cầu phải xóa bỏ cơ sở hạ tầng khủng bố và chống lại tình trạng cực đoan hóa để đảm bảo rằng Afghanistan không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
Các quan chức cũng kêu gọi cần hợp tác tập thể nhằm đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa ly khai và buôn bán ma túy trong khu vực; nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một chính phủ cởi mở và thực sự bao trùm, đại diện cho ý chí của tất cả người dân Afghanistan và có đại diện từ tất cả các thành phần trong xã hội, bao gồm cả các lực lượng chính trị dân tộc lớn trong nước.
Theo tuyên bố, các bên cho rằng sự tham gia của tất cả thành phần xã hội trong cơ cấu hành chính và chính trị là điều cấp thiết để tiến trình hòa giải dân tộc thành công.
Nhắc lại các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc (LHQ) về Afghanistan, tuyên bố lưu ý rằng Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm trong vấn đề Afghanistan và sự hiện diện liên tục của Liên hợp quốc ở đó phải được duy trì.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo các quyền cơ bản của phụ nữ, trẻ em và cộng đồng thiểu số không bị vi phạm.
Trong phần bình luận của mình, Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval cho rằng đã đến lúc các nước trong khu vực cần tham vấn, hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn để đối phó với những thách thức từ tình hình Afghanistan.
Quan chức này nhấn mạnh: ''Tất cả chúng tôi đều quan tâm theo dõi những diễn biến ở Afghanistan. Những điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với người dân Afghanistan mà còn đối với các nước láng giềng và khu vực. Đây là thời điểm cần giữa cần tham vấn chặt chẽ, hợp tác, tương tác và phối hợp nhiều hơn giữa các nước trong khu vực."
Các quốc gia Trung Á tham dự đối thoại bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Trung Quốc và Pakistan cũng được mời nhưng không tham dự./.