Cam kết mạnh mẽ trong phòng, chống bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều điểm tích cực, tiến bộ, tiếp cận dựa trên quyền con người đã đưa Việt Nam trở thành một trong số quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong Hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người.

Một cảnh trong tiểu phẩm tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình của phụ nữ tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh minh họa - Nguồn: CTV)

Một cảnh trong tiểu phẩm tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình của phụ nữ tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh minh họa - Nguồn: CTV)

Mới đây, trong cuộc làm việc với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Việt Nam, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) khẳng định, Việt Nam đã, đang và sẽ thể hiện cam kết mạnh mẽ trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Đa dạng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, kinh tế hoặc tâm lý, lạm dụng tình cảm và kiểm soát hành vi từ bạn tình của họ trong suốt cuộc đời. Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn khi hầu hết phụ nữ (90,4%) không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà cung cấp dịch vụ hoặc chính quyền.

Từ thực tiễn này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Ngày 4/12/2024, tại Chương trình họp cấp cao về Dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025”, diễn ra ở Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, hiện nay, thành phố và các cơ quan Liên hợp quốc đang có những hoạt động liên kết xây dựng: thành phố thân thiện với trẻ em của UNICEF; xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố an toàn và phi bạo lực cho phụ nữ và trẻ em của UN Women với Hội Liên hiệp Phụ nữ Đà Nẵng; triển khai sáng kiến “Người cha trách nhiệm” của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) với Hội Nông dân Việt Nam; Ngôi nhà Ánh Dương và Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA);…

Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 81.000 gia đình, trong đó số gia đình có 2 thế hệ chung sống là hơn 30.000 gia đình, số gia đình có 3 thế hệ chung sống là hơn 1.400 gia đình. Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hoàng Thị Dung cho biết, thời gian qua, Bắc Kạn đã triển khai các mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, trong đó có thể kể đến việc nhân rộng các mô hình về PCBLGĐ. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện nhân rộng được 29 mô hình, trong đó có 145 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 145 nhóm PCBLGĐ.

Tăng cường công cụ pháp luật để chấm dứt BLGĐ

Để ứng phó với vấn đề bạo lực, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện các chính sách, luật pháp và một số chương trình quốc gia khác. Điểm nổi bật là Bộ VH,TT&DL đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật PCBLGĐ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Luật PCBLGĐ được đánh giá có nhiều điểm tích cực, tiến bộ, tiếp cận dựa trên quyền con người, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thực hiện các điều ước quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia đã hợp tác với UNFPA, UNICEF và UN Women, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và Bộ VH,TT&DL thực hiện “Dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025”…

Theo bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL cho biết, để chấm dứt BLGĐ đối với phụ nữ, trẻ em, Bộ VH,TT&DL đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ về phương diện pháp luật như: tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật PCBLGĐ; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về PCBLGĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ trình Chính phủ; phối hợp với Bộ Công an xây dựng và hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định có nội dung về PCBLGĐ về nội dung liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ theo luật mới sửa đổi; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật PCBLGĐ;…

Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong PCBLGĐ - đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy tại buổi tiếp, làm việc với Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam Matt Jackson, vào đầu tháng 2/2025. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để đất nước phát triển ổn định, thịnh vượng, công tác PCBLGĐ sẽ tiếp tục được Việt Nam triển khai mạnh mẽ, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trong thời gian tới, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, với phương châm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về PCBLGĐ, Thứ trưởng mong muốn UNFPA Việt Nam hỗ trợ Bộ VH,TT&DL triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ; thông qua việc kết nối, hỗ trợ Việt Nam học tập kinh nghiệm của các nước…

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cam-ket-manh-me-trong-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-post540596.html