Cam kết về tinh thần, trách nhiệm của Việt Nam với hòa bình, an ninh quốc tế

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, việc tham gia gìn giữ hòa bình không những góp phần nâng cao vị thế hình ảnh quốc gia mà còn khẳng định cam kết về tinh thần, trách nhiệm của Việt Nam với hòa bình, an ninh quốc tế.

Biểu tượng của tinh thần Việt Nam

Tại Tọa đàm “Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 17.10, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng nhận định, lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình đóng vai trò hết sức quan trọng trong duy trì an ninh quốc tế. Lực lượng này trực tiếp thực thi tại các khu vực hậu xung đột, đã góp phần tích cực vào ổn định chung của khu vực đó và quốc tế.

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, chiến tranh xung đột hết sức khó lường, công tác của lực lượng gìn giữ hòa bình tham gia vào Liên Hợp Quốc không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế, uy tín của con người Việt Nam, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

 Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại Tọa đàm “Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 17.10

Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại Tọa đàm “Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 17.10

Tự hào, cảm phục những nỗ lực, kết quả của lực lượng gìn giữ hòa bình, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng cho rằng đây không phải là nhiệm vụ quốc tế cao cả mà còn là biểu tượng tinh thần đoàn kết, vượt khó và chiến thắng của người Việt Nam.

"Tôi đã trực tiếp đến công tác tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, họ đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực, kỹ thuật chuyên môn của Việt Nam, đặc biệt là tinh thần quốc tế cao cả của Việt Nam. Họ còn đề nghị không những mở rộng lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam còn nên ưu tiên tập huấn, huấn luyện cho lực lượng khác ở khu vực Đông Nam Á", Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng nói.

Nhiều khó khăn, thách thức

Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng nêu rõ những khó khăn, thách thức của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình. Thứ nhất, môi trường ở địa bàn mà lực lượng gìn giữ hòa bình tham gia rất khắc nghiệt, hiểm nguy, là địa bàn sau xung đột, nơi khó khăn nhất của thế giới. Thứ hai, các cán bộ, chiến sĩ thiếu thốn về cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc đề ra. Để đảm nhận vị trí này phải chuẩn bị từ trong nước là chính, việc di chuyển, vận chuyển tiếp tế khó khăn...

Thứ ba, yêu cầu về nguồn lực cao, trong đó lực lượng gìn giữ hòa bình phải có sức khỏe, chuyên môn, kỹ năng, trình độ phù hợp yêu cầu của Liên Hợp Quốc, đòi hỏi tỉ lệ nữ cao hơn ở nhiều vị trí…

Thứ tư, vấn đề về pháp lý, chính sách, chúng ta đã có Đề án Tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tháng 11.2012; Quy định số 241-QĐ/TW ngày 30.10.2020 về thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; Nghị định số 162/2016/NĐ-CP ngày 14.12.2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đang được sửa đổi. Hiện chỉ có Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội Khóa XIV cơ bản hiệu quả, trong khi thực tiễn đòi hỏi quy định phải cập nhật, phù hợp với điều ước quốc tế.

Đó là những khó khăn lớn, ảnh hưởng đến việc triển khai, thực thi ở địa bàn chúng ta tham gia.

Luật cần tính đến đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Nói về Dự thảo Luật tham gialực lượnggìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, từ vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng nhận định dự án Luật phải hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho lực lượng này đủ cơ sở pháp lý để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam ở Liên Hợp Quốc. Việc soạn thảo dự án Luật này nhằm khắc phục được cái khó khăn, bất cập hiện nay lực lượng đang vướng phải, đồng bộ thể chế, nhất là hệ thống văn bản pháp luật về lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình.

Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, để dự án Luật thực thi được ngay sau khi ra đời, mang hiệu quả cao, dễ áp dụng, cơ quan soạn thảo khi trình Chính phủ nên cụ thể thêm cơ sở đánh giá, tổng kết thực tiễn, đặc biệt phải tuân thủ quy định quốc tế.

"Lâu nay gìn giữ hòa bình chỉ lực lượng vũ trang, quân đội và công an, nhưng để hội nhập, tham gia sâu rộng hơn cần tính đến đối tượng dân sự và phải đánh giá cụ thể, rõ ràng để bảo đảm khả thi. Một vấn đề nữa, cơ quan điều phối, tổ chức quản lý, chỉ huy điều hành phải được phân cấp, phân quyền rõ, tránh mất nhiều thủ tục, nhiều thời gian khi cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, các giải pháp nguồn lực, nhân lực, tài chính, cơ chế chính sách đặc thù… cũng cần nghiên cứu", Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh.

Thái Minh lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cam-ket-ve-tinh-than-trach-nhiem-cua-viet-nam-voi-hoa-binh-an-ninh-quoc-te-post393535.html